Nghỉ hưu - với rất nhiều người - là câu chuyện lớn và không đơn giản. Với người có chức vụ cao, có nhiều chế độ đãi ngộ, có xe đưa đón, có lương cao... thì ngày nhận quyết định nghỉ hưu được xem như một “ngày buồn”. Không phải ai cũng xác định rõ tư tưởng, có thái độ bình thản khi nhận quyết định nghỉ hưu - đồng nghĩa với không chỉ chia tay đồng nghiệp mà còn là “chia tay” cả với các chế độ đãi ngộ, với quyền lực và bổng lộc.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người không hề muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu, chỉ muốn “dứt điểm” nhanh với công việc chính để có thể nghỉ ngơi, hưởng lương hưu và... làm thêm việc khác. Với nhiều cảnh huống trái chiều, thậm chí trái khoáy như thế, đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu như đã nói trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nhiều chuyện đáng bàn.
“Tôi muốn nghỉ hưu sớm”
Chiều tối, trong ngõ nhỏ nhà tôi, chiếc xe chở rác lặc lè chất ngất, đằng sau là người phụ nữ bé nhỏ đang gò lưng mà đẩy. Ngước lên, rút vội chiếc khăn lau khuôn mặt đỏ bừng với mồ hôi đầm đìa, chị than thở: “Chú thấy đấy, vất vả thế này mà người ta đang tính kéo dài tuổi làm việc của chúng tôi đến 60. Không biết đến lúc ấy, chúng tôi lấy đâu ra sức mà đẩy cái xe rác thế này nữa?”. Chị công nhân vệ sinh ấy là một trong những người không hề muốn kéo dài tuổi làm việc, ngược lại, còn muốn Nhà nước xem xét cho nghỉ sớm hơn quy định hiện nay.
Trên thực tế, đúng là không phải ai cũng thích làm việc mãi, không thích về hưu ở tuổi 55 với nữ hay 60 với nam. Bởi, có những nghề nghiệp cực kỳ nặng nhọc, độc hại như sửa chữa vũ khí, thu gom rác thải, giám định pháp y... người lao động chịu rất nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Với họ, nghỉ hưu ở tuổi 55 hay 60 rõ ràng không có lợi, thậm chí còn bị vắt kiệt sức dẫn đến bệnh tật và... tuổi thọ ngắn chứ không dài mà hưởng lương hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội.
Dù Nhà nước đã có hẳn một danh mục nghề nghiệp nặng nhọc, độc hại cũng như các chế độ phụ cấp thì rất nhiều người cho rằng, chỉ muốn có lương xứng đáng và... được nghỉ hưu sớm hơn quy định. Có như thế, họ mới có điều kiện nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Nếu nay luật sửa đổi, kéo dài tuổi hưu chắc chắn “kính chẳng bõ phiền” khi mà sức khỏe xuống dốc, không đảm bảo chất lượng công việc, ảnh hưởng đến thu nhập - nghĩa là ba bề bốn bên đều thấy... bất cập.
Ai muốn... lâu nghỉ hưu?
Câu hỏi này đã được chính các đại biểu Quốc hội trả lời: “Có một phần cán bộ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về mà xã hội vẫn phải chăm lo trong khi không đóng góp gì”. Như đã nói ở phần trên, trong tổng thành lao động các ngành nghề trong xã hội hiện nay, có một bộ phận không nhỏ người hưởng lương không thiếu một đồng nhưng làm việc với tinh thần “cơm nhà chúa, múa tối ngày”, bớt xén giờ làm, ngày làm để lo việc riêng; bên cạnh đó, là một số những người “không thể chấp nhận được” chuyện thiếu xe đưa đón, thiếu bổng lộc, thiếu ưu đãi.
Với những người thuộc dạng này, nghỉ hưu đồng nghĩa với “mất hết” nên họ rất không muốn nghỉ hưu, thậm chí đủ tuổi nghỉ hưu rồi còn tính chuyện “chạy chọt” kéo dài thêm một ít thời gian nữa. Và, với tin sửa luật để kéo dài tuổi nghỉ hưu - với họ - thật sự đáng coi là “tin mừng”, chế độ đãi ngộ được kéo dài hơn, bổng lộc nhận được nhiều hơn... chứ Quỹ Bảo hiểm xã hội có “vỡ” hay không, họ chẳng mảy may quan tâm. Thực tế này đã nhiều lần được báo chí, dư luận “nói rõ” rồi chứ không phải các nhà soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội không biết.
Nghỉ hưu muộn: Chưa chắc đã tích cực
Các tính toán chi ly đã được các nhà làm luật đưa ra để chứng minh, nếu không kéo dài tuổi nghỉ hưu, Quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ có nguy cơ đổ vỡ. Tuy nhiên, có một vấn đề mà chưa thấy rõ những con số thuyết phục. Kéo dài tuổi nghỉ hưu, vậy thì nhà nước có cách nào thanh lọc những người lười biếng, chất lượng làm việc thấp? Nền hành chính đang ngày một cồng kềnh, việc tinh giản bộ máy, giảm bớt lượng công chức, viên chức bấy lâu nay vẫn làm nhưng hiệu quả không cao, nay lại kéo dài tuổi làm việc, liệu có sớm quá không khi dự báo, bộ khung cán bộ, công chức hành chính càng có nguy cơ quá tải, đi ngược lại những gì mà chúng ta đã cố gắng bấy lâu nay? Lượng công chức, viên chức không được tinh giản bớt, ngân sách nhà nước dành cho chi trả lương do vậy càng rơi vào thế thường xuyên bội chi thì làm sao chúng ta có thể tăng dự trữ, tích lũy vốn liếng mà tái đầu tư cho phúc lợi?
Một chuyện khác cũng vô cùng bức xúc, chính là tuổi nghỉ hưu mới - nếu được Quốc hội thông qua - còn tạo nên một “con đê” ngăn cản việc trẻ hóa đội ngũ lao động. Hàng vạn sinh viên tốt nghiệp đại học hiện nay, số phải chịu cảnh thất nghiệp đã rất lớn, nếu lại bị chắn đường bởi “các bác 60, 62” thì biết ngày nào mới có chỗ đứng chân trong cơ quan, công sở?
Như nhiều nước trên thế giới đã nếm trải, đội ngũ lao động sàng trẻ hóa bao nhiêu, sức sáng tạo, sự năng động càng lớn bấy nhiêu và hệ quả tất yếu là chất lượng và hiệu quả công việc cũng nâng lên. Không lẽ một người lao động ở tuổi 30 lại không có nhiều sức khỏe, không thể làm việc tốt hơn người đã 60, 62 tuổi? Không lẽ một đội ngũ lao động với quá nhiều những người tuổi 60 lại có thể làm ra nhiều của cải, vật chất, có nhiều năng động sáng taọ hơn những công chức, viên chức, người lao động ở tuổi 30-40 sao?
Phân hóa tuổi nghỉ hưu: Tại sao không?
Đây là phản ánh từ chính dư luận, và cũng được đa số các vị đại biểu Quốc hội chuyển tải trong kỳ họp thứ 7 đang diễn ra. Theo đó, chỉ nâng tuổi nghỉ hưu với người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt để đảm bảo đồng bộ giữa các luật, không lãng phí nguồn lực chất xám với lao động chuyên môn cao.
Với việc phân hóa tuổi nghỉ hưu theo nhóm ngành, nhóm nghề, nhóm đối tượng như thế rõ ràng có nhiều lợi ích. Trước hết, với những đối tượng có tay nghề, có năng lực, có sức khỏe thì hoàn toàn có thể nâng tuổi nghỉ hưu để họ có điều kiện cống hiến cũng như nhà nước không lãng phí nhân lực.
Bên cạnh đó, với những người, những nghề có nhiều tổn hại cho sức khỏe, nên quy định tuổi về hưu sớm hơn đi kèm theo đó là mức đóng bảo hiểm xã hội phù hợp để người lao động được nghỉ hưu đúng nghĩa chứ không vì quy định cứng nhắc mà biến họ thành “cái vỏ chanh hết nước” với đủ thứ bệnh tật khiến gánh nặng chăm sóc y tế cũng trở nên nặng nề theo.
Đặc biệt, Nhà nước cũng rất cần tổng kết, đánh giá và chuẩn hóa các quy định để người lao động có thể xin nghỉ hưu trước tuổi - vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người lao động, vừa tạo điều kiện tinh giản bộ máy - với những chế độ riêng về lương hưu, chế độ bảo hiểm.
Thời gian vừa qua, thực tế ở nhiều cơ quan khi áp dụng việc xin nghỉ hưu trước thời hạn đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho sắp xếp, bố tri cán bộ, giảm nhẹ gánh nặng chi phí hành chính, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, nhân viên và cuối cùng là nâng cao chất lượng công việc, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Đúng là Quỹ Bảo hiểm xã hội có nguy cơ vỡ, song rất cần phải trao đổi thẳng với nhau rằng, không nên vì thế mà cần kéo dài tuổi nghỉ hưu. Người lao động nên và cần có thời gian đủ để nghỉ ngơi, hưởng phúc lợi xã hội chứ không phải về nhà với sự kiệt quệ sức khỏe cùng một cơ số bệnh tật.
Trong khi đó, Quỹ Bảo hiểm xã hội hiện còn đang bị nợ quá nhiều từ các chủ sử dụng lao động, cần phải được ngăn chặn bằng các chế tài nghiêm khắc hơn từ phía Nhà nước. Một khi đảm bảo đủ nguồn vào cho Quỹ Bảo hiểm xã hội, chắc chắn nguy cơ vỡ Quỹ sẽ được giảm bớt đáng kể.
Một quốc gia mạnh luôn là một quốc gia có lực lượng lao động trẻ khỏe, nhiều sức lực nhất chứ không phải là có quá nhiều người già tham gia làm việc. Bởi thế, tuổi nghỉ hưu cần được cân nhắc, tính toán cho thích hợp - và nếu được thì nên tính sớm việc hạ độ tuổi nghỉ hưu như chúng ta đã tính toán giảm số giờ làm việc. Không nên chỉ vì một câu chuyện của Quỹ Bảo hiểm xã hội mà khiến cho “nảy nòi” quá nhiều hệ lụy, tốn kém về lâu về dài...