Nụ cười ngớ ngẩn mang ý nghĩa gì? Những người lãnh đạo tổ chức Chữ thập đỏ chuyên hoạt động từ thiện cứu trợ, cứu nạn, có mặt ngay tại nơi xảy ra thiên tai kinh khiếp làm chết 7000 người, tại sao không làm điều gì đó giúp những nạn nhân để vừa thể hiện thiên chức thiện nguyện, thể hiện tấm lòng tương trợ tương thân với người trong cơn khó khăn hoạn nạn?
Bức hình được tung lên facbook |
Rất tiếc, bà Chủ tịch Hội lại hớn hở cười chỉ tay vào những ngôi nhà đổ nát và chụp hình. Hình ảnh này không có thể giải nghĩa cách nào khác là sự khoe khoang: “Ta đã có mặt ở đây đúng lúc ấy đấy nhé!”.
Những người bênh vực bà cho rằng đây là đoàn cán bộ cao cấp của Hội đi Nepal để nghiên cứu học tập các biện pháp chống động đất ở tầm vĩ mô nên không thể tham gia cứu nạn.
Đoàn đi theo sự tài trợ của nước ngoài, việc đưa lên mạng tấm ảnh cười vô cảm là do nhầm lẫn vì có chụp những tấm ảnh khác…
Nói chung lý lẽ này chỉ là sự chống chế vụng về, không giảm đi, mà còn tăng thêm sự ác cảm đối với hình ảnh và thái độ của không riêng bà Chủ tịch Hội, mà với cả đoàn cán bộ nghiên cứu.
Người ta không đòi hỏi những đóng góp kỳ vĩ, lớn lao của đoàn cho những nạn nhân Nepal, mà chỉ cần những việc nhân đạo hết sức bình thường mà bất cứ cá nhân nào nếu có tấm lòng cũng đều có thể làm như hiến máu, tặng quà, chăm sóc em nhỏ….
Nếu không ý thức, không thể làm được những việc bình thường nhất đó, thì ít ra cũng đừng nên có thái độ lố bịch, xúc phạm đến người dân bị nạn trong lúc thảm họa đang xảy ra.
Việc chụp hình kỷ niệm một cách đơn thuần về thảm họa có đến 7000 người chết, dù có cười hay không cũng là điều đáng trách ngay đối với người bình thường, huống hồ đây là những cán bộ cao cấp của một tổ chức nhân đạo.
Dư luận không đòi hỏi kỹ năng, mà đau xót về sự ngồi nhầm chỗ của những người được gọi là cán bộ cao cấp của Hội Chữ thập đỏ này về phẩm chất, về bảy nguyên tắc căn bản mà Hội này đã đề ra mà mọi hội viên phải tuân thủ.
Trước hết đó là nguyên tắc nhân đạo “với lòng mong muốn được giúp đỡ không phân biệt những người bị thương trên chiến trường, sẽ nỗ lực với khả năng quốc gia và quốc tế của mình ngăn ngừa và giảm bớt đau thương nhân loại bất cứ ở nơi nào”.
Sự đáng tiếc không dừng lại ở đó. Sau những lời lẽ phê phán nghiêm khắc nhưng hoàn toàn xác đáng của dư luận, người ta chờ nghe một lời xin lỗi, một thái độ hối hận, một lời huấn thị nào đó của tổ chức cấp trên để sửa chữa sai sót của cá nhân và rút kinh nghiệm chung.
Thế nhưng ngược lại, bà Chủ tịch Hội lại đe dọa báo chí, dư luận, thậm chí lại có văn bản đề nghị luật sư hỗ trợ pháp lý để xử lý những dư luận sai trái về bà và những cơ quan ngôn luận đã làm “lộ bí mật công tác”.
Sự ngộ nhận về vai trò của người làm công tác nhân đạo thiện nguyện quả đã đi đến điểm đỉnh. May mắn là bà Chủ tịch Hội đã kịp rút lại yêu cầu với luật sư, nếu không chưa biết bi hài kịch này sẽ còn đi đến đâu?
Phải chăng các vị này cho rằng chuyện chụp ảnh, đùa vui trong thảm họa ở Nepal chỉ là hành vi cá nhân, không ảnh hưởng tới ai?
Xin thưa, bà chủ tịch đi Nepal không phải là du lịch bằng tiền túi cá nhân, mà chính bằng tài trợ của tổ chức quốc tế cho tổ chức Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Hành vi của bà không chỉ là vết đen cho tổ chức Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Sự im lặng của tổ chức và các cá nhân có liên quan trong trường hợp này là sự dung túng đồng lõa cho những hành vi thái độ chà đạp lên các nguyên tắc cao đẹp của tổ chức Hội Chữ thập đỏ và nhân cách người Việt nói chung./.