Nữ điệp viên xuất sắc với 17 mật danh của Liên Xô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kitty Harris được cho là một trong những nữ điệp viên xuất sắc nhất của Liên Xô, nổi tiếng với với biệt danh “điệp viên mang 17 cái tên”. Bà chính là một trong những mắt xích chủ chốt trong các mạng lưới điệp viên trải khắp toàn cầu của Liên Xô, thu thập và gửi về nước nhiều thông tin quan trọng.
Bà Kitty Harris.
Bà Kitty Harris.

Tuổi thơ vất vả

Kitty Harris sinh năm 1899 tại London, Anh. Cha của bà là một người thợ đóng giày còn mẹ chỉ ở nhà làm công việc nội trợ và chăm con nên cuộc sống của cả gia đình khá khó khăn. Năm Harris lên 9 tuổi, cả gia đình bà chuyển tới Winnipeg, Canada. Tại Canada, sống trong khu nhà của những lao động di cư từ nhiều nước khác nhau trên thế giới, Harris có điều kiện tiếp xúc và học được nhiều thứ tiếng khác nhau từ các bạn của mình. 

Do gia đình khó khăn nên vào năm 13 tuổi Harris đã phải nghỉ học để bước vào “trường đời”. Đó là năm 1912. Ban đầu, bà làm việc ở một nhà máy chuyên sản xuất xì gà rồi sau đó chuyển sang một công xưởng may mặc để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Xuất thân từ tầng lớp lao động nên Harris sớm giác ngộ chủ nghĩa cộng sản.

Cách mạng tháng 10 Nga thành công đã có tác động mạnh mẽ đến phong trào công nhân ở phương Tây và Harris cũng không ngoại lệ. Thời gian này, bà đã gia nhập phong trào cách mạng và trở thành người lãnh đạo Cuộc tổng đình công ở Winnipeg vào năm 1919. 

Tuy nhiên, do cuộc sống tại Canada cũng không mấy sáng sủa nên cùng trong năm 1919, gia đình Harris lại quyết định chuyển tới thành phố Chicago của Mỹ và bà cũng đi theo gia đình. Tại Chicago, bà trở thành thư ký của Liên đoàn công nhân dệt may địa phương.

Đến tháng 1/1923, bà gia nhập Đảng Cộng sản Mỹ và được giao nhiệm vụ truyền đạt, phổ biến các văn kiện của Đảng trong tổ chức công đoàn địa  phương. Cùng thời gian này, bà gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với ông Earl Browder - một nhân vật quan trọng và về sau trở thành người đứng đầu Đảng cộng sản Mỹ. Năm 1925, hai người kết hôn.

Hình ảnh nữ điệp viên Kitty Harris in trên con tem của Liên Xô.
Hình ảnh nữ điệp viên Kitty Harris in trên con tem của Liên Xô.

Bước vào con đường trắc trở

Năm 1927, Harris gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô và được phân công làm việc tại Ban thư ký Liên đoàn thương mại Liên Thái Bình Dương thuộc Quốc tế cộng sản. Năm 1928, theo điều phối của Quốc tế cộng sản, bà cùng ông Browder tới Thượng Hải, Trung Quốc với nhiệm vụ tổ chức các hoạt động công đoàn ở các nước Đông Nam Á.

Tại đây, ông Browder trở thành Tổng thư ký Ban thư ký Liên đoàn thương mại Liên Thái Bình Dương còn bà Harris là thư ký cho chồng, cũng là người nhận trách nhiệm thông tin liên lạc với tổ chức. Đến giữa năm 1929, bà lại theo chồng về Liên Xô khi ông Browder được triệu về để đảm nhận một công việc đặc biệt cũng như tham gia vào việc chuẩn bị cho phiên họp của Ban chấp hành quốc tế cộng sản. 

Tuy nhiên, khi trở lại Mỹ vào năm 1930, cuộc sống hôn nhân của Harris và chồng bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn. Do không thể hàn gắn được nên họ đã ly hôn trong cùng năm. Thời gian này, Harris làm việc cho Liên đoàn Lao động người Mỹ gốc Phi được Đảng cộng sản Mỹ thành lập vào năm 1925 để giải quyết các vấn đề về kinh tế và xã hội liên quan đến người Mỹ gốc Phi.

Cũng trong năm 1931, Harris đã được một điệp viên của Liên Xô tên Abram Einhorn tuyển mộ vào làm việc cho cơ quan tình báo đối ngoại tiền thân của KGB. Năm 1932, bà được điều tới làm việc tại Berlin với mật danh “Cô gái Digan”, một trong những cái tên từng được bạn bè dùng để gọi bà khi còn trẻ. Trong vỏ bọc một sinh viên của Trường đại học tổng hợp Berlin, Harris phải tự mày mò tìm nơi ăn chốn ở, kết thân với những người xung quanh để tránh bị nghi ngờ khi tham gia các hoạt động chuyển tài liệu, thư mật... 

Tháng 10/1935, Harris được triệu về Moscow để tham gia đào tạo nghiệp vụ tình báo đặc biệt. Hoàn tất khóa học, năm 1936, bà được cử tới Paris, Pháp với vị trí người điều hành hệ thống liên lạc radio của NKVD - cơ quan tiền thân của KGB. Đến năm 1937, bà lại được lệnh về Moscow để tham gia khóa đào tạo sử dụng các thiết bị mới trước khi được điều tới London, Anh để làm việc trong tổ điệp báo ở thành phố này.

Tại Anh, dù hơn đến 13 tuổi nhưng Harris đã rơi vào lưới tình với Kim Philby - một thành viên của nhóm điệp viên “Cambrige Five” nổi tiếng. Lợi dụng vị trí cán bộ cấp cao của Bộ ngoại giao Anh, mỗi tuần 2 lần vào đêm muộn, Philby lại mang những tài liệu mật mà anh ta lén lấy ra ngoài được đến căn hộ của Harris để bà chụp lại và chuyển về cho đầu mối. Ngoài những tài liệu của Bộ ngoại giao Anh, Philby còn cung cấp cho Harris các tài liệu quan trọng của Cơ quan tình báo Anh. Tình cảm và sự nghiệp của Harris đều thăng hoa vào thời điểm này. Philby trở thành nguồn tin quan trọng nhất của Harris trong sự nghiệp của bà. 

Khi Philby được phía Anh điều tới làm việc tại Đại sứ quán Anh ở Paris vào năm 1938, anh ta đã ra điều kiện với Liên Xô phải cho Harris đi cùng. Yêu cầu này không ngờ được Moscow đáp ứng. Harris và Philby tiếp tục ở bên nhau và chuyển thông tin tình báo về Liên Xô cho đến khi Đức xâm lược Pháp vào năm 1940. Vài ngày trước khi Pháp rơi vào tay phát xít, Harris may mắn chạy về lại được Liên Xô.

Nữ điệp viên quả cảm

Về đến Liên Xô, bà được phân công vào bộ phận tình báo nước ngoài dự bị với nhiệm vụ là huấn luyện các nhân viên tình báo trẻ, hướng dẫn nghệ thuật giữ bí mật, giới thiệu với họ những đặc điểm của ngôn ngữ tiếng Đức và tiếng Anh giao tiếp. Ngày 22/6/1941 - ngày Đức tấn công Liên Xô, Harris đã viết thư cho Giám đốc Cơ quan tình báo đối ngoại Pavel Fitin đề nghị được điều ra chiến trường ngay lập tức. 

Tuy nhiên, lãnh đạo Cơ quan tình báo Liên Xô cho rằng bà là “kho vàng” của tình báo Liên Xô nên không thể sử dụng tùy tiện. Sau khi cân nhắc, họ quyết định điều bà đến Mỹ. Có mặt tại Mỹ vào tháng 10/1941, công việc chính của Harris lúc này là khôi phục liên lạc với mạng lưới điệp viên đã tạm ngừng hoạt động. Tháng 11/1942, bà lại được chuyển sang Mexico.

Trong vai một sinh viên theo học tiếng Tây Ban Nha tại Trường đại học tổng hợp, bà đã nhanh chóng bắt kịp được công việc, đảm nhận nhiều vị trí khác nhau, từ thông tín viên, nhân viên mật mã cho tới việc tiếp cận các quan chức cấp cao của Mexico, những người có tiếng nói trong xã hội nước này để chiêu mộ họ. 

Ngoài ra, trong bối cảnh số lượng nhân viên tình báo ở Mexico khá ít ỏi, bà còn thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiệp vụ khác nữa theo phân công của cấp trên. Khối lượng công việc nhiều thậm chí đã khiến bà từng phải nhập viện vì đau tim nhưng sau cùng bà đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tháng 6/1946, thấy sức khỏe bà suy yếu, giới lãnh đạo tình báo Liên Xô quyết định đưa bà về nước. Sự nghiệp điệp viên của bà kết thúc ở đây. 

Trong 16 năm hoạt động, Harris chứng tỏ bà là một điệp viên xuất sắc với khả năng thành thạo 4 ngôn ngữ. Bà nổi tiếng với thành tích là một trong những nhân vật có vai trò quan trọng trong dự án thu thập thông tin tình báo về dự án chế tạo bom hạt nhân Manhattan của Mỹ, giúp Liên Xô rút ngắn được đáng kể thời gian nghiên cứu, chế tạo.

Làm việc dưới sự điều hành của hơn 40 điệp viên của Liên Xô, bà cũng là người đã có công tổ chức mạng lưới điệp viên của Liên Xô trên khắp thế giới, tuyển mộ, kết nối được 24 điệp viên như vậy. Là bậc thầy về cải trang và che giấu danh tính, bà từng hoạt động với 17 bí danh khác nhau và mãi hơn 30 năm sau khi nằm xuống, tên thật của bà mới được công bố.

Đọc thêm