Xinh xắn, trẻ trung, ái nữ của dòng họ Nguyễn Lân đã có cuộc trò chuyện thân thiện và ấm áp với phóng viên PLVN về cuộc sống của người phụ nữ hiện đại giỏi giang…
|
PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly và tổ ấm của mình |
Năm 2014 có được xem là một năm thành công khi chị đã nhận được giải thưởng Thanh niên Pháp ngữ do nhóm các Đại sứ quán, phái đoàn và tổ chức Pháp ngữ tại Hà Nội (GADIF) trao tặng và giải thưởng Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu?
- Có thể xem năm 2014 Ly gặp nhiều may mắn thì đúng hơn. Còn để nói về thành công thì Ly nghĩ rằng cần phải có cả một quá trình nỗ lực. Ly quan niệm rằng một người thành công cũng chỉ là người có số lần thành công nhiều hơn số lần thất bại một chút thôi. Không ai có kinh nghiệm ngay từ thuở ban đầu, nhưng cứ chăm chỉ học hỏi, rút kinh nghiệm dần thì chắc chắn sớm muộn gì ta cũng có nhiều kết quả tốt.
Là một nữ PGS trẻ nhất Việt Nam năm 2013, khi 32 tuổi, lý do đưa chị tới với nghiên cứu khoa học có xuất phát từ truyền thống gia đình hay vì một lẽ nào khác?
- Sinh ra trong một gia đình cả ba và mẹ đều là giảng viên dạy tiếng Pháp, Lưu Ly luôn coi đó là sự may mắn của bản thân. Được tiếp xúc nhiều với tiếng Pháp từ nhỏ, cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ cũng như văn hóa Pháp đã dần ngấm mình.
Ngày thi đại học (ĐH), khi có đến 20/34 bạn cùng lớp chọn ĐH Ngoại thương thì Lưu Ly đã quyết định chọn ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội. Mặc dù nếu muốn giàu có Ly đã chọn ĐH Ngoại thương nhưng không hiểu sao tới phút chót mình đã quyết định như một lẽ tự nhiên. Ly nghĩ nghề nào cũng có rất nhiều ưu điểm nếu ta thực sự đam mê và yêu quý nó.
Nhiều người cứ nghĩ đi theo con đường khoa học là khô khan, nhưng Ly không thấy như vậy. Bởi trong cái nôi tri thức, nghiên cứu khoa học cho Ly thấy những cái hay, cái đẹp và niềm đam mê tới cùng. Tất nhiên, thành công là kết quả của một quá trình, nhưng thành công sẽ đến khi mình cố gắng hết sức để không phải nói lời hối tiếc, chỉ là thành công sớm hay muộn mà thôi.
Những ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường ĐH cũng là lúc Lưu Ly bắt đầu biết đến nghiên cứu khoa học với những bài tập nghiên cứu đầu tiên. Sau nhiều “viên gạch đầu méo mó”, Ly đã rút được rất nhiều kinh nghiệm và bắt đầu viết nghiên cứu bằng tiếng Pháp. Đi từ từ, cứ đi rồi sẽ thấy đường và quyết tâm, kiên trì theo đuổi thì rồi cũng sẽ làm được. Và mình luôn trân trọng tất cả dù là thất bại để đi tới thành công.
Chị có thể chia sẻ bí quyết để cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Trong quá trình nghiên cứu khoa học, đâu là thời gian khó khăn nhất của chị?
- Khi mới cưới, vợ chồng mình dự tính cùng nhau đi du học vài năm rồi về mới sinh con nhưng “vỡ kế hoạch” nên hai vợ chồng gác lại dự định ấy. Sinh con xong, trong thời gian chờ đợi bảo vệ luận án tiến sĩ, Ly tranh thủ tham gia khóa thạc sĩ Quản trị Kinh doanh ở Pháp. Khóa học kéo dài 9 tháng và có 3-6 tháng thực tập. Ngay khi vừa đặt chân tới Pháp, Ly đã đi tìm chỗ thực tập thay vì đợi đến cuối khóa như thường lệ. Vừa học vừa thực tập, mình tiết kiệm được 3 tháng để mau chóng về với cậu con trai 3 tuổi.
Để có thể thường xuyên trau dồi kiến thức, Ly luôn tận dụng mọi thời gian để đọc. Đặc biệt, thời điểm mang thai và sinh con lại là lúc lúc Ly có nhiều thời gian ở nhà để dành cho việc đọc và nghiên cứu hơn. Hơn nữa, chồng là con một nên Ly được bố mẹ chồng yêu thương như con gái. Suốt thời gian nghiên cứu và học tập, Ly được ông bà hai bên giúp chăm sóc con cái rất nhiều.
Cùng với đó, với rất nhiều công việc bận rộn, tuỳ theo từng thời gian mà mình ưu tiên tập trung vào công việc nào trước. Chẳng hạn, khi con trai 6 tuổi, chuẩn bị vào lớp 1 thì mình dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Hay trước những dự án cần hoàn thành thì mình sẽ ưu tiên thời gian vào đó…
Ngoài tiếng Pháp, được biết chị còn thành thạo tiếng Anh và tiếng Nhật? Chị học được gì từ các ngôn ngữ đó?
- Với mình, học thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời, đó là một trong những lí do để Lưu Ly quyết định tìm tòi, học hỏi thêm những ngoại ngữ khác ngoài tiếng Pháp.Việc học ngoại ngữ không chỉ cho mình biết thêm một thứ tiếng mà còn cho mình có cái nhìn đa chiều, phản biện, không bị khô cứng. Và nếu đã thành thạo một ngoại ngữ thì sẽ hỗ trợ được rất nhiều trong việc học các ngoại ngữ sau vì mình đã có một nền tảng trong tư duy ngôn ngữ.
Tính tự lập đó là điều mà Ly học được ở nền giáo dục của nước Pháp. Và trong cách dạy con, Ly cũng luôn cố gắng để con có thể tự lập. Con gái của mình mới 2 tuổi nhưng bé đã có thể tự đi dép, đội mũ, tự xúc cơm ăn…
Sự cố gắng quan trọng hơn mình đang có gì
Được biết, chị kết hôn khá sớm và đã làm mẹ của hai bé đáng yêu. Để có được những thành công hẳn chị đã có “một nửa” rất tuyệt vời?
- Lưu Ly và chồng là bạn học từ thời tiểu học. Thế nhưng, cũng như một cái duyên, sau này lớn lên, “đi đâu cũng gặp” vì vợ chồng mình trong một nhóm bạn đi thăm thầy cô hàng năm. Thế rồi suốt 14 năm “mày- tao”, tới năm thứ ba ĐH mới bắt đầu yêu. Cả hai ra trường đi làm một năm thì kết hôn. Điều ấy khiến hai người dễ dàng hiểu và chia sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống. Chồng luôn ủng hộ và tạo điều kiện để mình có cơ hội phát huy những thế mạnh của mình. Mới đây, tụi mình đã kỉ niệm 10 năm ngày cưới. Như mọi phụ nữ khác, gia đình là điều quan trọng nhất trong cuộc sống đối với Ly, là nơi Ly cảm thấy bình an nhất, là chỗ dựa ấm áp và vững chắc nhất để Ly có thêm động lực cố gắng. Chồng Ly có thể chơi piano, guitar, chơi và đam mê bóng đá…
Lớn lên trong một dòng họ mà mọi người đều nổi tiếng bởi tri thức hàng đầu trên nhiều lĩnh vực, Lưu Ly học được gì từ những người phụ nữ trong gia đình?
- Điều Lưu Ly học được đầu tiên từ các bác dâu dù là giảng viên hay nghiên cứu khoa học đó là cách thu xếp cuộc sống và thời gian khoa học. Chẳng hạn, trong gia đình ông nội Nguyễn Lân, tuy các con các cháu rất đông, gần 60 người nhưng từ xưa đến giờ việc ăn uống dường như không là gánh nặng cho mọi người. Mỗi gia đình chuẩn bị làm sẵn một món ăn từ nhà mang đến nên rất gọn nhẹ và mọi người dành thời gian cho chuyện trò hàn huyên, chụp ảnh kỷ niệm... Ly nghĩ rằng đó là một cách làm rất hay và khoa học.
Chính vì thế, nhiều phụ nữ hiện đại thường than thở tết nhất vất vả nhưng với Ly Tết luôn ấm áp và háo hức. Bởi những kinh nghiệm học hỏi từ cách thức tổ chức khoa học của các bác, Ly thấy rằng Tết thật vui và ý nghĩa.
Một điều nữa Ly học được từ những người phụ nữ trong gia đình đó là tinh thần luôn lạc quan, biết bỏ qua những điều không may mắn để luôn nhìn về phía trước một cách tích cực. Cuộc sống có thăng trầm thế nào mình vẫn sống tốt bởi mọi người đều không tham vật chất. Chỉ cần mình cố gắng làm tốt những gì có thể và hài lòng với cuộc sống mình có được từ sự cố gắng của bản thân là đủ. Bởi bằng lòng không có nghĩa là ngồi đợi chờ, mà sự cố gắng quan trọng hơn mình đang có những gì.
Trong cuộc sống hôm nay, nhiều người trẻ đang thấy cô đơn bên những người thân yêu của mình. Quan điểm của chị ra sao?
- Mình nghĩ trăm sự tại nhân. Nếu trong gia đình cả hai cùng bận rộn sẽ không có vấn đề bằng một người bận, một người rảnh. Mình nghĩ cảm nhận về nhau quan trọng hơn là thời gian dành cho nhau. Khi mình đã bận rộn rồi, trở về nhà với nhau sẽ là chỗ dựa ấm áp, bởi càng bận rộn càng thêm trân trọng những giây phút bên nhau, thêm yêu thương nhau và yêu thương con cái.
Tất nhiên, mỗi gia đình một vẻ nhưng khi cả hai cùng vun vén, đã hướng về cuộc sống gia đình, còn giao tiếp được thì không có vấn đề gì không thể vượt qua. Như mình đã nói, lạc quan rất quan trọng như cách suy nghĩ tích cực khi vấp váp, mình hãy coi như đó là một kinh nghiệm để lần sau may mắn hơn…
Chị làm thế nào để đi qua những mệt mỏi? Phụ nữ ở một góc độ nào đó với rất nhiều hy sinh và nhẫn nhịn, chị thấy có nhiều thiệt thòi so với nam giới không? Người đàn ông nào quan trọng với chị?
- Khi mệt mỏi ư? Mình tạm gác lại công việc để dựa vào vai chồng, cùng chồng con đi chơi, chia sẻ với bạn thân khi gặp khủng hoảng và không nghĩ gì tới việc đó nữa. Khi vui hơn, tinh thần phấn chấn hơn mình lại tiếp tục công việc.
Về sự thiệt thòi, mình thấy không có đâu. Ly thấy cần phải cảm ơn nam giới nhiều chứ. Phụ nữ ngày nay đã được yêu thương nhiều hơn, xã hội tôn trọng phụ nữ nhiều hơn, người phụ nữ có điều kiện để sống vui, sống hạnh phúc hơn.
Ly có hai người đàn ông quan trọng trong cuộc đời: Bố (PGS.TS Nguyễn Lân Trung – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF) luôn sống lạc quan, suy nghĩ tích cực và chồng tài hoa, lãng mạn, yêu vợ, thương con, là chỗ dựa ấm áp cho ba mẹ con.
Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!