Nữ tướng cướp thống trị vùng biển Trung Hoa - (Bài 1): Hành trình nối ngôi của nữ tướng

(PLVN) - Về cuộc đời và "sự nghiệp" của nữ tướng cướp biển Cheng I Sao (còn có cách đọc khác là Ching Yih Saou, tên phiên âm tiếng Việt là Trịnh Nhất Tẩu), đã được tác giả Charles Ellms viết thành cuốn sách “Viết về cướp biển - Những câu chuyện có thật về cuộc đời, sự nghiệp và bản án của những tên cướp biến nổi tiếng nhất”, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. 
Chân dung nữ tướng cướp biển Cheng I Sao.

Trong cuốn sách “Viết về cướp biển - Những câu chuyện có thật về cuộc đời, sự nghiệp và bản án của những tên cướp biến nổi tiếng nhất” của tác giả Charles Ellms, ông viết về nữ cướp biển Cheng I Sao (còn có cách đọc khác là Ching Yih Saou, tên phiên âm tiếng Việt là Trịnh Nhất Tẩu): “Sau cái chết của người chồng Ching-Yih, người góa phụ đã tác động mạnh mẽ lên những tay trộm cướp để buộc chúng phải công nhận quyền lực của ả trong cương vị lãnh đạo thay thế người chồng đã mất. Người vợ góa của Ching không chỉ xảo quyệt mà còn rất liều lĩnh”. 

Cướp biển khét tiếng

Trịnh Nhất Tẩu tên thật Thạch Dương, nhũ danh Hương Cô, kết hôn cùng Cheng I (Ching Yih, phiên âm là Trịnh Nhất) - một trong những tên cướp biển khét tiếng tàn bạo của thế kỉ XIX, cách gọi Trịnh Nhất Tẩu có nghĩa là “vợ của Trịnh Nhất”. 

Không nhiều thông tin về thời trẻ của Nhất Tẩu, thực ra cô ta không xuất hiện nhiều trong các sách lịch sử trừ một thông tin ngắn gọn là cô đã từng làm gái làng chơi ở Quảng Đông. Đó là thời điểm trước khi ả cưới Trịnh Nhất vào năm 1801. 

Theo lời của một số tướng lĩnh thì Trịnh Nhất là tên nổi bật nhất vì sự manh động và táo tợn. Hắn được sinh ra trong hàng ngũ của những tên cướp biển, có thông tin còn cho rằng hắn đã từng gây chiến với một số lực lượng phiến loạn tại Việt Nam trước khi quay về Trung Quốc vào khoảng năm 1801 và chỉ huy toàn bộ đội thuyền cướp biển Trung Quốc tại tỉnh Quảng Đông.

Đây hoàn toàn không phải là một công việc đơn giản, vì đội thuyền cướp biển này lên đến khoảng 2.000 chiếc thuyền lớn nhỏ. Cả đội thuyền được chia thành 6 nhóm, phân biệt với nhau bằng các lá cờ màu đỏ, vàng, xanh dương, xanh lục, đen và trắng. Một nhóm thuyền được phân chia một vùng biển hoạt động riêng, thường là vùng biển gần nơi đặt căn cứ của chỉ huy nhóm. 

Về phần mình, Trịnh Nhất cầm đầu đội thuyền Cờ Đỏ, gồm 200 thuyền lớn và khoảng 20.000 đến 40.000 người. Đội thuyền Cờ Đỏ của hắn hùng mạnh và thiện chiến hơn hẳn và trong trường hợp này, sự tàn bạo chính là điều tiên quyết. 

Một chỉ huy là John Turner bị Trịnh Nhất và đồng bọn bắt được vào khoảng năm 1806, ông bị giam cầm trong suốt 5 tháng. Ban đêm, ông bị giam giữ dưới khoang thuyền trong một xó nhỏ chật hẹp, ban ngày thì bị đánh đập và dọa giết. Thức ăn của ông chỉ bao gồm một ít cơm và thỉnh thoảng được cho thêm cá muối.

 

Nhưng mặc dù ở trong tình trạng tồi tệ như thế, nhưng John Turner vẫn “may mắn” hơn các tù nhân Trung Quốc, số đông là sĩ quan của Hải quân Trung Hoa. “Dã man” là từ duy nhất có thể được dùng để miêu tả sự đối xử của bọn cướp biển đối với những tù nhân đáng thương này. Turner kể lại: “Tôi thấy bọn chúng dùng đinh đóng xuyên qua các ngón chân của một người đàn ông và dùng roi mây đánh ông ta hộc máu.

Sau khi phải chịu đựng sự tra tấn dã man như vậy, người đàn ông bị chúng đưa lên bờ và chém thành từng mảnh. Trong khi đó tù nhân thứ hai bị treo ngược trên dây. Bị hành hạ bằng đủ cách mà bọn cướp biển nghĩ ra”.

Ngoài những cảnh bạo lực ghê gớm như thế, tài liệu của Turner còn ghi lại cách Trịnh Nhất điều hành đội thuyền. Con thuyền lớn nhất được trang bị 12 khẩu pháo và rất nhiều thuyền chèo nhỏ, mỗi chiếc có thể chở được 20 người. 

 

Những con thuyền nhỏ này được trang bị những khẩu pháo xoay và thường được dùng để hỗ trợ đổ quân lên thuyền bị nạn. Một khi những tên cướp biển đã lên được thuyền bị nạn, tất cả đều phải tuân theo những quy luật vô cùng tàn khốc. Cũng giống những tên cướp biển khác trên thế giới, nếu nạn nhân chịu đầu hàng và giao nộp hàng hóa, tài sản thì toàn bộ người trên thuyền đều được thả, nhưng nếu có bất kì sự chống đối nào thì sẽ không ai được tha mạng. 

Các tù nhân sẽ được đưa lên thuyền của cướp biển, bị tra tấn và cuối cùng là bị giết chết. Vì thế, có thể hiểu được vì sao không chỉ kẻ thù e sợ Trịnh Nhất, ngay cả bọn cướp biển cũng phải kính nể tôn hắn lên ngôi đầu, nhưng dù sao, hắn vẫn không thoát cảnh “sinh nghề tử nghiệp”. 

Năm 1807, một cơn bão cuốn hắn rơi khỏi thuyền và lấy đi mạng sống của hắn. Sự ra đi của hắn khiến cho tổ chức rơi vào tình trạng không có kẻ cầm đầu, chỗ trống ấy cần được lấp đầy ngay lập tức bởi Nhất Tẩu đã đứng lên cầm đầu đẳng cướp. 

Vươn lên đỉnh cao quyền lực

Việc một người phụ nữ lên nắm quyền lãnh đạo không phải là điều bất thường tại Trung Hoa, nhất là trong một cộng đồng gắn kết như thế này, nơi mà việc phân chia công việc giữa nam và nữ hoàn toàn như nhau. Dọc theo bờ biển phía Nam là những làng nổi đông đúc, cả một cộng đồng định cư trên các thuyền mành và những loại thuyền khác. 

Thuyền mành là loại thuyền phổ biến và được ưa chuộng của người Trung Hoa, đặc biệt là những tên cướp biển. Những con thuyền lớn thường có 3 cột buồm chính, dài khoảng 80 feet và rộng khoảng 18 feet, còn những con thuyền mành nhỏ hơn, có 2 cột buồm và chỉ bằng một nửa các loại thuyền nói trên. Thuyền trưởng của thuyền mành sống cùng vợ con ở phần đuôi thuyền, các thủy thủ cùng gia đình họ sống trong dãy phòng dài ở dưới khoang hoặc ở nửa sau đuôi thuyền.

 

Phụ nữ và nam giới cùng làm việc, thường là ra biển đánh cá hoặc buôn bán cùng với các con thuyền khác. Rất nhiều người phụ nữ đã vươn lên vị trí nắm giữ toàn bộ đội thuyền. Bên cạnh thực tế là phụ nữ có thể được đề cử lên giữ chức chỉ huy Trịnh Nhất Tẩu vẫn phải hành động để đảm bảo rằng vị trí chỉ huy này thuộc về mình. Ả phải chắc chắn rằng người kế cận uy quyền nhất trong số những thuộc hạ của chồng là tướng cướp 21 tuổi Chang Pao cũng phải đứng về phía mình. 

Ả đã giao cho Pao cầm đầu nhóm thuyền mà trước đây người chồng quá cố đã chỉ huy, đội thuyền Cờ Đỏ. Đây là đội thuyền hùng mạnh nhất trong toàn bộ lực lượng cướp biển vào thời điểm đó. Cách thức này của Nhất Tẩu chính là động thái mang tính khích lệ hiệu quả.

Cướp bóc và bảo kê

Chang Pao bị chồng của Nhất tẩu bắt giữ khi vừa mới 13 tuổi và bị buộc phải tham gia cướp biển. Pao đã chứng tỏ hắn là một người lãnh đạo tài ba đến mức “ngay trước khi xảy ra cái chết của Cheng, hắn đã được bầu là thuyền trưởng”.

Nhất Tẩu đã thực hiện chiến thuật của mình, ả còn ra giá chuộc thuyền và có khi là chuộc cả một cộng đồng. “Những chiếc thuyền mà bọn cướp biển không cần dùng đến có thể được chuộc lại với chuẩn giá khoảng 50 đồng quan bạc cho một chiếc thuyền mành và 130 quan cho thuyền chở hàng. Các tù nhân thường được chuộc với cái giá không ít hơn 90 lượng vàng cho mỗi người, đối với những người nước ngoài thì số tiền chuộc phải lên đến mức 7.000 đồng bạc Tây Ban Nha.”

Việc tống tiền và “bảo kê” cũng được Nhất Tẩu thực hiện thường xuyên. Các thuyền buôn muối phải trả tiền bảo kê nếu khống muốn bị cướp phá và giết hại thủy thủ đoàn. Thông thường, khoản tiền ấy được thanh toán mỗi năm một lần, các thương nhân sẽ nhận được một tấm giấy “thông hành” do những tên cướp biển cấp, nếu bị bất kì tên nào chặn đường, các thương nhân chỉ việc trình tấm giấy ấy ra để được đi qua an toàn. Mức tiền trung bình phải trả vào khoảng 50 đồng bạc đối với 100 gói muối, một cái giá khá cao vào thời điểm đó. 

Với những khoản thu nhập ổn định ấy, có thể hiểu được cách mà Nhất Tẩu xây dựng đế chế kinh doanh của mình, chậm rãi nhưng chắc chắn. Liên tục ghi chép lại tất cả những lần cống nộp, Nhất Tẩu biết chính xác ai còn nợ mình những gì, khi nào các khoản nợ đến hạn thanh toán, mỗi năm số tiền lãi tăng lên bao nhiêu và rất nhiều các chi tiết quan trọng khác. Quả thật, nếu so với những tên cướp biển phương Tây, Nhất Tẩu xứng đáng là một bậc thầy, một kẻ biết cách lãnh đạo...

Đọc thêm