Nữ tướng cướp thống trị vùng biển Trung Hoa (Kỳ cuối)

(PLVN) - Nội bộ bị chia rẽ, đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt, nữ tướng cướp Trịnh Nhất Tẩu (Cheng I Sao) đã đi một nước cờ sáng suốt khi đem toàn bộ lực lượng quy thuận triều đình Mãn Thanh. Hành động này giúp ả sống nốt cuộc đời còn lại trong hưởng lạc. Đế chế cướp biển chưa một lần bị đánh bại đã kết thúc...
Nữ tướng cướp thống trị vùng biển Trung Hoa (Kỳ cuối)

Những ghi chép chân thực và quý giá 

Thời gian làm tù nhân trên thuyền của Nhất Tẩu, Glasspoole được lệnh điều khiển một khẩu pháo lớn. Trong những ghi chép, không thấy Glasspoole viết về cảm nhận của ông với công việc này. 

Rõ ràng những điều đã được chứng kiến khiến ông vô cùng kinh hãi, còn có cả một ghi chép thể hiện rõ nỗi sợ hãi trong những điều ông đã quan sát. Glasspoole ghi lại rằng, Nhất Tẩu có thói quen phun nước tỏi lên người, những tên cướp biển tin rằng, nhờ đó bọn chúng sẽ không bị đạn bắn trúng. 

Đến tháng 12, những cuộc thương lượng nhằm trao trả tự do cho Glasspoole đã đến hồi hoàn tất. Glasspoole nhận được một lá thư của Trung tá Maughn - chỉ huy con thuyền Antelope của Công ty Đông Ấn. Sau nhiều lần đàm phán, những tên cướp biển nhận được điều chúng yêu cầu. Mặc dù đến lúc ấy, Glasspoole vẫn chưa được trả tự do. Nhất Tẩu cho kiểm tra khoản tiền chuộc và biết được rằng nó gồm có “hai kiện vải thượng hạng, hai hòm thuốc phiện, hai thùng thuốc súng, một chiếc kính viễn vọng; còn lại là tiền mặt”. 

Những tên thuộc hạ dưới quyền Nhất Tẩu cho rằng chiếc kính viễn vọng này là đồ cũ, nhưng vấn đề nhanh chóng được giải quyết nhờ số tiền mà Maughn đưa thêm. 

Các tù nhân, bao gồm Glasspoole được đưa trả về Antelope sau 11 tuần và 3 ngày bị bắt giữ. Xét về khía cạnh lịch sử, nếu không có những thông tin xác thực của Glasspoole, thì những hiểu biết của chúng ta về Trịnh Nhất Tẩu và cách nữ cướp biển này điều hành đội thuyền của mình có thể đã không được nhiều đến thế này. 

Ảnh tư liệu chân dung Trịnh Nhất Tẩu.
Ảnh tư liệu chân dung Trịnh Nhất Tẩu.  

Ông đã quan sát trực tiếp Trịnh Nhất Tẩu và đoàn quân cướp biển của ả ta, chính vì thế những thông tin của ông là vô giá. Chẳng hạn như, ông kể về thái độ của bọn cướp biển đối với phụ nữ và việc bọn chúng thưởng thức thịt chuột đầy khoái khẩu.

“Về các quyền có liên quan đến đời sống vợ chồng, bọn chúng tuân theo một cách chặt chẽ: Không ai được phép đưa phụ nữ lên thuyền, trừ khi đó là người vợ hợp thức theo quy định. Mỗi người đàn ông được giao cho một căn phòng nhỏ, khoảng 4 feet vuông đề sinh sống cùng vợ và gia đình. Với chừng ấy con người cùng chung sống trong một không gian chật hẹp, lẽ dĩ nhiên là nơi ấy sẽ rất bẩn, đầy chấy rận. Đặc biệt là chuột, bọn chúng được khuyến khích ăn thịt chuột một cách thực sự ngon lành”. 

Khi Glasspoole được thả tự do vào tháng 12/1809, Trịnh Nhất Tẩu đang ở đỉnh cao sự nghiệp cướp biển. Đội thuyền của thị hùng hậu, lòng trung thành của các thuyền viên là hiển nhiên và không có gì để nghi ngờ. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ đắc lực của Trương Bảo (Chang Pao) - Phó thủ lĩnh và cũng là người chồng thứ hai của ả. Tuy nhiên, đến đầu năm 1810, đế chế trên biển của Trịnh Nhất Tẩu có nguy cơ sụp đổ. 

Nội bộ chia rẽ, nguy cơ bị tiêu diệt

Rắc rối bắt đầu từ sự chia rẽ trong nội bộ những tên cướp biển. Ngay từ lúc Trịnh Nhất Tẩu đưa Trương Bảo lên nắm giữ vị trí phó thủ lĩnh đã làm nảy sinh sự bất đồng giữa các chỉ huy của những nhóm thuyền khác. Đặc biệt, có một người tên là O-potae còn không công nhận vai trò mới của Trương Bảo, người chỉ đồng ý chỉ huy “một trong số các nhóm thuyền hoặc phải chia cả đội thuyền”. 

Vì cả hai người đều tôn trọng Trịnh Nhất Tẩu nên cuộc nội chiến đã không xảy ra. Tuy nhiên, đầu năm 1810, Trương Bảo cùng với đội thuyền của hắn bị thuyền của triều đình bao vây. Biết được tình thế nguy hiểm ấy, Trịnh Nhất Tẩu ra lệnh cho O-potae đến giải cứu cho Trương Bảo, nhưng hắn đã từ chối. 

Cuối cùng Trương Bảo cũng phá vỡ được vòng vây và quay về an toàn. Nhưng sau khi biết được việc làm của O-potae, Trương Bảo đã nổi trận lôi đình, lên thuyền của O-potae và chất vấn. 

Theo Ellms, O-potae giả vờ nói rằng thuyền của hắn không đủ mạnh để có thể đương đầu với thuyền của triều đình, một lời giải thích càng khiến Pao giận dữ hơn và tuyên chiến với đối thủ. 

Cuộc chiến nổ ra, Trương Bảo bị thiệt hại hàng trăm người, buộc phải chấp nhận thua cuộc và bỏ đi. Nhưng cuộc chiến không dừng lại tại đó. Biết chắc rằng Trương Bảo sẽ tập hợp lực lượng cùng với Trịnh Nhất Tẩu và quay lại giết mình, O-potae cùng người của hắn đến trình diện triều đình Mãn Thanh và cầu xin được tha thứ nếu chịu quy hàng. 

 

Tại đất nước Trung Hoa vào thế kỉ XIX (cũng giống nước Anh vào thời điểm ấy), việc những tên tội phạm cầu xin được chính quyền tha thứ để đổi lấy việc bọn chúng từ bỏ con đường tội phạm và sống cuộc đời lương thiện cũng là điều thường xuyên xảy ra. Trong nhiều trường hợp, bọn chúng đều được tha thứ, O-potae cũng không phải là ngoại lệ. Tuần phủ Quảng Tây đã xem xét thỉnh cầu của hắn và đến đúng hạn, hắn trở thành người của Hải quân Mãn Thanh và 8.000 tên cướp biển theo hắn được trả tự do. 

Mặc dù lực lượng đã bị suy giảm đáng kể, Trịnh Nhất Tẩu vẫn tiếp tục cướp phá các làng mạc và tấn công thuyền của các quan lại. Nhưng mọi việc ngày càng trở nên khó khăn hơn...

Trịnh Nhất Tẩu quy thuận triều đình

Ngày càng nhiều lực lượng tham gia chống cướp biển, Trịnh Nhất Tẩu bắt đầu suy nghĩ về việc làm theo cách của O-potae để cầu xin sự tha thứ của chính quyền. Tuy nhiên, Trịnh Nhất Tẩu đã không phải suy nghĩ nhiều, vì Triều đình Mãn Thanh đã hành động trước bằng việc ban bố cơ hội ân xá cho những tên cướp biển. 

Sau khi cân nhắc, Trịnh Nhất Tẩu quyết định đến Quảng Đông để thương lượng cùng với Thống lĩnh của quân đội triều đình. Ngày l8/4/1810, Trịnh Nhất Tẩu đi cùng một đoàn người gồm 17 phụ nữ và trẻ em đến gặp các mệnh quan triều đình. 

Đây quả là một hành động đầy dũng cảm, một số người còn cho rằng có phần ngờ nghệch, nhưng Trịnh Nhất Tẩu biết chắc rằng Thống lĩnh muốn nhanh chóng giải quyết các băng đảng cướp biển, vì thế ông sẽ làm bất cứ điều gì để giải quyết vấn đề một cách hòa bình nhất. 

Sau vài giờ đàm phán, hai bên cùng thống nhất rằng lực lượng cướp biển sẽ giao nộp thuyền và vũ khí của chúng cho chính quyền, mặc dù vẫn được phép giữ lại những tài sản mà chúng đã cướp được. Ngoài ra, bất kì ai trong lực lượng của Trịnh Nhất Tẩu đều được phép gia nhập Hải quân của triều đình nếu muốn. 

Trịnh Nhất Tẩu còn xin được ân xá cho Trương Bảo, xin cho Pao được một chức danh trong Hải quân và được phép giữ lại 20 con thuyền mành làm tài sản riêng. Lệnh ân xá được ban vào ngày 20/4/1810 và có khoảng 17.400 tên cướp biển được xá tội. 

Nhưng không phải mọi tên cướp biển đều được tha bổng một cách nhẹ nhàng như thế, 60 tên bị trục xuất khỏi Trung Hoa trong vòng 2 năm, 151 tên bị trục xuất vĩnh viễn, trong khi 126 tên khác thì phải chịu án tử hình.

Sau khi giải nghệ, Trịnh Nhất Tẩu và Trương Bảo xây dựng nhà cửa tại Quảng Đông, nhưng sau đó chuyển về Phúc Kiến. Ở đây Trịnh Nhất Tẩu sinh được một cậu con trai. Trương Bảo tiếp tục làm việc cho quân đội Trung Hoa, lên được cấp đại úy trước khi qua đời vào năm 1822 ở tuổi 36. 

Sau khi chồng chết, Trịnh Nhất Tẩu quay về Quảng Đông, mua lại một sòng bạc và điều hành sòng bạc cho đến khi qua đời vào năm 1844, hưởng thọ 69 tuổi. 

Trong tất cả những ghi chép vô cùng chi tiết của Glasspoole, ông không miêu tả về dung mạo của Trịnh Nhất Tẩu, cũng không có tài liệu nào mô tả về người chồng Trương Bảo. Tuy nhiên, có một điều được khẳng định, đó là Trịnh Nhất Tẩu đã cầm đầu một trong số những đế chế cướp biển hùng mạnh nhất. Cô ả đã giữ vai trò thủ lĩnh đảng cướp trong thời gian 3 năm mà chưa một lần bị đánh bại.

Đọc thêm