“Nửa đêm truyền Hịch định ngày xuất chinh”…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Câu thơ trên trích trong “Chinh phụ ngâm khúc”, nói về chàng trai tuổi trẻ hào kiệt “xếp bút nghiên theo việc đao cung” khi nước nhà có họa xâm lăng. Những bài hịch, cáo được vang lên khi đất nước trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đó chính là thông điệp lịch sử sống mãi.
Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô đại cáo” và Vua Quang Trung đại phá quân Thanh. (Ảnh: Internet)
Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô đại cáo” và Vua Quang Trung đại phá quân Thanh. (Ảnh: Internet)

Lời cha ông vọng mãi

Lịch sử dựng nước và giữ nước luôn gắn liền với những bài hịch, cáo… Sức mạnh của nó đã trở nên bất hủ trong cuộc hành trình của dân tộc, nó đã trở thành các tác phẩm văn chương tiêu biểu trong dòng văn học sử. Dù đang sống trong thời bình, nhưng khi đọc “Hịch tướng sĩ” hay “Bình Ngô đại cáo”… vẫn thấy âm vang của những ngày cả nước cùng ra trận.

Bài thơ “Thần” thời nhà Lý với câu bất hủ “Sông núi nước Nam Vua Nam ở” hay “Cáo Bình Ngô” của Nguyễn Trãi với những câu ngàn năm vẫn còn vang vọng: “Như nước Ðại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/Núi sông bờ cõi đã chia/Phong tục Bắc Nam cũng khác/Từ Triệu, Ðinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/Cùng Hán, Ðường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương...”. Nước Nam dù nhỏ nhưng chưa bao giờ là nước yếu, so với các nước vẫn luôn có chỗ đứng riêng. Điều đó không chỉ được chứng minh trong lịch sử mà còn được ghi nhận như một sự thực hiển nhiên, được sách trời ghi lại.

“Bình Ngô đại cáo” là bài cáo của Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán vào mùa xuân năm 1428, thay lời Bình Định vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập.

Tác phẩm được coi là “thiên cổ hùng văn” đầy bi tráng trong cuộc trường chinh gian nan của nhà Lê chống giặc Minh. Có nhiều ý kiến cho rằng: đây được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ 2 của Việt Nam sau bài thơ “Nam quốc sơn hà”.

Người xưa phần lớn là ít được học hành, nhưng khi có lời hiệu triệu từ triều đình thì quân sĩ cùng nhân dân đồng hành với triều đình vùng lên chống quân xâm lược. Hai loại hình thúc giục được tinh thần chiến đấu của nhân dân là cáo và hịch.

Lịch sử còn ghi, tháng 12 năm Giáp Thân 1284, hiệu Thiệu Bảo năm thứ 6, đời Trần Nhân Tông, đại binh Thoát Hoan tiến đánh Chi Lăng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thất thế đưa quân chạy về Vạn Kiếp.

Vua Nhân Tông thấy thế giặc mạnh, cho mời Hưng Đạo Vương về Hải Dương mà phán rằng “Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?”…

Vương tâu: “Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn, Miếu xã tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng”! Vua nghe thế yên lòng.

Hưng Đạo Vương trở về Vạn Kiếp hiệu triệu 20 vạn quân Nam và thảo bài “Dụ chư tỳ tướng hịch văn” (thường gọi là “Hịch tướng sĩ”) để khuyên răn tướng sĩ, đại ý khuyên binh sĩ học tập và rèn luyện võ nghệ, khuyên các tướng học tập trận pháp theo sách Binh thư yếu lược, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2.

Trong “Việt Nam sử lược”, Trần Trọng Kim ghi rằng binh sĩ nghe lời hịch nức lòng, lấy mực xăm vào tay hai chữ: “Sát Thát” (nghĩa giết quân Mông Cổ) và hết lòng chiến đấu chống giặc.

Để kêu gọi tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn đã viết “Hịch tướng sĩ”, một áng thiên cổ hùng văn, truyền đến ba quân khí thế, tinh thần quyết chiến quyết thắng: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng”.

Trần Quốc Tuấn truyền một tinh thần rất mạnh mẽ, nhắn nhủ tướng sĩ hãy bỏ đi thú vui tầm thường và xác định kẻ thù trước mắt mình là quân Nguyên Mông, nếu không quyết đánh thì hổ thẹn với tổ tiên, nỗi nhục thân phận nô lệ.

Ngày 22/12/1788, Nguyễn Huệ lập đàn ở phía Nam núi Ngự Bình (Huế) tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung (ánh sáng ở trung tâm). Ngay trong lễ đăng quang, Nguyễn Huệ đã đọc bài “Hịch xuất quân”. Bài hịch chỉ có 35 chữ mà khái quát rất nhiều tầng ý nghĩa và mang một phong thái đĩnh đạc, hùng tráng:

“Ðánh cho để dài tóc/Ðánh cho để đen răng/Ðánh cho nó chích luân bất phản/Ðánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Ðánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Bài hịch (còn có tên là “Hịch đánh Thanh” hoặc “Lời hiếu dụ tướng sĩ”) chỉ có 5 dòng mà chữ “đánh cho” được lặp lại đến 5 lần. Ðó là một lời kêu gọi đánh giặc, đúng hơn là phải đánh tan quân giặc.

Nhà vua nhấn mạnh “Ðánh cho để dài tóc”, “Ðánh cho để đen răng”, là đánh để giữ phong tục, tập quán, truyền thống riêng của ta; tức là đánh giặc để ta được là ta, để ta không bị đồng hóa.

Ðó là “Ðánh cho chúng chích luân bất phản”, “Ðánh cho chúng phiến giáp bất hoàn”, là đánh cho giặc đến một bánh xe cũng không thể quay về nước, đồng thời, một mảnh áo giáp cũng không còn nguyên vẹn. “Ðánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Câu này có nghĩa là đánh để biết nước Nam anh hùng có chủ, tức là đánh để bảo vệ độc lập, tự chủ của dân tộc.

Những áng văn lay động tâm can

Cụ Đồ Chiểu chỉ là một nhà thơ mù, sinh thời cụ cũng không có chức tước gì, đã viết “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” làm nên một tác phẩm bi hùng, nhân bản cho nền văn học Việt Nam.

Giọng thơ bi thiết, hào sảng, dữ dội, dịu dàng, khi đôn hậu, lúc quật cường ấy chính là giọng điệu chủ của văn học viết về chiến tranh, cuộc chiến tranh bắt đầu từ người dân, người lính, những nghĩa sĩ vô danh trùng trùng điệp điệp đã làm nên đất nước này và thề gìn giữ đất nước này.

Cũng như “Hịch tướng sĩ”, Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những lời hịch có sức lan tỏa và làm lay động lòng người, thôi thúc hơn 20 triệu đồng bào cả nước vùng lên giành chính quyền, làm một cuộc đổi đời trong Cách mạng Tháng Tám 1945.

Ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân (còn được coi là Hội nghị Diên Hồng) họp tại Tân Trào thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa tới toàn thể đồng bào.

Trong thư gửi đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Hỡi đồng bào yêu quý! Bốn năm trước đây, tôi có thư kêu gọi đồng bào ta đoàn kết. Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được độc lập, tự do”. Bác nêu rõ: “Hiện nay quân đội Nhật đã tan rã, phong trào cứu quốc lan tràn khắp nước. Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) có hàng chục triệu đội viên, gồm đủ các tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh, gồm đủ các dân tộc Việt, Thổ, Nùng, Mường, Mán.

Trong Việt Minh đồng bào ta bắt tay nhau chặt chẽ, không phân biệt trai, gái, già, trẻ, lương, giáo, giàu, nghèo. Vừa đây, Việt Minh lại triệu tập “Việt Nam Quốc dân đại biểu đại hội”, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho nước được độc lập”.

Trong thư kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyến nghị toàn thể nhân dân thành một khối đoàn kết, bền chặt bên nhau cùng chống giặc: “Nhưng chúng ta chưa thể cho thế là đủ. Cuộc tranh đấu của chúng ta đương còn gay go, dằng dai. Không phải Nhật bại mà bỗng nhiên ta được giải phóng, tự do. Chúng ta vẫn phải ra sức phấn đấu. Chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới được độc lập. Việt Minh là cơ sở cho sự đoàn kết, phấn đấu của dân tộc ta trong lúc này. Hãy gia nhập Việt Minh, ủng hộ Việt Minh, làm cho Việt Minh rộng lớn mạnh mẽ”.

Đồng thời, Người kêu gọi: “Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam cũng như Chính phủ lâm thời của ta lúc này. Hãy đoàn kết chung quanh nó, làm cho chính sách và mệnh lệnh của nó được thi hành khắp nước. Như vậy thì Tổ quốc ta nhất định mau được độc lập, dân tộc ta nhất định mau được tự do. Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang đua nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.

Một “đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên, sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, thì những bài hịch, cáo, lời kêu gọi hay văn tế… đều có ý nghĩa rất lớn trong cách truyền tải thông điệp tới mọi người. Nó cũng chính là bài học lịch sử sâu sắc để người dân thấu hiểu, đồng lòng với người lãnh đạo trong cuộc trường chinh bất khuất, kiên cường của dân tộc.

Đọc thêm