Nửa luật, nửa lệ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong thời gian 100 ngày cầm quyền đầu tiên, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden không dành ưu tiên cầm quyền hàng đầu cho đối ngoại. 
Cộng đồng người Armenia biểu tình trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ.
Cộng đồng người Armenia biểu tình trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng một trong số những quyết sách đối ngoại của ông Biden ở thời kỳ này mà lại có ý nghĩa và tác động vượt xa cả thời gian nhiệm kỳ cầm quyền của ông này là quyết định nhìn nhận vụ việc quân đội của Đế chế Ottoman (hay còn gọi là Osman) hồi đầu thế kỷ 20 tàn sát người Armenia là hành động diệt chủng.

Trên thế giới cho tới nay mới chỉ có rất ít chính phủ quốc gia nhưng đã có nhiều nghị viện quốc gia tuyên cáo quan điểm này. Ở Mỹ, quốc hội đã đưa ra nghị quyết với nội dung như vậy cách đây mấy năm. Nhưng ông Biden mới là Tổng thống Mỹ đầu tiên chính thức xác nhận vụ diệt chủng kia. 

Đế chế Osman đã tan rã sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất trong thế kỷ trước và nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay kế thừa Đế chế Osman khi xưa về pháp lý quốc tế. Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ xưa nay chỉ coi vụ việc xưa với người Armenia là hành động tàn sát chứ không đồng ý nhìn nhận nó là diệt chủng và chối bỏ mọi trách nhiệm về pháp lý cũng như đạo lý, chính trị cũng như nhân đạo về chuyện này.

Chuyện này rất nhạy cảm về đối nội cũng như đối ngoại, về pháp lý quốc tế cũng như chính trị thế giới đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi thế, phía Thổ Nhĩ Kỳ luôn phản ứng rất mạnh mẽ và gay gắt mỗi khi có ai đấy bên ngoài coi chuyện xưa là hành động diệt chủng. Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các đối tác ấy vì thế trở nên tồi tệ.

Ông Biden thể hiện quan điểm của Chính phủ Mỹ và như thế tạo sự đã rồi về chính trị thế giới và luật pháp quốc tế. Nhưng ông Biden lại chủ ý tương đối hóa chứ không tuyệt đối hóa hiệu lực của sự công nhận về phương diện luật pháp quốc tế khi tạo sự khác biệt giữa nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay và Đế chế Osman khi xưa.

Hàm ý của ông Biden ở đây là xác định bản chất diệt chủng của Đế chế Osman khi xưa nhưng không buộc nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay phải chịu trách nhiệm về những khía cạnh cần thiết. Như thế là xác định luật nhưng lại chỉ nửa vời. Ở các nơi mà chỉ có nghị viện nhìn nhận vụ việc là diệt chủng cũng như vậy. Nghị viện ra nghị quyết nhưng không có tính ràng buộc đối với chính phủ.

Nguyên nhân không phải là sự khác biệt nhận thức về bản chất vụ việc mà là sự phân vai giữa chính phủ và quốc hội hay cách hành xử nửa vời của chính phủ để vừa thể hiện được quan điểm và có con chủ bài gây áp lực đối với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, vừa không kích động chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng gay gắt hay làm cho các mối quan hệ song phương bị đổ vỡ.

Quan niệm và hệ quy chuẩn giá trị chung của các bên này về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền buộc chính phủ các bên ấy sớm hay muộn rồi cũng sẽ phải công khai quan điểm nhìn nhận vụ việc là diệt chủng.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO với vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng trong chiến lược chính trị an ninh và quân sự thế giới của họ, là đồng minh quân sự truyền thống của họ. Cái lệ tự nhiên ở đây là có giận mấy cũng vẫn phải thương và có thương mấy cũng vẫn có lý do để không thể không giận. Vì thế nên mới có tình trạng nửa luật nửa lệ trong chuyện này.

Đọc thêm