Barca hợp với người Hà Lan
Trước Ronald Koeman, đã có 4 huấn luyện viên dẫn dắt đội bóng thành Catalan và ít nhiều tạo được những dấu ấn nổi bật. Người đầu tiên, chắc chắn rồi, không ai khác chính là Johan Cruyff . “Thánh Johan” được bổ nhiệm làm HLV Barcelona vào năm 1988.
Chính quyết định này của Ban lãnh đạo Barca đã khiến đội bóng này trở thành một trong những câu lạc bộ vĩ đại nhất thế giới. Trong 8 năm ngồi ghế nóng tại Nou Camp, Johan Cruyff đã khiến Barca trở nên “vô đối” tại Tây Ban Nha mà 4 chiếc cúp La Liga liên tiếp trong giai đoạn 1991-1994 là ví dụ sống động nhất. Ở trời Âu, Barca khi đó cũng giành 1 chiếc cúp C1 (sau đổi tên là UEFA Champions League), 1 cúp C2 (sau này là Europa League) và 1 siêu cúp châu Âu.
Đáng chú ý, chiếc cúp C1 năm 1992 cũng chính là chiếc cúp vô địch châu Âu đầu tiên trong lịch sử Barca. Tuy nhiên, điều người ta nhớ đến “Thánh Johan” nhiều nhất không phải ở danh hiệu, mà chính là lối chơi Tiqui-Taca ông phát minh ra và sau này người học trò của ông, Guardiola áp dụng lối chơi này tạo nên một Barca từng bất khả chiến bại tại châu Âu. Điều đó có nghĩa, Johan Cruyff thậm chí ảnh hưởng lên đội bóng sau hàng chục năm ông rời ghế huấn luyện.
Nhắc đến Cruyff, không thể quên nhắc đến Rinus Michels, một đồng hương và cũng là “tiền bối” của “Thánh Johan”. Rinus Michels là vị huấn luyện viên người Hà Lan đầu tiên trong lịch sử dẫn dắt Barca. Nhà cầm quân này được coi là cha đẻ của lối bóng đá tổng lực, và Tiqui-Taca của Johan Cruyff chính là thừa kế một phần từ lối chơi này.
Rất nhiều thử thách đang chờ đợi Koeman. |
Trong thời gian tại vị tại Barca (2 giai đoạn, 1971-1975 và 1976-1978), Rinus Michels đã mang đến cho đội bóng 1 Fairs Cup (tiền thân của UEFA Cup), 1 Cúp Nhà vua và 1 danh hiệu La Liga. Điều mà người ta nhắc đến nhiều nhất để minh chứng cho tài năng của Rinus Michels chính là chức vô địch Euro 1988 ông giành được cùng “cơn lốc màu da cam” trứ danh một thời.
Một người Hà Lan nữa cũng khá thành công ở Barca là HLV Louis Van Gaal. Trong 2 thời kỳ dẫn dắt Barcelona (1997-2000 và 2002-2003), Van Gaal đã mang về sân Nou Camp 1 Cúp Nhà vua, một siêu cúp châu Âu và 2 lần vô địch La Liga. Dù có những thời điểm Barcelona chơi không thật sự ấn tượng dưới thời Van Gaal, nhưng xét về tổng thể, Van Gaal được coi là thành công với đội bóng này.
Chưa kể, những Xavi, Iniesta, Puyol… huyền thoại cũng do chính Van Gaal phát hiện và “trình làng”. Sau khi Van Gaal ra đi, người được Ban lãnh đạo Barca chọn để thay thế tiếp tục là một người Hà Lan khác, Frank Rijkaard. Thời điểm Rijkaard tiếp quản chiếc ghế nóng, Barca đang chìm trong khủng hoảng. Tuy nhiên, sau đó, đội bóng đã được vực dậy và Rijkaard đã mang đến thành công vang dội với chiếc cúp UEFA Champions League mùa giải 2005/2006. Chưa kể, Barca dưới thời kỳ đó cũng đã giành thêm 2 danh hiệu La Liga, 2 Siêu cúp Tây Ban Nha.
Chính bởi vì Barca đã từng thành công với những chiến lược gia Hà Lan, cho nên người ta có cơ sở để tin Koeman sẽ tiếp bước những tiền bối để vực dậy và phát triển đội bóng này. Điều thú vị là Ronald Koeman đều đã từng làm việc với tất cả 4 huấn luyện viên nêu trên.
Ở cấp đội tuyển, Rinus Michels là thầy của Koeman, còn Rijkaard là đồng đội. Họ chính là những nhân tố tạo nên chiếc cúp Euro 1988. Ở cấp câu lạc bộ, Koeman là học trò của Johan Cruyff và là trợ lý của Van Gaal tại Barcelona. Bởi thế, nhiều khả năng tân huấn luyện viên của Barca cũng sẽ ít nhiều học hỏi được ở những người đi trước để áp dụng vào đội bóng mới.
Bài toán khó
Trong sự nghiệp huấn luyện của mình, Ronald Koeman cũng ít nhiều chứng tỏ được năng lực. Ông cùng Benfica giành 1 Siêu cúp Bồ Đào Nha, cùng PSV Eindhoven giành Cúp vô địch quốc gia Hà Lan, cùng Valencia đoạt Cúp Nhà vua Tây Ban Nha. Tuy nhiên, chỉ chừng đó là chưa đủ để khẳng định Koeman là một huấn luyện viên giỏi.
Đáng chú ý, ông từng thất bại ê chề khi làm việc tại Everton. Thời điểm đó là vào năm 2016, khi Everton đang chìm trong khủng hoảng thì Koeman lên nắm quyền. Tuy nhiên, điều mà chiến lược gia Hà Lan làm được chỉ gói gọn trong 2 chữ “thất vọng”. Không những không có dấu ấn về chiến thuật mà ông còn thất bại luôn ở vấn đề nội bộ.
Các cầu thủ ông mua về không phát huy hiệu quả, trong khi nội bộ đội bóng liên tục xảy ra lục đục với những mâu thuẫn khó hàn gắn. Sau khi nắm quyền không lâu, Koeman đã phải rời khỏi Everton trong tư thế của một huấn luyện viên bị sa thải. Chính thất bại đó của Koeman đã khiến không ít người hoài nghi về việc ông sẽ thành công trong việc xử lý những bất ổn tại Barca. Trước mắt chiến lược gia Hà Lan là 2 bài toán cực kỳ khó giải, đó là tạo sự ổn định trong phòng thay đồ và định hình lối chơi của đội bóng.
Ở bài toán thứ nhất, người ta chờ đợi Ronald Koeman có phương án giải quyết những mâu thuẫn nội tại. Rõ ràng, tinh thần của các cầu thủ Barca đang xuống hơn lúc nào hết bởi thất bại được coi là đau đớn nhất trong lịch sử đội bóng (thua 2-8 trước Bayern Munich tại tứ kết Champions League).
Rất nhiều cổ động viên bức xúc trước thái độ thi đấu của các cầu thủ. Còn những cầu thủ thì không ít người đã chỉ trích ban lãnh đạo, chỉ trích đồng đội. Có thể thấy, đây không chỉ là câu chuyện mới xảy ra, mà đã trải dài gần hết mùa bóng này.
Và đã khó lại càng khó cho Koeman khi người có ảnh hưởng nhất câu lạc bộ là siêu sao Messi đang trong tình trạng “buồn nhiều hơn vui” và đã manh nha ý định rời khỏi đội bóng. Tạo sự yên ổn trong phòng thay đồ khi đội bóng có sự kết hợp giữa những công thần (nhưng phần nào đã hết thời) với những cầu thủ rất trẻ (lương cao, chưa có nhiều đóng góp) là điều không dễ.
Cần 1 cầu thủ có ảnh hưởng lớn trong phòng thay đồ để làm cầu nối thì người đó lại rục rịch ra đi. Chưa kể, bản thân Messi cũng đã có những mâu thuẫn với ban lãnh đạo.
Ở bài toán thứ 2, việc đầu tiên Koeman phải giải quyết đó là vấn đề chuyển nhượng, từ đó mới định hình được lối chơi. Barca đã trải qua nhiều năm bị các bom tấn “gieo sầu”. 2 cái tên tiêu biểu cho chính sách chuyển nhượng kém cỏi của đội bóng này là Coutinho và Greizmann. Hàng trăm triệu Euro đã được chi ra, nhưng kết quả thu về là đáng thất vọng.
Vì thế, để không đi vào vết xe đổ của những người tiền nhiệm, Koeman sẽ phải cân đo đong đếm hết mức. Việc ai đi, ai ở, mua ai, bán ai, vị trí nào thừa, vị trí nào thiếu, chiến lược gia người Hà Lan phải có những phân tích, đánh giá kỹ lưỡng nhất. Riêng chủ tịch Barca, ngài Bartomeu đã lên tiếng về những nhân sự chắc chắn sẽ ở lại, trong đó có De Jong, Lenglet…và đặc biệt là Messi.
Tuy nhiên, đó chỉ là những lời nói miệng, không lấy gì để bảo đảm. Giữ được Messi là việc cực khó khi tin đồn về những bến đỗ mới của siêu sao Argentina đầy rẫy trên các mặt báo. Chưa biết Messi đi hay ở, sẽ khiến Koeman khó định hình lối chơi vì ảnh hưởng của cầu thủ này lên các đội hình chiến thuật là quá lớn.
Bên cạnh đó, trong sự nghiệp cầm quân, Koeman cũng chưa tạo được nhiều dấu ấn trong lối chơi. Dù đã thể hiện lối đá tấn công khi ông nắm quyền tại đội tuyển quốc gia Hà Lan, nhưng có một điều khá mâu thuẫn là Ronald Koeman xuất thân từ một cầu thủ phòng ngự và. Chắc chắn, sự thực dụng sẽ lẩn khuất đâu đó trong phong cách huấn luyện của chiến lược gia này. Tấn công như thế nào, khi nào cần thực dụng? Chắc chắn những câu hỏi đó sẽ khiến Koeman thường xuyên phải đau đầu, vì khi đã nắm quyền tại Barca, một sai lầm nhỏ cũng sẽ phải trả giá rất đắt.