Con hư, đau lòng mẹ
Nằm tận sâu trong con hẻm cuối đường, căn nhà cấp 4 cũ nát mà vợ chồng bà Nhung tự tay tích cóp cả đời xây nên trở nên hiu quạnh, vắng vẻ hơn. 3 năm qua, căn nhà chỉ có 2 tấm thân già lủi thủi đi đi, về về với bao âu lo, trăn trở. Thi thoảng vẫn nghe tiếng trẻ thơ nô đùa, nhưng đó là những đứa cháu nội, ngoại được ông bà cưu mang khi cha mẹ chúng lần lượt ra đi, rồi vào chốn tù tội.
Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, như bao người, đáng lẽ ra vợ chồng ông bà đã nghỉ dưỡng tuổi già, sống trong niềm vui sum vầy “con đàn, cháu đống”, nhưng thực tế lại phải còng lưng nuôi bầy cháu nội, ngoại thơ dại, quạnh quẽ tuổi xế chiều. Nhiều lúc nhìn lũ trẻ hàng xóm nô đùa, có ba mẹ dỗ dành mà bà Nhung thấy thương mấy đứa cháu mình. “Tụi nó (cháu-PV) lớn lên thiếu tình thương của ba mẹ. Đứa mồ côi cha, đứa bị bỏ rơi, không có bàn tay ba mẹ. Tụi nó thật bất hạnh!” – bà Nhung xót thương nói.
Đang nói chuyện về mấy đứa trẻ, bà Nhung quay mặt nhìn vào trong nhà, ngước mặt nhìn lên bàn thờ nơi đặt di ảnh 2 đứa con xấu số của mình mà buồn tủi, than thân trách phận. Bà trách chính bản thân vợ chồng bà chưa nghiêm khắc, chưa làm tròn nhiệm vụ những bậc làm cha, làm mẹ nên mới khiến các con bà phải dính vào con đường ma túy đầy nghiệt ngã này, để lại sự khinh rẻ, lời gièm pha về đạo đức, nhân cách của một con người; đồng thời với đó là sự đồng cảm, thương hại của người thân, bạn bè xung quanh.
Trong suốt cuộc trò chuyện, chúng tôi không nhớ rõ bà Nhung đã bao lần đưa tay lên trán lau đi những giọt nước mắt giàn giụa kể lại quá khứ trong nỗi ân hận muộn màng. Ma túy lặng lẽ đến và cũng âm thầm cướp đi của bà những đứa con thân yêu nhất, để lại nỗi u sầu chưa biết khi nào mới xóa mờ.
“Nghĩ cũng đúng thôi! Con dại, cái mang. Con cái hư hỏng là lỗi ở cha mẹ không biết cách dạy con mới để con vào con đường tội lỗi và địa ngục. Và chuyện thế gian gièm pha cũng là đương nhiên, không có gì lạ cả.”- bà Nhung tự trách bản thân.
Nhìn bà Nhung đôi mắt sâu hoắm cứ đẫn đờ, vô hồn, rồi thi thoảng lên cơn ho khò khè mà thấy nhói lòng. Dường như bà Nhung đã sức cạn, lực kiệt khi ngần ấy thời gian đã khóc vì những đứa con “hư” của mình. Điểm sáng duy nhất trong con mắt bà Nhưng bây giờ là tương lai của con cháu.
Dặn lòng phải cố sống…
Từ khi con sa ngã vào con đường nghiện ngập ma túy, kinh tế gia đình ông bà đã cạn kiệt. Lo cho bản thân già yếu đã khó khăn, nay lại “gồng gánh” thêm trên vai những đứa cháu nội, ngoại mà cha mẹ nó ra đi, vào lao tù để lại. “Bát cơm” qua ngày giờ chỉ trông đợi vào mảnh vườn rau nhỏ. Trong khi đó, bà Nhung thời gian này lại mắc thêm căn bệnh suy nhược cơ thể, gai cột sống cổ.
Đang trò chuyện, bỗng đứa cháu ngoại mặt mày nhễ nhại mồ hôi chạy đến ôm bà ngoại vào lòng mà kề tai nói nhỏ: “Mẹ cháu đâu bà? Mẹ cháu khi nào về với cháu vậy?” mà lòng bà quặn thắt.
Bà buồn bã bộc bạch nỗi niềm trăn trở: “Từ ngày những đứa con bà ra đi vì căn bệnh HIV thì bà đã không còn muốn sống trên thế giới này rồi. Đôi mắt đã khóc đến khô cạn. Trái tim như đã ngừng đập. Bà chỉ sống bằng thể xác, còn tâm hồn đã đi theo các con từ rất lâu rồi. Nhưng khi nhìn những đứa con nhỏ nheo nhóc, mồ côi, không cha mẹ bà tự dặn lòng phải cố sống để nuôi tụi nó. Tụi nó có tội tình gì đâu! Mình đi rồi, chắc tụi nó cuối cùng cũng như cha mẹ chúng mà thôi, thôi thì ráng sống…”.
Bà Nhung còn cho biết thêm, đã kinh qua nhiều đau thương, vợ chồng bà hiểu hết những giá trị của nó nên luôn trân trọng những gì mà mình có, dẫu mong manh. “Sống là phải nhìn xuống để thấy mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người, từ đó mà cố sống, cố vươn lên, không ngã gục”.
Giờ ông bà chỉ mong sao mình còn sức để làm lụng, “gồng mình” nuôi những đứa cháu khôn lớn. |
Những đứa cháu là động lực để vợ chồng bà Nhung sống. Và cứ chiều chiều, căn nhà cấp 4 nhỏ bé ấy lại chốc chốc vang lên những tiếng ê a đọc bài của những đứa cháu inh ỏi khắp nhà phần nào “hồi sinh” lại không khí ấm áp “ngày xửa, ngày xưa” trong căn nhà hạnh phúc này.
Đúng vậy! Ma túy không chỉ đẩy nhiều gia đình rơi vào thảm cảnh bần hàn, bước đường cùng, không lối thoát mà còn “tiệt” nguồn sống, hủy hoại tương lai, gieo rắc nỗi đau truyền kiếp, khôn nguôi trong lòng những người ở lại, để lại “tiếng đời” thế gian. Kinh khủng hơn vì nó mà con người có thể đạp đổ những chuẩn mực đạo lý, trở nên gan lỳ, táo tợn và bất chấp tất cả để được thỏa mãn những cơn khát thuốc đang quằn quại, vật vã; đồng thời cũng là con đường ngắn nhất đưa đẩy con người ta đến tội lỗi và địa ngục. Tấn bi kịch gia đình ông Đông, bà Nhung như là hồi chuông thức tỉnh những ai đã, đang và sẽ “làm bạn” với “vàng trắng”. Xin hãy tránh xa ma túy, đừng thử chúng, dù chỉ một lần!