Chủ trương dồn điền đổi thửa (DĐĐT) nhằm thuận lợi cho việc canh tác đang được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tại một số địa phương đã gây bất bình cho người dân, điển hình như tại xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội.
Nói một đằng, làm một nẻo
Theo hướng dẫn của UBND TP.Hà Nội về “Quy trình thực hiện công tác DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội” ban hành năm 2012: DĐĐT là quá trình chỉnh trang, sắp xếp đồng ruộng nhằm xóa bỏ tình trạng ruộng đất manh mún, tạo thành ô thửa lớn, thuận lợi cho canh tác, thu hoạch, giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập cho người sản xuất, đồng thời tạo quỹ đất làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, xây dựng các công trình phúc lợi.
Như vậy có thể thấy, DĐĐT, tổ chức các mô hình sản xuất trên cánh đồng mẫu có thể khắc phục được tính manh mún về ruộng đất và phương thức sản xuất hộ, là chủ trương lớn và quan trọng, là khâu quyết định để chuyển sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả và thu nhập cho người nông dân.
Tuy nhiên thực tế không được như mong đợi, theo đúng thời vụ, vào thời điểm này của hai năm trước, các cánh đồng thôn Kim Trung đã phải hoàn thành gieo cấy. Nay thăm đồng, cũng một màu xanh mướt trải dài mênh mông nhưng không phải lúa, chỉ toàn cỏ dại. Những người dân thôn này cả đời chỉ biết làm việc thuần nông, nhìn đồng bỏ trắng mà rơi nước mắt. Người dân vừa xót ruộng vì không thể canh tác, vừa ngao ngán bức xúc về cách làm của cán bộ xã.
Tháng 7/2012, thôn Kim Trung triển khai chủ trương DĐĐT, xây dựng nông thôn mới. Không khí tưng bừng hưởng ứng dậy lên khắp thôn làng. Người dân trông mong công tác sớm được thực hiện để tăng gia sản xuất.
Bà Lê Thị Xuất, thành viên Ban giám sát cho biết: Thời điểm tháng 7/2012 khi bắt đầu thực hiện DĐĐT, người dân vô cùng phấn khởi, hưởng ứng nhiệt tình. “Ở ba cuộc họp đầu tiên, 100% dân trong thôn đều tham gia. Bởi theo phương án chia ruộng, người dân sẽ được nhận nguyên đất rau cũ cộng với đất chia ruộng mới sau khi đã giải tỏa mặt bằng” - bà Xuất nói. Tuy nhiên, đến lúc cán bộ Tiểu ban DĐĐT (sau đây gọi tắt là Tiểu ban) triển khai thì dân phản đối.
Theo lời bà Xuất, sau một thời gian làm công tác chuẩn bị, cuối tháng 5/2013, cuộc họp toàn dân đã đưa ra nghị quyết thống nhất cách chia đất, với tổng diện tích đất nông nghiệp khoảng gần 900.000m2.
Quy trình DĐĐT sẽ chia làm ba vòng: vòng một giao các loại đất tốt, cấy được ba vụ; vòng hai giao các loại đất cấy được hai vụ; vòng ba giao nốt những loại đất chỉ cấy được một vụ lúa chiêm. Toàn thôn chia làm sáu đội sản xuất (đã tồn tại từ thời hợp tác xã), mỗi đội sẽ cử đại diện để bốc thăm. Đồng thời, một Ban giám sát cộng đồng gồm 12 thành viên được lập ra để kiểm tra quá trình làm việc của Tiểu ban DĐĐT.
Tuy nhiên, ngay từ giai đoạn một, người dân đã phản đối quyết liệt vì cho rằng cán bộ không thực hiện đúng theo nghị quyết. Người dân đưa lý lẽ: Thứ nhất, vẫn còn một số đất ruộng có nhiều bụi tre chưa được giải phóng, nghĩa là ruộng chưa sẵn sàng để cày cấy, nhưng cán bộ Tiểu ban vẫn cho tiến hành gắp phiếu. Cả sáu đội sản xuất đồng loạt phản đối nhưng không được. “Cán bộ tuyên bố dù một người ra gắp phiếu cũng cho gắp, mà hai người gắp phiếu cũng giao ruộng”- bà Xuất kể lại.
Dân càng bức xúc nêu lý do thứ hai. Theo họ, cán bộ Tiểu ban đã tự lập ra “đội số bảy” để bốc thăm, gồm 20 hộ đều là người nhà cán bộ. Kết quả những hộ này đều may mắn gắp được những dải ruộng đẹp nhất. Người dân từ đó hụt hẫng, thiếu tin tưởng vào cách thực hiện chủ trương của chính quyền.
Không chỉ thế, người dân còn cho rằng cán bộ Tiểu ban có dấu hiệu giao thừa đất ruộng cho nhóm anh em, người nhà cán bộ. Bà Xuất nói: “Người dân nghi ngờ nên đã làm đơn kiến nghị Ban giám sát kiểm tra lại.
Sau đó, cả thôn đóng góp gần sáu triệu đồng, thuê máy về đo ruộng. Kết quả, phát hiện cán bộ đã giao thừa gần 2.500m2 đất. Chúng tôi đã làm đơn phản ánh việc này lên xã, huyện nhưng hiện vẫn chưa được xem xét”.
Một đại diện của nông dân bất bình về cách làm việc của cán bộ xã |
Thêm một điểm khiến người dân bất bình là họ nhận thấy Tiểu ban hoạt động không theo nguyên tắc công khai. Bà Xuất là thành viên trong Ban giám sát cộng đồng cũng thừa nhận vai trò của Ban hoàn toàn “tê liệt”.
“Trong quá trình các đội gắp phiếu, chúng tôi đều có kiểm tra. Tuy nhiên khi không đồng ý với kết quả và đưa ra những ý kiến đóng góp thì đều bị gạt đi. Nhiều cuộc họp chúng tôi chưa có mặt đông đủ nhưng việc bàn giao đất vẫn được tiến hành” - bà Xuất bức xúc.
Thời điểm xã tiến hành giao ruộng vòng một, 2/3 tổng số dân thôn không nhận ruộng, không đạt tiến độ DĐĐT như nghị quyết. Bởi vậy, trước khi tiến hành vòng hai, người dân cho rằng phải thống nhất giải quyết dứt điểm những phần đất tốt chưa giao từ vòng một. Tuy nhiên, cán bộ Tiểu ban trả lời: “Phần đất này cứ để đó, giải quyết sau”. Người dân không chấp nhận lại không ra gắp phiếu vòng hai.
Trước thái độ không hợp tác của dân, cán bộ xã đã có nhiều biện pháp. Đầu tháng 6/2013, xã ra chỉ thị, đại ý: Con em của các gia đình trong thôn đang đi làm ở các cơ quan trong huyện, phải về vận động gia đình nhận ruộng, nếu không sẽ… cho thôi việc.
Những hộ thuộc đối tượng chính sách không nhận ruộng sẽ bị... mất chính sách. Những gia đình có người là đảng viên, cựu chiến binh, hội viên Hội Phụ nữ phải đi đầu nhận đất để làm gương, nếu không sẽ xử lý kỷ luật.
Nhiều gia đình nghe tin đành miễn cưỡng ra gắp phiếu nhận đất ruộng. Công tác bàn giao được Tiểu ban triển khai gấp gáp vào ban ngày, ban đêm và cả rạng sáng, hối hả cho kịp vụ. Người dân nhận thấy dấu hiệu không minh bạch đã phản đối và đề nghị lập Tiểu ban mới.
“Cấy chạy tội” trên ruộng xấu
Để xoa dịu tình hình, một Tiểu ban mới được thành lập nhưng không qua dân bầu. Dân không biết Tiểu ban có những ai. “Chúng tôi đã có đơn đề nghị họp dân ra mắt Tiểu ban DĐĐT mới, song không được chấp thuận. Dân không biết mặt mũi thành viên là ai, nhưng Tiểu ban này vẫn hoạt động bình thường” - một người dân bức xúc cho biết.
Để kịp tiến độ gieo cấy, tránh bị cấp trên khiển trách, cán bộ Tiểu ban DĐĐT đã thuê máy về cày bừa, thuê người nơi khác về cấy. Việc này được thực hiện trên những thửa ruộng xấu, người nhận ruộng bỏ không cấy và trên những thửa ruộng mà 1/3 dân thôn không chịu nhận. Dân thôn gọi đây là “cấy chạy tội”.
Người dân phản ánh, ngày 20/7/2013, con đường độc đạo dẫn ra đồng đã bị các lực lượng an ninh thôn, xã chặn kín. “Họ đứng vây kín con đường ngăn cản người dân vào ruộng của mình. Họ còn dựng lều bạt để canh, khiến nhân dân không thể biết trong đó làm gì. Vụ lúa đó, 27ha mà chỉ thu được 3 tấn thóc. Họ chia cho mỗi khẩu 1,7kg. Chúng tôi thấy xấu hổ nên không ai lấy, mà có lấy cũng chẳng bõ bèn gì, đói vẫn đói”, một người dân cho biết.
Lại một lần nữa người dân yêu cầu “thanh lý” bộ máy DĐĐT. Và cũng một lần nữa, Tiểu ban này được thay mới không thông qua dân bầu. Đầu tháng 11/2013, Tiểu ban tổ chức họp dân để gắp phiếu vòng hai. Nhưng trước đó, theo người dân, một người nhà cán bộ xã đã gây náo loạn, chửi bới lung tung khiến người dân bức xúc bỏ về. Viện cớ không họp được dân, Tiểu ban này tự tổ chức gắp phiếu.
“Ngày hôm đó lực lượng an ninh vây kín đình. Tôi đại diện Ban giám sát vào đóng góp ý kiến cũng không cho qua. Họ bảo chỉ những ai đồng ý gắp phiếu mới được vào. Nghe loa thông báo, nhiều người dân vì nghèo túng quá, không thể không có ruộng để cày, đành phải ra gắp phiếu dù trong lòng đầy nỗi bất bình” - bà Xuất chia sẻ.
Kết thúc vòng hai, đã có 2/3 người dân ra nhận ruộng. Nếu ở giai đoạn một, Tiểu ban giao thừa 2.500m2 đất thì giai đoạn này lại giao thiếu. Cụ thể, theo phương án chia đất ban đầu, mỗi khẩu được giao 185m2, nhưng thực nhận lại chỉ là 180m2, thiếu 5m2. Thời điểm đó, cả thôn có 1.601 khẩu, nghĩa là Tiểu ban đã giao thiếu khoảng 8.000m2 đất.
Không khí bức xúc tại địa phương này loang ra mạnh hơn kể từ đây.
(Còn tiếp)