Nước mắt mẹ chồng từ con trai, nhận dâu làm con gái

(PLO) - Kết thúc hơn 15 năm sống đời vợ chồng, anh Hiệp ra ngoài thuê nhà sống, còn chị Nhung ở lại… cùng nhà chồng và trở thành con cái trong nhà. 
Hình minh họa

Người con dâu suýt bị cấm cản và nỗi đau trần thế

Năm 2014, TAND quận 11, TP.HCM thụ lý ly hôn cho anh Trần Văn Hiệp và chị Lê Thị Hồng Nhung. Hơn 15 năm trước, khi anh Hiệp, lúc ấy mới ra trường, đi làm tại một công ty của Nhật trên địa bàn quận 3 đòi cưới chị Nhung. Cả nhà phản đối bởi chị Nhung hơn anh 5 tuổi, làm điều dưỡng trong một bệnh viện. 

Cha mẹ anh Hiệp cho rằng anh đã bị người phụ nữ buôn bán lớn tuổi hơn mình mê hoặc, trong khi ông bà muốn cưới cho anh một cô vợ nhỏ hơn anh ba tuổi, đang làm kế toán tại một ngân hàng. Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của cha mẹ, anh Hiệp vẫn khăng khăng lấy chị Nhung. 

Sau hơn một năm dùng dằng, đến khi chị Nhung mang thai, và nhận thấy người yêu của con trai mình tính cách cũng hiền lành, chu đáo, cha mẹ anh Hiệp mới quyết định thôi cấm cản, đồng ý cho họ cưới nhau. 

Lấy nhau rồi, họ đúng là một gia đình hạnh phúc mà nhiều người mơ ước. Gia đình ấy tuy không phải giàu có, nhưng cũng sung túc, đủ sống với thu nhập của anh chị và lương hưu của hai cụ. Chị Nhung không trẻ trung, đẹp lộng lẫy nhưng mặn mà, có duyên. Đặc biệt, chị rất chu toàn việc gia đình, hết lòng lo cho chồng con, nhà chồng, tính tình lại hiền hậu, dịu dàng. 

Cha mẹ chị mất từ nhỏ, nên khi ở với nhà chồng, chị coi cha mẹ chồng như cha mẹ ruột, hết lòng chăm sóc. Mẹ anh Hiệp vẫn thường nói với bạn bè chung quanh: “Hồi đó may mà cản không được hai đứa nó, bây giờ mình mới có con dâu hiền hậu, cháu trai khỏe mạnh ngoan ngoãn như vậy. Thằng Hiệp may lắm mới lấy được con vợ tốt tính thảo hiền”. 

Trong những năm anh Hiệp tạm gác công việc đi học lên cao, chị Nhung đã làm gồng gánh hết mình lo cho kinh tế của cả nhà, duy trì mọi thứ để anh yên tâm học hành.

Năm 2007, cha anh Hiệp bị ung thư phổi, khi phát hiện đã là giai đoạn cuối. Trong những ngày tháng rối ren và buồn của cả nhà, chính chị Nhung là người đã đảm đương mọi việc, chạy vạy ngược xuôi tìm thầy, tìm thuốc chữa bệnh, chăm sóc mẹ chồng, an ủi cha chồng. 

Thời điểm đó, anh Hiệp lại bận đi công tác nước ngoài theo phân công của công ty – một chuyến công tác quan trọng cho sự thăng tiến của anh, không thể gác lại. Lúc cha anh Hiệp mất, anh không về kịp, bên giường bệnh chỉ có mẹ chồng, chị Nhung và đứa cháu nhỏ. 

Trước lúc chết ông còn căn dặn bà, bảo rằng con Nhung nó quá tốt, bà ở lại phải coi nó như con ruột trong nhà, bảo ban thằng Hiệp thương yêu chăm sóc gia đình, đối xử đàng hoàng với vợ con. Có lần, anh Hiệp cũng nói với chị Nhung, với chị, anh không chỉ có tình yêu mà còn ơn, còn nghĩa, và những gì chị làm cho anh là không sao kể được.

Yêu thương con dâu bà vẫn thường nói với bạn bè: “Hồi đó may mà cản không được hai đứa nó, bây giờ mình mới có con dâu hiền hậu”.

Nhưng sự đời thường không như ý muốn. Trong một lần đi nhậu, ngoại giao, anh Hiệp đã quen biết với một cô gái làm nhà hàng. 

Anh Hiệp, với kinh nghiệm sống không phải ít ỏi, có lẽ không lạ với những cô gái như thế. Nhưng không hiểu sao, lần này anh như bị hút hồn bởi người con gái trẻ trung mới qua tuổi đôi mươi, xinh xắn, có đôi mắt to tròn, đầy thơ ngây. Cũng có thể, anh rung động bởi hoàn cảnh khốn khó của bản thân mà cô gái đã kể anh nghe: mẹ mất, cha đi bước nữa, bị mẹ kế đánh đập, hành hạ rồi đòi gả bán cho ông người Đài Loan già 60 tuổi đế kiếm tiền, rồi cô trốn lên Sài Gòn tự bươn chải kiếm sống và lưu lạc đến đây. 

Anh Hiệp bỗng nảy sinh ra ý muốn cưu mang, che chở cho cô gái ấy. Anh đưa cô bồ nhí đi thuê nhà để ở, gần công ty, cách nhà anh 3 km, chu cấp tiền hàng tháng cho cô sinh sống và thường lui tới với cái cớ đi công việc, đi công tác. Vậy là trong lúc chị Nhung mang thai thì chồng chị bên ngoài đã lập “phòng nhì” mà gia đình không hề hay biết suốt một năm trời. 

Nhưng rồi với sự nhạy cảm của người vợ trước sự thay đổi trong tình cảm của chồng, sự xáo trộn nhỏ trong sinh hoạt cũng như eo hẹp hơn về tiền bạc, chị bắt đầu nghi ngờ. Sự hoài nghi đã được khẳng định khi chị bắt được tin nhắn của anh với “vợ bé”. Chị cũng đã theo dõi, đến tận “tổ ấm” của chồng, một căn phòng nhỏ khang trang, ấm áp, và chứng kiến cảnh chồng chị ở bên cạnh một cô gái mơn mởn xuân sắc.

Sự công bằng của người mẹ

Bị phát hiện, anh Hiệp vô cùng hoảng sợ. Đứng trước nguy cơ gia đình tan vỡ, anh đã khóc, đã van xinh vợ tha thứ, xin mẹ hãy bao dung để anh có được cơ hội sửa sai. Để mái ấm gia đình không tan nát, chị đã tha thứ, những mong cùng anh làm lại. Nhưng rồi, quay lưng lại, anh lại đến với người con gái kia. Ba bốn bận chuyển nhà, chị và mẹ chồng vẫn tìm ra, cũng đã tìm mọi cách, để cả nói chuyện, cho tiền cô bồ nhí của chồng chị, nhưng đâu lại vào đấy. 

Dùng dằng suốt 3 năm trời như thế, những ngày tháng đó chị như sống trong địa ngục. Cuối cùng, khi chồng chị bảo với chị, nếu muốn duy trì gia đình thì nên chấp nhận anh đi lại hai nơi, vì anh đã yêu thương cô gái kia sâu nặng, không bỏ được, thì chị quyết định hoàn toàn buông tay. 

Mẹ chồng chị, sau bao cố gắng khuyên bảo con, đành bất lực nhìn gia đình con trai mình tan vỡ mà không thể làm gì được, bà chỉ còn biết khóc và trách mình không biết nuôi dạy con. Nhưng khi con trai bà đặt vấn đề đưa cô gái kia về nhà sống sau khi ly hôn vợ, bà chỉ tuyên bố đúng một câu: 

“Với mẹ, con Nhung là con gái ruột. Con gái mẹ sẽ sống ở đây, dưới mái nhà của mẹ. Còn con, con có thể đi đâu tùy ý, con không còn là con trai mẹ kể từ ngày con bỏ vợ bỏ con, bỏ gia đình này!”.

Bao nhiêu lời năn nỉ của đứa con trai một cũng không làm bà đổi ý. Để rồi, sau ngay họ ly hôn, anh Hiệp thu dọn đồ đạc, ra ngoài thuê nhà xây dựng tổ ấm cùng người tình bé nhỏ. Ba mẹ con chị vẫn ở chung với bà nội, cuộc sống vẫn bình thường như cũ, chỉ có khác là người đàn ông trụ cột cả không còn.

Từ đó đến nay, hai năm trôi qua, vết thương cũ đã dần lành lại, chị đã đủ thanh thản, tìm cho mình những niềm vui khác, bên việc nuôi nấng con, chăm sóc mẹ chồng và thương yêu bản thân. Mẹ chồng chị vẫn hay nói, nếu sau này chị có gặp được người tử tế, chị vẫn cứ nên đi bước nữa, chính bà sẽ như một người mẹ ruột đứng ra gả chồng cho chị. Nhưng chị thấy lòng mình dường như cũng đã nguội, chỉ sống an ổn với người thân và những niềm hạnh phúc nho nhỏ tự tạo ra.

Chị cũng hiểu rằng, sâu thẳm trong lòng mẹ chồng vẫn còn đau đớn lắm. Một người thương yêu rồi có thể sẽ hết yêu thương khi nghĩa hết, tình cạn. Nhưng lòng người mẹ thương con không khi nào có thể thay đổi được.

Thương là thương vậy, nhưng mỗi khi chị nói gần nói xa là bà nên tha thứ cho con trai, bà đều phản đối. Với bà, con trai bà đã bước qua ranh giới đạo đức mà bà và chồng vẫn hằng răn dạy, giáo dục con để sa chân trở thành một người chồng bội bạc, bất nghĩa, một đứa con bất hiếu. Với bà, đó là sự công bằng bà dành cho người con dâu mà bà coi như con đẻ và các cháu của mình.

Tên nhân vật đã được thay đổi./.

Đọc thêm