Liên tiếp những vụ tấn công
Tối 28/10, Tổng thống Emmanuel Macron lên truyền hình thông báo việc phong tỏa trở lại toàn quốc để đối phó với dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh đã trở nên không kiểm soát nổi. Một ngày sau đó, Thủ tướng Pháp Jean Castex trình Quốc hội nước này kế hoạch xử lý khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Giữa lúc đó, tại thành phố Nice ở miền nam nước Pháp đã xảy ra một vụ khủng bố man rợ bằng dao ở ngay tại một nhà thờ Công giáo, khiến 3 người chết.
Vụ tấn công ở thành phố Nice diễn ra với cách thức hành động tương tự với vụ sát hại giáo viên dạy lịch sử - địa lý ở trường trung học Bois d'Aulne Samuel Paty tại thị trấn Conflans-Sainte-Honorine thuộc tỉnh Yvelines gần Paris trước đó chưa đầy 2 tuần.
Từ đầu tháng 9, sau khi tuần báo trào phúng Charlie Hebdo đăng lại các tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammet của người Hồi giáo, nước Pháp lại trở thành mục tiêu của khủng bố, mở đầu là vụ tấn công cũng bằng dao xảy ra ngay cạnh trụ sở cũ của tòa soạn Charlie Hebdo làm 2 người bị thương nặng hôm 25/9. Tổ chức al Qaeda gần đây thường xuyên kêu gọi tấn công nước Pháp. Từ đầu năm đến nay, an ninh Pháp đã đập tan ít nhất 6 âm mưu tấn công khủng bố của các phần tử Hồi giáo cực đoan nhằm vào các địa điểm khác nhau ở nước này.
Diễn biến này đặt Chính phủ của Tổng thống Macron vào tình thế cùng lúc phải đương đầu với hai tình trạng khẩn cấp là an ninh quốc gia và sức khỏe người dân. Trong lúc đó, làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ 2 bùng lên dữ dội hơn dự báo, khiến chính phủ nước này rơi vào cảnh bị động và lúng túng trong việc xử lý làm sao để vừa khống chế được dịch có hiệu qủa nhưng vẫn giữ cho kinh tế không bị sụp đổ. Đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 nước Pháp cùng lúc phải đối mặt với thách thức đe dọa an ninh và tính mạng người dân.
Cùng với việc kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế và phong tỏa toàn quốc, nguy cơ khủng bố ở Pháp cũng được đặt vào tình trạng báo động ở mức cao nhất. Đây là tình trạng được ban bố sau các loạt khủng bố kinh hoàng hồi đầu và cuối năm 2015. Với đại dịch Covid-19, Tổng thống Emmanuel Macron từng tuyên bố người Pháp cần phải học cách “sống chung với virus”. Với cuộc chiến chống khủng bố, sách lược này chắc chắn không thể được áp dụng.
Tình thế khó khăn
Là mục tiêu thường xuyên của các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan từ nhiều năm nay, một số nhà quan sát cho rằng Pháp vẫn luôn bị động và lúng túng trong cuộc chiến chống khủng bố ở trong nước. Sau cú sốc do vụ khủng bố tại Nice, dư luận Pháp đã lên tiếng đòi chính phủ phải hành động với phương tiện mạnh hơn, hiệu quả hơn để bảo vệ an ninh cho người dân chứ không chỉ là những giải pháp tình thế hay quyết tâm chính trị. Nhiều tiếng nói đòi chính phủ phải khẩn cấp cải cách, siết chặt hơn nữa hệ thống luật pháp của nước này để đối phó một cách hiệu quả với nguy cơ xảy ra các vụ khủng bố trong nước.
Theo nhật báo La Croix, chính phủ Pháp đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải thích với công chúng về các phương án đối phó với đợt hai của dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh người dân và nhất là giới doanh nhân, buôn bán rất bất bình vì sinh hoạt bị xáo trộn, thu nhập thiệt hại. Giới tiểu thương cho rằng Nhà nước ưu đãi các siêu thị lớn trong khi họ phải đóng cửa ít nhất một tháng.
Còn tờ Les Echos đã có bài phân tích thế mạnh và yếu của kinh tế Pháp đồng thời vạch ra lối thoát sau 6 tháng khủng hoảng vì đại dịch. Tuy nhiên, với việc ngân sách vốn đã bị thâm hụt từ hơn 3% và đến nay có nguy cơ lên đến 10% vào cuối năm, việc vực dậy kinh tế được đánh giá là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn với Chính phủ Pháp. Theo tờ báo này, đại dịch bùng lại có thể làm mọi nỗ lực của chính phủ cũng như những dấu hiệu kinh tế manh nha phục hồi bị triệt tiêu.
Hồi chuông cảnh báo với châu Âu
Nhìn xa hơn, châu Âu cũng đang phải đối mặt với thách thức tương tự. Theo La Croix, trong những năm gần đây, nước Pháp thường bị khủng bố Hồi giáo cực đoan tấn công bởi vì Pháp khẳng định bản sắc thế tục truyền thống. Song, trên thực tế, cả châu Âu đều là mục tiêu của Hồi giáo, từ Đức, Anh cho đến Bỉ.
Tại Vienna, hôm 3/11 vừa qua, một thanh niên ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã cầm súng bắn chết 4 người ngay tại thủ đô của nước Áo trước khi bị cảnh sát bắn hạ. Vụ việc xảy ra tiếp theo các cuộc thảm sát tại Pháp. Ông Fréderic Péchenard - cựu giám đốc cảnh sát quốc gia Pháp – cũng cho rằng, vùng báo động màu đỏ thẫm về nguy cơ khủng bố cũng đang lan dần dần khắp châu lục, điển hình là một loạt thủ đô châu Âu như Paris, London, Madrid, cũng.
Chuỗi các vụ thảm kịch diễn ra trong thời gian qua cho thấy khủng bố đã một lần nữa trở thành vấn đề gây quan ngại ở châu Âu. Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với Mỹ, châu Âu đã trở thành “mặt trận” thứ hai của cuộc đối đầu giữa phương Tây với các tổ chức khủng bố. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dù dịch bệnh Covid-19 từng được xem là “rào cản” tạm thời hạn chế các hoạt động tấn công khủng bố tại châu Âu nhưng tình hình cũng không yên lặng được quá lâu.
Những vụ tấn công xảy ra mang tới sự hoang mang trong dân chúng bất chấp dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh khiến sức ép về kinh tế và xã hội tại các nước châu Âu càng nặng nề. Theo tờ La Croix, Liên minh châu Âu trong những năm gần đây đã tăng cường phương tiện và biện pháp chống khủng bố. Tuy nhiên, vụ khủng bố tại Vienna mang ý nghĩa tiếng chuông cảnh báo bởi vụ thảm sát diễn ra gần một nhà thờ Do Thái trong khi Vienna trong lịch sử là biểu tượng của cuộc xung đột giữa Tây Âu và thế giới Hồi giáo.
Trước hiểm họa khủng bố Hồi giáo, tờ La Croix cho rằng châu Âu phải hợp tác chặt chẽ hơn để bảo vệ biên giới. Để làm được điều này, thách thức to lớn nhất mà khối này phải xử lý là làm sao để vừa tự vệ mà không co cụm và vẫn mở rộng cửa với thế giới bên ngoài. Trong bối cảnh thủ phạm trong 3 vụ tấn công gần đây ở châu Âu đều là người di cư, ông Péchenard cho rằng châu Âu không thể tiếp tục nhượng bộ. “Nói cách khác, châu Âu phải có một chính sách kiểm soát làn sóng nhập cư và trục xuất những thành phần chúng ta không muốn chứa chấp. Nếu tiếp tục thiếu ý thức chính trị, thiếu một chính sách chung, châu Âu sẽ không tránh khỏi chiến tranh với Hồi giáo”, ông này nói.