Nuôi chó dữ làm cảnh, nuôi luôn hiểm họa

(PLO) - Liên tiếp những vụ chó pitbull tấn công người và vật nuôi gây đổ máu đã khiến cộng đồng có cái nhìn nghi ngại về loài chó dữ nhập ngoại này. Một vấn đề đặt ra là trách nhiệm của người nuôi chó đến đâu, khi chó nuôi bị buông lỏng dẫn đến gây ra những hậu quả đáng sợ…?.
Nuôi chó dữ làm cảnh, nuôi luôn hiểm họa
Nuôi chó dữ như một trào lưu
Có không dưới 4 vụ việc chó pitbull tấn công và cắn xé đến chết các loài vật nuôi khác xảy ra trong thời gian ngắn vừa qua. Vụ việc gây xôn xao nhất xuất phát từ clip được tung trên mạng quay lại cảnh một con pitbull xông vào cắn đến chết một con chó thuộc dòng Labrador mới vài tháng tuổi. 
Chứng kiến cảnh con chó nhỏ bị cắn xé một cách man rợ, chủ chó này phản ứng liền bị người chủ “đầu gấu” của chó pitbull hăm dọa. Không những không có hành động nào ngăn cản cảnh cắn xé diễn ra trước mắt, chủ nhân của con chó còn chửi bới người dân chứng kiến bất bình muốn cản con chó pitbull.
Một bức ảnh khác được phát tán lên mạng xã hội cho thấy cảnh tượng hãi hùng khi 5 con chó pitbull cùng xúm lại cắn và xé xác một chú chó ta tại Hà Nội. Khi thông tin này chưa kịp lắng xuống thì tiếp tục xuất hiện bức ảnh một con chó pitbull cắn đứt cổ một con chó màu đen tại phố Lê Thanh Nghị khiến nhiều người hốt hoảng. 
Điều đáng nói là theo người chứng kiến, mặc dù chủ chó đã can ngăn nhưng con chó nhất quyết không buông miếng mồi ra. Trước đó, cảnh tượng một con chó pitbull nhập khẩu cắn đứt phổi một con mèo nhà khiến nhiều người cũng phải  rùng mình.
Bà Nguyễn Thanh Vy (quận 3, TP.HCM) kể lại, bà đưa cháu đi dạo chơi, vô tình chứng kiến cảnh một con chó lao vào cắn suýt chết một con chó khác, cháu bé 3 tuổi đã gào khóc vì sợ hãi, đến mấy ngày sau tâm lý cháu vẫn chưa trở lại bình thường, cứ thấy chó là sợ hãi. Ngoài ra, những vụ chó dữ nhập ngoại nuôi trông công ty, nhà hay nhà xưởng cắn bị thương đến cắn chết người không phải là chưa xảy ra.
Pitbull là loại chó nhập ngoại, được xếp vào hàng chó dữ. Ở nước ngoài, đa phần người nuôi chó pitbull phải gửi vào một trường huấn luyện chó từ khi mới vài tháng tuổi, sau một khóa huấn luyện “thuần chủng” thì mới đem chó về. 
Chó pitbull là giống có bản năng hung dữ nhưng nếu được huấn luyện từ bé thì rất thân thiện và nghe lệnh chủ. Ngoài ra, khi dắt pitbull ra ngoài, chủ chó thường đem theo một cây liễn để kịp thời ngăn chặn nếu chó xông vào người hay các con vật khác.
Ở Việt Nam, chó pitbull được nhập về nuôi làm “chó cảnh” như một trào lưu. Chủ chó không hề huấn luyện mà thả lỏng cho bản năng loài này phát triển, nhiều con pitbull thậm chí còn được chủ hướng dẫn làm chó dữ nhà, hoặc tham gia các cuộc đấu chó ăn tiền. Ngoài ra, với phong trào nuôi pitbuul làm chó cảnh ngày một nở rộ, các chủ chó dắt chó ra ngoài đi dạo nườm nượp mà hầu như không có sự phòng vệ, đảm bảo nào cho những người chung quanh. 
Pitbull là giống chó khi tấn công thường ngoạm chặt cổ và chỉ buông ra khi nào cổ đối phương đã đứt lìa. Ngay cả khi người hoặc vật bị cắn có may mắn thoát được thì nhiều nguy cơ khác cũng đe dọa như nhiễm trùng từ vết cắn, vết xé do móng chó, nguy cơ bệnh dại…
Nên tăng mức chế tài liên quan đến việc nuôi chó
Đó là quan điểm của Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư TP.HCM. Theo Luật sư, việc quy định chặt chẽ hơn về hoạt động nuôi chó và tăng mức chế tài xử phạt là cần thiết. 
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật thì trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi chó phải quản lý số chó nuôi bằng biện pháp hành chính; phải chấp hành quy định tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung của cơ quan thú y; phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người; ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư, khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng…
Nếu người nuôi chó để chó gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường theo quy định tại Điều 625 Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra trong Bộ luật Dân sự và Điều 7 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, đồng thời còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do gia súc hoặc các động vật khác gây ra. 
Tuy nhiên, theo Luật sư Huỳnh Phước Hiệp: “Trên thực tế có trường hợp tôi từng tham gia tranh tụng, một người bị chó hàng xóm cắn, hai bên không thương lượng được và khởi kiện ra tòa án để yêu cầu giải quyết. Khi ra tòa, người bị kiện lại cho rằng không phải chó nhà mình cắn. Như vậy, theo Điều 79 Bộ luật Dân sự thì người khởi kiện phải chứng minh chó hàng xóm cắn. Điều này nói thì dễ nhưng chứng minh bằng chứng cứ đôi khi không phải là dễ, trừ trường hợp có clip ghi hình lại như trường hợp nêu trên”. 
Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền nên quy định chặt chẽ việc nuôi chó, đặc biệt là nuôi các giống chó dữ nhập ngoại trong khu vực đô thị; đồng thời tăng mức chế tài thật nặng khi người nuôi chó vi phạm để chó mình nuôi gây hại cho người khác, đồng thời thực thi nghiêm túc quy định này thì mới mong người nuôi chó có ý thức tránh để vật nuôi của mình gây hại cho người khác, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp nhấn mạnh.

Đọc thêm