Di sản Thiên nhiên lên tiếng kêu cứu
Theo đánh giá tác động môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Quảng Ninh, khu vực ven bờ của vịnh Hạ Long bao gồm bãi tắm Tuần Châu, Cửa Lục, làng chài Cửa Vạn, bờ biển ven bờ TP.Hạ Long đều có hàm lượng dầu. Khu vực bãi tắm Ti Tốp, bãi tắm Bãi Dài, luồng giữa vịnh Hạ Long – Hòn 1 trên vịnh Bái Tử Long, những vùng lõi của Di sản Thiên nhiên thế giới đều xuất hiện váng dầu.
Tại các khu vực nước bến chợ Hạ Long 1, khu vực ven bờ cột 5, cột 8 (TP.Hạ Long), hàm lượng dầu mỡ đo được trong nước biển đều vượt quy chuẩn cho phép. Đặc biệt, tại khu vực cảng Nam Cầu Trắng và Cảng tàu du lịch Bãi Cháy (TP.Hạ Long), hàm lượng dầu mỡ vượt ngưỡng từ 1,1 đến 4,1 lần; khu vực vịnh Cửa Lục – cầu Bãi Cháy, hàm lượng dầu mỡ vượt quy chuẩn hơn 4,3 lần…
Váng dầu gây ô nhiễm nước biển vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long khiến du khách e ngại tắm biển sẽ bị các bệnh đường ruột, bệnh ngoài da...; ô nhiễm váng dầu còn làm “mờ” đi hình ảnh huyền diệu như bức tranh thủy mặc của tạo hóa ban tặng cho cảnh quan nơi đây.
Chưa hết, không chỉ đe dọa hoạt động du lịch – một trong những thế mạnh, mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh, nguồn phát thải chất thải nguy hại được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến việc suy giảm, đe dọa khu vực bảo tồn thủy sinh vịnh Hạ Long.
Theo xác định từ UBND tỉnh Quảng Ninh, nguồn phát thải đe dọa Di sản Thiên nhiên vịnh Hạ Long đến từ hoạt động của các tàu du lịch, tàu bán lẻ xăng dầu trên biển, các tàu biển, tàu thủy nội địa ra vào các cảng bên bờ vịnh Hạ Long; từ các cảng, bến cảng, nhà máy nằm ven biển.
Trong số này, đội 472 tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long được xác định là thủ phạm chính gây ra các váng dầu, làm suy thoái môi trường biển do hàng ngày các tàu này thường xuyên xả thẳng nước la canh – nước làm mát máy tàu có lẫn tạp chất dầu, mỡ của máy ra biển.
Không chỉ có vậy, nhiều tàu du lịch còn lén xả chất thải vệ sinh, chất thải sinh hoạt xuống biển. Mức độ ô nhiễm môi trường biển từ hoạt động du lịch đã khiến UNESCO phải nhiều lần lên tiếng, đưa ra các khuyến nghị về thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường ảnh hưởng đến chính ngành “công nghiệp không khói” trên Di sản Thiên nhiên thế giới.
Tỉnh Quảng Ninh vào cuộc
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, không phải đến giờ Quảng Ninh mới ý thức được Di sản Thiên nhiên thế giới đang bị chính hoạt động du lịch làm suy giảm, gây ô nhiễm môi trường. Từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp cùng các ngành chức năng tìm giải pháp ngăn ngừa nguồn phát thải dầu, mỡ từ các tàu du lịch xả ra vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Theo đó, để ngăn ngừa nguồn dầu, mỡ thải từ các tàu du lịch xả ra vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Sở GTVT Quảng Ninh đã đề nghị các chủ tàu du lịch lắp đặt máy phân ly dầu nước – thiết bị tách dầu, mỡ ra khỏi nước ngay trên các tàu du lịch để các tàu du lịch tách dầu, mỡ ra khỏi nước thải trước khi xả nước thải đạt chuẩn ra môi trường biển. Các tạp chất dầu mỡ được giữ lại trên tàu trước khi đưa vào bờ để xử lý theo Luật Bảo vệ môi trường.
Theo đánh giá từ Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh, thiết bị phân ly dầu, nước đạt chuẩn được lắp đặt trên các tàu du lịch sẽ giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm dầu do hoạt động của tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Được xác định là giải pháp giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường biển nhưng dưới sự chủ trì của Sở GTVT Quảng Ninh, từ năm 2014 đến nay mới có 245 tàu lắp đặt máy phân ly dầu, nước, còn 240 tàu vẫn chưa được lắp đặt thiết bị để bảo vệ môi trường.
Để thực hiện triệt để giải pháp phòng, chống ô nhiễm môi trường biển, ngày 10/8 UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành công văn yêu cầu các tàu du lịch chưa lắp đặt thiết bị phân ly dầu, nước phải triển khai ngay việc lắp đặt thiết bị này. Theo đó, từ ngày 1/11 các tàu du lịch chưa lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường sẽ tạm thời bị đình chỉ hoạt động.
Theo ông Mạc Quang Giểng, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh, để các chủ tàu chấp hành, lắp đặt thiết bị phân ly dầu, nước hợp chuẩn lên hết số tàu còn lại, cũng phải đến ngày 15/12 công việc này mới hoàn thành.
Do vậy, để tháo gỡ khó khăn cho các chủ tàu du lịch có đủ lượng tàu phục vụ khách tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Sở đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép các chủ tàu có từ hai tàu trở lên thực hiện việc luân phiên, dừng hoạt động để thực hiện việc lắp đặt thiết bị phân ly dầu, nước cho tàu.
Ông Vũ Văn Hợp, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau việc lắp đặt thiết bị phân ly dầu, nước đối với đội tàu du lịch, Quảng Ninh sẽ yêu cầu các chủ tàu đánh bắt thủy hải sản, tàu khách, tàu hàng hoạt động thường xuyên trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long chưa có thiết bị lọc, tách dầu ra khỏi nước thải vẫn xả thải ra môi trường phải thực hiện việc lắp đặt thiết bị hợp chuẩn nhằm đảm bảo việc xả thải ra môi trường phải phù hợp Luật Bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các ngành TN&MT, Công an, UBND các TP.Hạ Long, Cẩm Phả tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát việc xả nước thải ra môi trường biển của các doanh nghiệp, cảng biển bên bờ vịnh Hạ Long.