Ở nơi “cơn bão ết” vẫn chưa qua

(PLO) - Trở lại Sơn La – nơi từng là “điểm nóng” về ma túy của cả nước, cơn khát ma túy có phần đã hạ nhiệt tại mảnh đất này. Nhưng nỗi lo, sự trăn trở về dịch bệnh HIV/AIDS vẫn hằn nguyên trên nét mặt mỗi cán bộ, nhân viên y tế, các lãnh đạo địa phương cũng như mỗi người dân nơi này…
Chị P bên khung cửi 
Mỗi năm “nở” thêm 400-500 người nhiễm mới…!
Ông Đàm Văn Hưởng, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La cho biết, tính đến ngày 15/10/2015, số người nhiễm HIV còn sống ở Sơn La là 7.722 trường hợp, tử vong 2.713 trường hợp. Hiện, 100% số huyện, thành phố của tỉnh đã có người nhiễm HIV/AIDS. 
Những năm gần đây, mỗi năm Sơn La có thêm 400-500 người nhiễm mới, đáng buồn khi tỷ lệ mắc mới đặc biệt cao ở nhóm tuổi lao động (20-39 tuổi) và có xu hướng gia tăng ở đối tượng phụ nữ (thống kê năm 2015 cho thấy, số phụ nữ nhiễm HIV của tỉnh đã lên tới 42,47%). 
Giám sát trọng điểm năm 2014 cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nghiện chích ma túy ở Sơn La có xu hướng giảm so với những năm trước đây (chỉ còn 6.33%), tuy nhiên tỷ lệ người nhiễm HIV lại gia tăng trong nhóm dân tộc thiểu số (4.5%).
Là nơi trung chuyển ma túy của các “điểm nóng” ma túy như Tuần Giáo, Sông Mã (Điện Biên) cũng như của cả Sơn La và các tỉnh lân cận, tuy đã kiềm chế tốc độ gia tăng nhưng ông Nguyễn Đức Thặng, Phó Chủ tịch huyện Thuận Châu, Sơn La cho hay, tính đến tháng 11/2015, cả huyện có tổng số 1.268 người sử dụng ma túy. 
Số nhiễm HIV lũy tích đến ngày 19/11/2015 của huyện là 1.103 ca ở 28/29 xã, thị trấn. Trong đó, số còn sống là 637 ca; số ca nhiễm HIV mới phát hiện là 42 ca; số người được xét nghiệm tế bào CD4 là 165 ca… 
Với lũy tích 1.435 người nhiễm HIV/AIDS (trong đó đối tượng nghiện chích ma túy là 529 người, chiếm 36,9% số người nhiễm HIV toàn huyện; 777 người chuyển sang giai đoạn AIDS; 360 trường hợp tử vong), Mường La còn vượt trội hơn Thuận Châu về tổng số mắc HIV/AIDS được phát hiện. Tính đến hết tháng 10/2015, đã có tổng số 45 trường hợp nhiễm mới HIV được báo cáo tại địa phương này…
Trước tình hình dịch bệnh HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng, lãnh đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Sơn La cho hay, Sơn La được ưu tiên lựa chọn là một trong 05 tỉnh, thành được chọn triển khai Chương trình 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV/AIDS của mình; 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp) do Liên Hợp quốc đề ra. 
Chương trình bắt đầu được triển khai tại Sơn La từ tháng 10/2015, với mong muốn sẽ tiến tới xóa AIDS trên địa bàn tỉnh vào tháng 12/2017. Hiện, ông Hưởng cho biết, tất cả các ban, ngành địa phương đã vào cuộc triển khai Chương trình với những nỗ lực và sự cố gắng rất cao. Nhưng khó khăn, thách thức vẫn còn rất nhiều… 
Cụ thể, theo phản ánh của lãnh đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Sơn La, số lượng người nhiễm HIV/AIDS lớn là vậy, trong khi đó nguồn ngân sách dành cho công tác này ngày càng bị cắt giảm, địa phương thì vừa mới thoát ra khỏi danh sách 07 tỉnh khó khăn nhất nước nên hoạt động phòng chống đạt hiệu quả không như mong muốn. 
Đặc biệt, lực lượng cho hoạt động phòng chống AIDS quá mỏng (chỉ có 40 cán bộ), các chương trình thì nhiều, địa bàn thì trải rộng, đường sá hiểm trở…, nên mọi người đều phải gồng mình, quay cuồng trong hoạt động phòng, chống AIDS. “Chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức, còn thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của cơ sở...” – ông Đàm Văn Hưởng bộc bạch. 
Những nốt nhạc buồn…
Men theo những con đường gập ghềnh, uốn lượn…, chúng tôi đến với xã Tông Lạnh của huyện Thuận Châu, Sơn La. Cái lạnh của vùng cao như ngấm vào từng thớ thịt, xuyên qua từng lớp áo của người đi đường. 
Loang loáng sau màn sương lạnh mờ ảo là những mảng hoa cải trắng nở bung khắp các sườn đồi. Nhưng vẻ đẹp trắng trong, tinh khôi đó cũng không thể che giấu được nét u buồn trong những ngôi nhà nhỏ nép bên những sườn đồi. Nơi đó có những con người, những phận đời mong manh, buồn thảm và đầy nghiệt ngã…
Đến thăm một trong những ngôi nhà nhỏ bé, tồi tàn, hoang lạnh đó, chúng tôi bắt gặp những phận người cũng nhỏ nhoi và đầy bất hạnh. Mắt không rời khung cửi, với khuôn mặt mệt mỏi, chị Quàng Thị Ph (41 tuổi), bản Panna, xã Tông Lạnh, Thuận Châu buồn bã chia sẻ, chị cũng không biết chồng mình mắc nghiện từ bao giờ. 
Nhưng đến năm 2010, sau một trận ho sốt, anh bỏ mẹ con chị ra đi về phía bên kia thế giới. 
Chị cũng không biết anh chết vì bệnh gì, chỉ biết sau khi anh mất một thời gian, mấy chị bên trạm y tế sang tư vấn và vận động chị lên Trung tâm Y tế huyện xét nghiệm rồi phát thuốc cho uống. Các con chị cũng được làm xét nghiệm nhưng rất may chúng không bị mắc bệnh thế kỷ như mẹ. 
Nghe các bác sỹ giải thích chị bị nhiễm HIV – một căn bệnh nguy hiểm có thể lây lan rất nhanh, nếu không có biện pháp dự phòng, mà ruột gan chị rối bời. 
Trước khi được điều trị ARV (thuốc kháng vi rút), chị Ph cho biết, chị bị mệt mỏi, chán ăn và sút cân rất nhanh. Sau khi uống thuốc, sức khỏe có hồi phục, tuy nhiên chị không thể làm các công việc nặng như trước mà chỉ quanh quẩn ở nhà với mấy con gà, mảnh vườn nhỏ và chiếc khung cửi…
Không thể trông chờ vào tấm lưng gầy của mẹ, thằng con lớn 15 tuổi phải bỏ học đi làm thuê để lấy tiền cho em trai (6 tuổi) đi học. Toàn bộ việc đồng áng nơi mảnh ruộng nhỏ của gia đình cũng do cậu bé chưa hết tuổi vị thành niên đảm nhiệm. 
Chị Ph cũng cho hay, chuyện chị có HIV, cả làng đều biết nhưng vì sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV ở bản và ở xã nói riêng và ở các tỉnh miền núi còn rất nặng nề nên chị vẫn phải giấu mình trong bóng tối… 
Cùng chung cảnh ngộ của mẹ con chị Quàng Thị Ph là trường hợp của mẹ con chị Lò Thị T (sinh năm 1982), ở bản Cụ Cang, xã Chiềng Ly, Thuận Châu, Sơn La. Cũng giống như chị Ph, chị T cũng không biết chồng mình nghiện ma túy và nhiễm HIV từ khi nào. 
Sau khi chồng chết 8 năm, thấy trong người không được khỏe, chị mới thuê xe ôm lên huyện khám sức khỏe và được phát hiện bị nhiễm HIV. Kỳ thực, chị cũng không biết đây là bệnh gì, chỉ biết các bác sỹ nói “nó là một bệnh xã hội nguy hiểm, có thể lây và phải uống thuốc thường xuyên, cả đời…”. 
Sau khi chồng mất, chị trở thành lao động chính trong gia đình, nhưng nay vì sức khỏe suy kiệt, chị không còn lo nổi việc cày cấy trên nương. Vì thế, mọi việc dồn lên đôi vai của cậu con trai cả chưa đầy 14 tuổi. Và đương nhiên, cậu trở thành “người bảo trợ” của cậu em trai đang học lớp 4 của mình. 
Cũng may, ông trời vẫn rủ lòng thương mẹ con cậu khi các khoản thuốc thang trị bệnh cho mẹ được miễn phí, còn hai anh em thì có kết quả xét nghiệm âm tính với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS…
Kết ngắn
… Rời Trung tâm Y tế huyện Thuận Châu, đoàn chúng tôi tiếp tục đến với các xã vùng cao khác của huyện để tìm hiểu về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Chắc chắn sẽ còn nhiều con người, phận đời mà chúng tôi gặp gỡ và chứng kiến… 
Nhưng sao hình ảnh người đàn bà mới ngoài 30, nhưng cứ ngỡ đã gần 50 tuổi ngồi bó gối bên ngoài hành lang phòng khám ngoại trú, Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Thuận Châu chờ lấy thuốc cứ ám ảnh tôi mãi… 
Đoạn đường xuống bản chưa đầy 30 cây số mà sao xa lắc, xa lơ… 

Đọc thêm