Oan án phu nhân trưởng phòng Sở KH-ĐT giết mẹ chồng?

(PLO) - Trong lá đơn đi kêu oan cho vợ, vị cán bộ giữ chức trưởng phòng Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Cao Bằng một mực khẳng định vợ mình không thể phạm tội giết mẹ chồng. Trong một nghi vấn khác, nhiều khả năng hung  thủ giết người lại chính là bố chồng của bị cáo.
Oan án phu nhân trưởng phòng Sở KH-ĐT giết mẹ chồng?
Theo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Cao Bằng, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt, bị cáo Hoàng Thị Vấn (SN 1969, ngụ phường Đề Thám, TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) đã dùng búa đinh sát hại giết mẹ chồng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, các cơ quan tố tụng đã bỏ qua một cách khó hiểu nhiều chứng cứ, lời khai hết sức quan trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án, kết tội chỉ dựa duy nhất vào lời khai nhận tội.
Giết mẹ chồng vì bị bắt đẻ thêm?
Theo hồ sơ, khoảng 6h ngày 5/2/2012, Vấn thức giấc, chồng con vẫn ngủ trên giường. Vấn xuống cầu thang, gặp mẹ chồng, hai người cùng ra vườn đứng nói chuyện với nhau. Khi câu chuyện đề cập đến vấn đề con cái, mẹ chồng khuyên con dâu nên đẻ thêm. Vấn không bằng lòng, nói: “Bà giỏi thì đẻ đi”. Bị cãi láo, mẹ chồng tức giận cho con dâu một cái tát. Ấm ức, Vấn đi tìm được chiếc búa đinh, quay lại vung nhiều nhát hạ sát mẹ chồng. 
Thấy mẹ chồng nằm bất động, Vấn vứt chiếc búa về phía sau chạn bát cũ, lấy khăn thấm nước lau máu trên trán và mặt nạn nhân, xốc nách kéo thi thể giật lùi vào trong nhà giấu vào chỗ để đồ cũ. 
Chưa dừng lại, Vấn lấy đoạn dây điện ở chiếc quạt cũ, quấn vào cổ, lấy áo mưa phủ lên xác. Xong xuôi, Vấn lấy nước và giẻ lau sạch máu trên nền nhà, rửa sạch tay chân rồi bình thản lên tầng hai thay quần áo, tiếp tục nằm xem vô tuyến.   
Gần 10 phút sau, người chồng thức giấc, lên tiếng gọi vợ. Vấn đi xuống tầng, khi sang gian bán hàng, thấy một con dao inox loại dùng để gọt hoa quả ở trên két bạc liền “cầm lấy và bước chếch sang giữa gian bán hàng nơi có các thùng giấy đựng dầu gội đầu thì ngồi xuống, bỏ mũ ra và dùng dao tự rạch vào đầu mình. Lúc này, chồng Vấn xuống, thấy vợ đang ôm đầu chảy máu, liền chạy ra phía cửa hô “trộm, trộm”, bản án sơ thẩm nêu. 
Thấy vợ có hành vi bất thường, người chồng hô hoán, mọi người chạy tới đưa Vấn đi cấp cứu. Lúc này, xác bà mẹ chồng cũng được tìm thấy. Kết luận khám nghiệm cho thấy nạn nhân bị sát hại bằng 6 nhát búa vào vùng đầu, dẫn đến vỡ hộp sọ, giập não. 
Đầu tháng 2/2012, công an khởi tố vụ án giết người. Ngày 10/2/2012, Vấn bị bắt vì hành vi không tố giác tội phạm. Đầu tháng 5/2012, công an lại thay đổi quyết định, khởi tố bị can sang tội “giết người”. Tại phiên xử sơ thẩm đầu năm 2013, TAND tỉnh Cao Bằng tuyên phạt bị cáo mức án chung thân về tội “giết người”. Ngay lập tức, Vấn kháng cáo.
Quá trình điều tra bỏ lọt nhiều chứng cứ
Theo tài liệu thu thập của PLVN, quá trình điều tra vụ án này có rất nhiều điểm mập mờ. Trong các bản ảnh lưu trong hồ sơ vụ án, ảnh thứ 19 có chụp vết đế giày tại hiện trường, khi lập biên bản nêu đã đổ thạch cao để thu giữ. Hồ sơ vụ án không có kết quả giám định cũng như kết luận về dấu vết này. 
Ngoài ra, trong biên bản khám nghiệm hiện trường có nét chữa từ chữ “còn mới” sang chữ “không mới”. Việc sửa chữa chữ này không có điều tra viên ký xác nhận. Đây là hành vi vi phạm tố tụng bởi nó có thể làm thay đổi bản chất sự việc, ảnh hưởng đến việc đánh giá chính xác chứng cứ. 
Chưa hết, quá trình lấy lời khai của những người tham gia tố tụng cũng không tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Rất nhiều người lấy lời khai trong vụ án này không phải là điều tra viên được phân công điều tra vụ án. Trong hồ sơ, toàn bộ các biên bản lấy lời khai, các điều tra viên ký nhưng không đóng dấu, kể cả biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thực nghiệm điều tra. 
Mập mờ hơn, ngay trong kết luận điều tra, cùng một chi tiết ghi nhận hiện trường về chân phải của bị hại cũng bị thay đổi liên tục. Lúc thì ghi “Chân phải quấn một áo phông màu trắng, đỏ”, lúc lại ghi “Chân phải quấn một áo sơ mi màu trắng”. Chi tiết bị cáo Vấn dùng dao tự tạo vết thương trên đầu cũng lẫn lộn. Kết luận ghi nhận đó là “dao inox, cán nhựa màu đen”.  Tuy nhiên, trong số tang vật tạm giữ khi khám nghiệm hiện trường lại không có con dao inox cán đen nào cả, mà chỉ có một con dao nhọn cán vàng có dính máu. 
Nhiều dấu vết lưu lại ở hiện trường cho thấy có nghi can là một người đàn ông. Những chi tiết này chưa được giám định và điều tra làm rõ.
Luật sư Lê Thanh Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư AIC (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Theo hồ sơ vụ án, trên hộp miến hiệu Phú Hương mà thủ phạm đã dùng để che đậy xác nạn nhân có dấu vân tay. Giám định đã kết luận: Vết vân tay mờ trên hộp miến dùng không phải của bị cáo Vấn. Vậy vết vân mờ đó là của ai? Không làm rõ điều này, có thể bỏ lọt tội phạm, làm mất cơ hội chứng tỏ bị cáo Vấn không có hành vi bê hộp miến để đậy xác mẹ chồng.  
Bố chồng gây án, con dâu chịu tội?
Đáng chú ý hơn, các mẫu máu thu giữ tại hiện trường cho thấy cơ quan điều tra bỏ qua nhiều dấu vết quan trọng có thể thay đổi bản chất vụ án. Vụ án này bị cáo là nữ, bị hại cũng là nữ. Khi giám định chiếc áo ba lỗ có dính máu người, lại là mẫu máu nam giới, đồng thời vết máu trên tường đã thu giữ và khi giám định cũng kết luận là máu của nam giới.
Vậy vết máu này là của ai? Vết máu nam giới trên tường có liên quan gì đến vết máu nam giới trên áo ba lỗ? Hai vết máu này của cùng một người hay hai người khác nhau? 
Ngoài ra, bản ảnh tử thi cho thấy có dây điện quấn cổ, nhưng cảnh sát chưa làm rõ có vết hằn trên cổ nạn nhân không, cũng không xác định được dây điện này buộc trước hay sau khi nạn nhân chết? 
Một tình tiết quan trọng khác, theo kết quả điều tra, thủ phạm đã xốc nách kéo lê nạn nhân từ sân vào nơi cất giấu. Vậy quá trình này, thủ phạm xốc nạn nhân ngửa hay sấp? Xác định điều này sẽ liên quan đến các dấu vết trầy xước ở gót chân hoặc mũi chân nạn nhân. 
Hồ sơ vụ án có nhiều vấn đề chưa sáng tỏ
 Hồ sơ vụ án có nhiều vấn đề chưa sáng tỏ
Đây là một vụ án cực kỳ nghiêm trọng, tuy nhiên không bắt được quả tang, không có nhân chứng trực tiếp. Việc truy tố và xét xử, cơ quan tố tụng chủ yếu dựa vào khai nhận của bị cáo tại cơ quan điều tra. Vì vậy, những tình tiết bị bỏ lọt như trên khiến quá trình điều tra mập mờ, đầy mâu thuẫn. 
Trong diễn biến lấy lời khai, bị cáo Vấn có nhiều thay đổi, với nội dung mâu thuẫn nhau. Các lời khai từ ngày 8/2/2012 đến ngày 22/2/2012, bị cáo không nhận tội và có lời khai nghi ngờ bố chồng là người đâm, gây thương tích cho bị cáo. 
Tiếp đó, các lời khai từ ngày 12/3/2012 đến ngày 10/5/2012, bị cáo lại nhận tội. Sau đó, từ ngày 4/7/2012, Vấn thay đổi lời khai sang không nhận tội. Và cuối cùng, bị cáo lại tiếp tục nhận tội cho đến khi kết thúc giai đoạn điều tra. Đến khi bị đưa ra xét xử ở phiên sơ thẩm, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng mình bị bức cung. 
Đáng chú ý, thay vì phẫn nộ với hành vi của bị cáo thì những đại diện hợp pháp của bị hại lại đồng loạt có đơn kháng cáo toàn bộ bản án, kêu oan cho bị cáo. “Tôi và gia đình khẳng định việc cơ quan điều tra kết luận vợ tôi giết mẹ tôi chỉ vì mẹ tôi khuyên nên sinh thêm con là điều hoàn toàn vô lý và không có căn cứ. 
Bởi trong sinh hoạt hàng ngày chưa bao giờ mẹ tôi đề cập đến việc vợ tôi không sinh được con trai. Bản thân mẹ tôi là người am hiểu pháp luật, trong khi đó sinh con thứ 3 là vi phạm chính sách dân số của Nhà nước vì tôi là trưởng phòng làm việc ở Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh nên càng không được phép. 
Từ ngày về làm dâu vợ tôi sống rất hòa thuận, hạnh phúc, biết thương quý bố mẹ chồng, thương yêu và luôn giúp đỡ các em chồng. Vì vậy, vợ tôi không có động cơ nào để có thể ra tay giết hại mẹ tôi một cách dã man như thế…”, nội dung trong lá đơn kêu oan của chồng bị cáo Vấn gửi tới nhiều cơ quan chức năng.    
Với rất nhiều mập mờ trong quá trình điều tra kể trên, ngày 23/4/2013, trong phiên phúc thẩm tại Hà Nội, TANDTC tuyên hủy bán án sơ thẩm, yêu cầu cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng điều tra lại./.

Đọc thêm