Miễn truy tố trọn đời
RT (Nga) cho hay, với đạo luật này có hiệu lực, ông Putin sẽ không thể bị truy tố ra tòa với những cáo buộc hình sự hay dân sự sau khi ông rời Điện Kremlin. Điều khoản tương tự cũng được áp dụng cho Dmitry Medvedev, người giữ chức tổng thống Nga nhiệm kỳ 2008-2012, cũng như các tổng thống trong tương lai của Nga.
Quy định mới đã được đưa vào tu chính án hiến pháp Nga, được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 vừa qua, mang đến những chuyển biến đáng kể trong hệ thống quản trị của nước này.
Các cựu tổng thống Nga cũng sẽ được miễn trừ khỏi việc bắt giữ hay điều tra, cũng như không bị khám xét và thẩm vấn bởi cảnh sát hoặc nhà điều tra. Trước đây, các quyền lợi bảo vệ chỉ bao gồm những hành động của tổng thống trong thời gian tại nhiệm, hoặc các hành động điều tra có liên quan đến chức trách của tổng thống.
Theo đạo luật mới, một cựu tổng thống Nga chỉ có thể bị tước quyền miễn trừ nếu Duma Quốc gia (Hạ viện) phê chuẩn cáo buộc phản quốc hay những tội danh nghiêm trọng khác nhằm vào ông hoặc bà này. Những cáo buộc cũng phải được Tòa án tối cao và Tòa án hiến pháp thông qua, sau đó trong vòng ba tháng Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga phải tiến hành bỏ phiếu để xác định việc có tước quyền miễn trừ của cựu tổng thống hay không.
Nếu không có quyết định nào được Thượng viện Nga đưa ra trong ba tháng, các cáo buộc sẽ bị dỡ bỏ.Đạo luật còn cho phép các cựu tổng thống Nga giữ vai trò Thượng nghị sĩ trọn đời.
Theo RT, đạo luật có thể được một số người nhìn nhận như dấu hiệu rõ ràng về việc Tổng thống Putin “dọn đường” cho tương lai khi rời nhiệm sở, dù các quy định mới trong hiến pháp sửa đổi có khả năng cho phép ông nắm giữ quyền lực đến năm 2036 nếu thắng cử.
Khi dự luật được soạn thảo vào năm nay, các nhà lập pháp Nga lập luận rằng những bộ luật tương tự cũng được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Mới đây, Các luật khác do ông Putin ký cho phép các tổng thống bổ nhiệm tối đa 30 thượng nghị sĩ vào Hội đồng Liên bang, Thượng viện của Nga và tham gia Hội đồng này sau khi rời nhiệm sở.
Hôm qua (22/12), Hạ viện Nga đã thông qua dự luật giữ bí mật thông tin về nhân viên của hệ thống tư pháp, cơ quan hành pháp và quân đội Nga. Hiện nó đang chờ chữ ký của ông Putin để chính thức trở thành luật.
Một ngày trước đó, nhân vật đối lập Alexey Navalny cho biết đã gọi điện cho một nhân viên an ninh và lừa để nhân viên này thừa nhận rằng Cơ quan an ninh liên bang đã cố gắng hạ độc ông vào tháng 8. Navalny cho biết đã giành được quyền truy cập vào số điện thoại của nhân viên an ninh trên từ nhật ký và hồ sơ hành trình bị rò rỉ. Sau đó Navalny đã công bố địa chỉ và số điện thoại được cho là của nhân viên trên và đây là những hành động bị coi là bất hợp pháp theo luật mới được đưa ra.
Những bước đi chính trị
Tháng 3/2018, ông Putin đã được bầu lại làm Tổng thống Liên bang Nga thêm một nhiệm kỳ kéo dài 6 năm. Hiến pháp nước này không cho phép Tổng thống Putin tái tranh cử vào năm 2024, thời điểm nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp của ông kết thúc. Tuy nhiên, giới chức Nga đã bóng gió nói rằng Tổng thống Putin, người đã lãnh đạo nước Nga trong gần 2 thập kỷ, có thể sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục nắm giữ quyền lực.
Theo văn bản ghi nội dung cuộc họp mà Bloomberg có được, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin khi đó đã nói với Tổng thống Putin rằng: “Đang có những câu hỏi trong xã hội. Giờ là thời điểm chúng ta có thể trả lời những thắc mắc này, mà không hề đe dọa các điều khoản cơ bản của Hiến pháp... Luật pháp, thậm chí một văn kiện như Hiến pháp (Luật Cơ bản), không phải là giáo điều”.
Ông Volodin đồng thời cho rằng Hiến pháp của Nga đã được xây dựng từ 25 năm trước, và dịp kỷ niệm 1/4 thế kỷ áp dụng có lẽ là thời điểm thích hợp để đánh giá lại các điều khoản của văn kiện này. Chủ tịch Hạ viện Volodin đề xuất các thẩm phán Tòa án Hiến pháp và các chuyên gia pháp lý tham gia đánh giá “làm thế nào Hiến pháp và các qui tắc xây dựng Hiến pháp phù hợp với các nguyên tắc đã được thông qua”.
Biên bản cuộc họp với Đảng nước Nga Thống nhất không đề cập tới phản ứng của Tổng thống Putin trước đề xuất của ông Volodin. Phát biểu với báo giới sau khi tái đắc cử tổng thống hồi tháng 3, ông Putin nói: “Tại thời điểm này, tôi không có kế hoạch cải cách Hiến pháp... Tôi sẽ làm gì, sẽ cầm quyền tới năm 100 tuổi hay sao? Không, tôi không có ý định đó”.
Tháng 11/2008, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua một khoản sửa đổi trong Hiến pháp nước này, theo đó nâng thời hạn nhiệm kỳ tổng thống từ 4 năm lên 6 năm và nhiệm kỳ Duma Quốc gia (Hạ viện) từ 4 năm lên 5 năm.
Trong thông điệp liên bang năm 2008, Tổng thống Nga khi đó, ông Dmitry Medvedev tuyên bố Chính phủ Nga ủng hộ tăng kỳ hạn mỗi nhiệm kỳ tổng thống thêm 2 năm để người đứng đầu nhà nước có đủ thời gian thực hiện các đề xuất cải cách. Tuy nhiên, điều khoản một tổng thống không được cầm quyền quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp vẫn còn nguyên hiệu lực.
Trong cuộc bầu cử ngày 18/3/2018, Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin đã nhận được 76,66% số phiếu ủng hộ, qua đó giành chiến thắng áp đảo và tiếp tục lãnh đạo nước Nga trên cương vị tổng thống tới năm 2024.
Sau khi sửa Hiến pháp,về giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống, cho phép đương kim Tổng thống Putin có thêm 2 nhiệm kỳ nữa và cầm quyền đến năm 2036. Ông Putin nhấn mạnh các sửa đổi trên là cần thiết để đảm bảo "sự ổn định, an ninh, thịnh vượng" của nước Nga trong tương lai.
Nhiệm kỳ hiện tại của ông Putin kết thúc vào năm 2024. Trong cuộc họp báo tuần trước, tổng thống Nga cho biết ông vẫn chưa quyết định có tiếp tục tranh cử hay không. Trả lời về những kế hoạch tương lai sau năm 2024 tại cuộc họp báo trực tuyến hôm 18/12 vừa, Tổng thống Nga nói ông sẽ làm những điều mang lại lợi ích tốt nhất cho đất nước.