Phải thuyết phục mãi thì ông Đàm Thanh Hiền, Chủ nhiệm CLBTL người khuyết tật ở xã Quảng Châu mới chịu chia sẻ cho chúng tôi biết về công việc “vác tù và hàng tổng” của mình. Vợ ông, bà Đặng Thị Phụng (sinh năm 1973) cứ luôn miệng nói vui “chồng mình làm nghề vác tù và hàng tổng”.
Cũng phải, người vợ nào mà chẳng nóng ruột, khi thấy gần 4 năm nay chồng mình cứ lơ đãng việc nhà, siêng năng chuyện làng xóm. Hai nữa, hoàn cảnh hiện tại của gia đình ông Hiền cũng hết sức khó khăn, bản thân ông Hiền cũng là người khuyết tật hệ vận động. Nói vui vậy, nhưng thực tế thì từ trước tới nay, nếu không có sự âm thầm ủng hộ của vợ, chắc ông Hiền khó để làm những công việc cao cả như thế.
Vào năm 2011, nhận thấy toàn xã Quảng Châu có 323 người khuyết tật. Trong đó, hơn 95% số đó đều không có việc làm ổn định, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Trăn trở với băn khoăn làm thế nào để những người khuyết tật như mình có công ăn việc làm, tăng thu nhập cho gia đình?
Nhìn mình, nhìn người và xuất phát từ tình thương nơi tận đáy lòng nên ông quyết định lên ý tưởng mở mô hình “CLBTL người khuyết tật”. Sau bao ngày tự thân vận động bằng đơn thư cũng như tìm sự giúp đỡ của các cấp địa phương. Đến tháng 3/2012 được sự quan tâm của UBND xã Quảng Châu, Hội vì sự phát triển của người khuyết tật Quảng Bình (AEPD) và các cấp, các ngành, đoàn thể... , ông Hiền và một số hội viên ở các thôn khác cùng thành lập Hợp tác xã (HTX) rượu gạo men riềng Châu Tiến (Quảng Châu).
Trên cơ sở đó, 100% xã viên đều là người khuyết tật tại địa phương, đó là mô hình sơ khai và chủ chốt của “CLBTL người khuyết tật Quảng Châu”. Những ngày đầu còn nhiều gian khó, tự thân ông Hiền “nắm cơm nhà” đánh xe lên tỉnh để tham gia các khóa tập huấn về những người khuyết tật cùng vươn lên. “Gương sáng khuyết tật” không dừng ở đó, ông tích cực tìm hiểu các nguồn hỗ trợ, để chủ động làm hồ sơ kêu gọi giúp đỡ.
Ông Hiền bật mí: “Mới đây CLB có xin cấp trên được 14 con bò và 17 mô hình sản xuất, dành cho những hội viên trong toàn xã. Nhờ có bò mà bây giờ các thành viên đang gặp khó khăn trong CLB rất năng nổ và tích cực, tự lực vươn lên để phát triển kinh tế. Họ hết sức phấn khởi bởi sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên”.
Ngoài ra, ông Hiền kêu gọi một số hội viên trong hội, rồi cùng nhau đi đến từng nhà những người khuyết địa phương, tìm cách gần gũi họ rồi từ từ động viên họ tham gia các hoạt động của CLB và trở thành thành viên.
“Gương sáng khuyết tật” này phân tích: Hiện các xã viên trong CLB chủ yếu tập trung phát triển các mô hình như vườn - ao -chuồng, chăn nuôi lợn, bán tạp hóa và giúp đỡ những thành viên khó khăn. Định hướng chung của CLB là tập trung sản xuất để triển khai các mô hình cá nhân đạt hiệu quả cao. Đó cũng là ao ước bao ngày của cá nhân ông Hiền.
Điều ông Hiền trăn trở, đó chính là hiện tại tất cả các hội viên chủ chốt trong CLB đều gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế. Họ không thể cứ tiếp tục làm việc trên tinh thần tự nguyện không công và nhiệt huyết mãi được. Với lại, CLB hoạt động trên tinh thần tự lực, tự nguyện nên quỹ hội vẫn chưa có để trợ cấp cho các hội viên. Ngay như bản thân ông Hiền, gần mấy năm nay vẫn làm việc trên trên tinh thần tự nguyện, không có bất kỳ một khoản trợ cấp nào.
Mong muốn lớn nhất của ông Hiền và cũng là mong muốn chung, của “CLBTL người khuyết tật ở Quảng Châu” là tập trung mở rộng các mô hình sản xuất để tăng thu nhập cho các thành viên. Đặc biệt là phát triển các mô hình cá nhân, cho những người cùng cảnh ngộ trong toàn xã. Để làm được điều này, cá nhân ông Hiền kêu gọi sự quan tâm sâu sắc hơn nữa của UBND xã Quảng Châu, Hội vì sự phát triển của người khuyết tật Quảng Bình (AEPD) và các cấp, các ngành, đoàn thể...
Cầu mong cho những ước muốn của ông Hiền trở thành hiện thực, để mô hình sản xuất của CLBTL người khuyết tật ở xã Quảng Châu được nhân rộng. Dám nghĩ, dám làm, “tàn mà không phế” đó là phương châm làm việc của “gương sáng khuyết tật” Đàm Thanh Hiền.