Cậu học trò sáng tạo găng tay thông minh cho người khiếm thị

(PLO) - Đó là em Lê Ngô Duy Phong (học sinh lớp 12A1, Trường THPT Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế - tác giả của “găng tay thông minh dành cho người khiếm thị”. Đây cũng là sản phẩm tham gia Cuộc thi Khoa học — Kỹ thuật cấp quốc gia vào tháng 3/2016. 
Lê Ngô Duy Phong (thứ 3 từ phải sang) nhận giải tại Cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật cấp tỉnh năm
học 2015 -2016.
Lê Ngô Duy Phong (thứ 3 từ phải sang) nhận giải tại Cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2015 -2016.

Mặc dù đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng Lê Ngô Duy Phong đã đạt được nhiều thành tích trong các đề tài nghiên cứu của trường cũng như của tỉnh. Một trong những thành tích của Phong đó là chế tạo ra phần mềm báo cháy cho hệ thống internet. 

Chia sẻ về động lực sáng tạo, Phong cho biết: “Em có người cậu ruột là Ngô Viết Siêu (sống ở Đồng Tháp) bị khiếm thị trong chiến tranh. Mỗi lần gặp, nhìn cậu sinh hoạt khó khăn em rất thương cảm. Từ đó em muốn làm một cái gì đó để giúp cậu và những người cùng cảnh ngộ có một cuộc sống tốt hơn”.

Cũng từ mong muốn đó, Phong đã tìm đến Hội Người mù tỉnh để tìm hiểu và tiếp xúc với những người khiếm thị ở đây. Tại đây, Phong thấy có nhiều người sử dụng kính dành cho người khiếm thị nhưng sản phẩm mà họ sử dụng vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp và em nhận ra rằng họ cần một sản phẩm trợ giúp hiệu quả hơn trong cuộc sống.

Và sản phẩm “găng tay thông minh dành cho người khiếm thị” ra đời sau hơn một năm tìm tòi và nghiên cứu với sự trợ giúp của thầy giáo Hoàng Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài, đồng thời là thầy giáo trực tiếp hướng dẫn em trong học tập và nghiên cứu, hỗ trợ và hướng dẫn em trong các khâu sáng tạo ra sản phẩm.

Em Lê Ngô Duy Phong tâm sự: “Vì là ý tưởng của riêng cá nhân chứ không phải làm chung nhóm hay tập thể nên trong quá trình sáng tạo từng khâu em gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu mua linh kiện. Vì đây là găng tay dành cho người khiếm thị nên linh kiện phải đặt mua từ TP HCM, nhưng những linh kiện ấy lại do Ý và Trung Quốc sản xuất.

Do đó hiện một đôi găng tay có giá thành khoảng 800.000 đồng, nhưng nếu sản xuất nhiều thì giá thành sẽ giảm xuống, giúp người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn cũng có thể mua dùng”.

 

Trong quá trình nghiên cứu, Phong được sự giúp đỡ của ba mẹ cả về mặt tài chính lẫn tinh thần. Đặc biệt, vì mẹ em là thợ may nên từng đường khâu, mũi chỉ trên chiếc găng tay được mẹ khâu rất tỉ mỉ và rất đẹp. 

Được biết Phong rất đam mê nghiên cứu, ngay khi còn học trung học cơ sở em đã rất thích học môn Tin học và từng khao khát thi vào lớp chuyên Tin học của Trường Quốc học Huế. Đến khi vào học tại Trường THPT Phú Bài, em may mắn gặp được thầy giáo Hoàng Minh. Nhờ sự dìu dắt của thầy, năm học lớp 10 em đã giành giải cao tại cuộc thi cấp tỉnh và năm lớp 11 Phong đạt giải Nhất tỉnh và giải Khuyến khích cấp quốc gia môn Tin học. 

Không chỉ giỏi nghiên cứu khoa học mà Duy Phong còn là một học sinh xuất sắc với 11 năm liền đạt học sinh giỏi toàn diện. Mỗi ngày em dành từ 3 - 4 giờ làm việc với máy tính. 

Thầy Hoàng Minh cho biết: Phong là một học sinh giỏi toàn diện nhiều năm liền. Đặc biệt, em có niềm đam mê và theo đuổi đam mê rất tích cực. Với ý tưởng sản xuất găng tay cho người khiếm thị của em Lê Ngô Duy Phong, Trường THPT Phú Bài vinh dự khi học sinh của mình đã có những ý tưởng tốt như vây”. 

Duy Phong cho biết đến thời điểm hiện tại, em vẫn tập trung nghiên cứu chi tiết và tỉ mỉ để có một hệ thống vi mạch đảm bảo và hoàn hảo. Em sẽ theo đuổi đam mê của chính mình và ước mơ sẽ trở thành một lập trình viên xuất sắc, nhưng trước tiên em sẽ thể hiện hết mình cho kỳ thi sắp tới để trở thành sinh viên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Nếu công trình nghiên cứu của em được công nhận và ứng dụng sản xuất thì găng tay dành cho người khiếm thị là một sản phẩm có giá trị nhân văn cao.

Sản phẩm “găng tay thông minh cho người khiếm thị” là tổ hợp các chức năng như sử dụng máy tính và chức năng nghe gọi của điện thoại, gậy dò đường để hỗ trợ cho người khiếm thị tận dụng được tối đa các giác quan như xúc giác, khứu giác để hòa nhập cuốc sống dễ dàng hơn. Hệ thống bàn phím trên đôi găng tay đều được phát triển dựa trên bảng chữ nổi Braille.

Đọc thêm