Oprah Winfrey – Rũ bùn từ những bất hạnh để trở thành “nữ hoàng truyền thông Mỹ”

(PLVN) - Được mệnh danh là “nữ hoàng truyền thông”, trở thành phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên có tên trong danh sách các tỷ phú. Oprah Winfrey được xem là một trong những nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất thế giới. Nhưng ít ai biết được những bất hạnh và khổ đau mà bà đã phải trải qua, để rồi khi vượt qua được, bà trở thành người truyền nghị lực sống cho hàng triệu phụ nữ trên thế giới.
Oprah Winfrey – Rũ bùn từ những bất hạnh để trở thành “nữ hoàng truyền thông Mỹ”

Bước ngoặt cuộc đời

Oprah Winfrey sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại Kosciusko thuộc tiểu bang Mississippi nước Mỹ vào ngày 29/1/1954. Cha mẹ của bà lấy nhau khi chưa đến hai mươi tuổi và không có đăng ký kết hôn. Sau khi sinh Oprah, người mẹ phải đi lên phương Bắc để kiếm việc làm, vì vậy bà phải sống trong sự chăm sóc của bà ngoại. Thời đó, nhà nghèo đến nỗi bà phải mặc quần áo may từ bao tải đựng khoai tây.

Lên 6 tuổi Winfrey đến sống với mẹ ở Milwaukee, ở đây bà đã phải chịu sự ngược đãi và nhục mạ vì làn da sẫm màu và gương mặt của mình. Đau đớn hơn, năm 9 tuổi, Oprah từng bị chính những người họ hàng gần gũi mà gia đình bà luôn tin tưởng lạm dụng. Suốt 5 năm tiếp theo, Oprah Winfrey đáng thương tiếp tục bị bạn trai của người dì họ và chú ruột lạm dụng.

Từ biến cố này, cô bé trở nên ngang ngược, phá phách, luôn tìm cách phá hoại mọi thứ như để quên đi nỗi đau. Nỗi đau về thể xác và tinh thần đã giày vò khiến bà bỏ nhà đi vào năm 13 tuổi và trượt dần vào cuộc sống phóng đãng. Và thảm họa thật sự ập xuống khi Oprah lên chức mẹ năm 14 tuổi, không may đứa trẻ cũng đã qua đời ngay sau khi sinh. Không chịu đựng được sự nổi loạn của con gái, mẹ Oprah đã lập tức đưa cô bé trở về ở với cha.

Nhưng dường như tất cả những trải nghiệm đầy khổ đau đó đã tôi luyện nên một Oprah Winfrey nghị lực giúp bà thoát khỏi cảnh đói nghèo kiệt quệ và vươn tới thành công. Winfrey đã chấm dứt những tháng ngày đau thương bế tắc của mình khi đến sống cùng cha ở Nashville (Tennessee, Mỹ). Biết được nỗi đau mà con gái phải trải qua, người cha đã đặt việc học của Oprah lên hàng đầu, bà cũng phải chịu sự giáo huấn khắt khe của ông trong thời gian dài.

Đây chính là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Oprah Winfrey. Chính từ thời điểm này, trí thông minh của bà có cơ hội được phát huy nhiều hơn, biến Oprah từ một cô bé ngang tàng, phá phách dần trở thành một học sinh, sinh viên xuất sắc.

Theo đó, nhờ sự khuyến khích của cha, Winfrey trở thành học sinh ưu tú của Nashville High School với thành tích học tập đáng nể. Bà được nhà trường vinh danh và được bạn bè bầu chọn là cô gái nổi tiếng nhất. Bà tham gia nhóm diễn thuyết của nhà trường và giành giải nhì trong cuộc thi quốc gia. Thời điểm này, Oprah đã hội tụ đủ phẩm chất để trở thành một diễn giả kiệt xuất, và bà không khó để giành học bổng của Đại học Tennessee.

Kể từ khi đặt chân vào đại học, Oprah bắt đầu trở thành người nổi tiếng như được biết đến ngày hôm nay. Năm thứ nhất Đại học Tennessee, khi chỉ mới 17 tuổi, Oprah trở thành Hoa hậu da màu của trường Nasville, đồng thời là Hoa khôi Da màu của bang Tennessee.

 

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1976 với bằng cử nhân truyền thông, Oprah đã bước tiếp cuộc sống của mình bằng cách trở thành phóng viên truyền hình ở nước ngoài. Sự nghiệp của Oprah bắt đầu thăng hoa khi bà nhận lời tới Chicago (Mỹ) để đảm nhận talkshow Oprah Winfrey Show mà tiền thân là chương trình AM Chicago đang rất tẻ nhạt vào năm 1986.

Với tài năng thiên bẩm cùng sự sáng tạo không mệt mỏi, Oprah Winfrey đã nhanh chóng “thổi hồn” cho Oprah Winfrey Show trở thành một talkshow hấp dẫn nhất nước Mỹ và dần khẳng định vị trí số 1 của mình trong ngành truyền thông quốc tế. Oprah Winfrey được coi là biểu tượng truyền thông của Mỹ trong hơn 30 năm tiếp theo.

Thành công nhờ nỗ lực

Bà Oprah đã làm nên lịch sử khi trở thành tỷ phú da đen đầu tiên trên thế giới ở tuổi 40, trở thành người phụ nữ đầu tiên sở hữu và sản xuất talkshow của riêng mình. Chương trình đã phát sóng suốt 25 năm, tại 145 quốc gia trên thế giới với hơn 40 triệu khán giả mỗi tuần, talk show này ban ngày có lượng xem cao nhất nước Mỹ. Suốt 16 năm đầu tiên, talkshow không có đối thủ về tỷ suất người xem.

 

Không chỉ dẫn chương trình, Oprah còn tham gia đóng và sản xuất phim, viết sách và luôn tích cực làm từ thiện khắp mọi nơi. Năm 2004, Oprah và đoàn làm phim đến Nam Phi làm phóng sự về hoàn cảnh của trẻ em đang sống trong nghèo đói và sống chung với AIDS. Trong chuyến đi kéo dài 21 ngày, Oprah và đoàn làm phim đến thăm các trường học và trại mồ côi trong các khu dân cư nghèo và những nơi khác trong vùng, phân phát quà Giáng sinh cho 50.000 trẻ em, búp bê cho bé gái và bóng đá cho bé trai.

Mỗi em đều được tặng một ba lô chứa đầy dụng cụ học tập cũng như hai bộ đồng phục đến trường, hai đôi vớ, hai bộ đồ lót và một đôi giày. Qua chương trình truyền hình của mình, Oprah kêu gọi khán giả đóng góp cho Mạng lưới Thiên thần của Oprah dành cho trẻ em châu Phi bị nhiễm AIDS và đang sống trong nghèo khó với lời hứa sẽ đích thân kiểm tra việc sử dụng số tiền quyên góp. Chỉ trong lần kêu gọi ấy, khán giả trên khắp thế giới đã gởi về 7 triệu USD. Đến nay, Mạng lưới Thiên thần của Oprah đã quyên góp hơn 27 triệu USD.

Dù làm ở bất cứ lĩnh vực nào Oprah Winfrey đều giành được những thành công nhất định, những thành công đó đều nhờ vào những nỗ lực và ý chí quyết tâm không ngừng nghỉ của bà. “Giải thưởng nhân đạo Bob hope” chính là sự ghi nhận rõ nét với những cống hiến cho điện ảnh và truyền hình của bà tại lễ trao giải Emmy 2002.

 

Năm 2003, Oprah Winfrey đi vào lịch sử khi trở thành tỷ phú da màu đầu tiên của nước Mỹ với khối tài sản 1 tỷ USD. Đây là thành quả từ việc chương trình của bà luôn dẫn đầu về lượng người xem trong gần hai thập kỷ và giành vô số giải thưởng, thêm vào đó là hàng loạt dự án thành công như thành lập Công ty truyền thông Harpo Productions (1988), mở CLB sách Oprah’s Book Club (1996), ra mắt tạp chí Oprah Magazine và kênh dành cho phụ nữ Oxygen Network (2000).

Chưa hết, vươn lên từ nghèo khó, Oprah Winfrey thành lập 2 tổ chức từ thiện Oprah's Angel Network và A Better Chance để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Bà đã quyên tặng ít nhất 10% thu nhập khổng lồ của mình cho những việc chính đáng. Năm 2007, bà chi 40 triệu USD để mở trường The Oprah Winfrey Leadership Academy for Girls tại Henley-on-Klip, Nam Phi. Ngôi trường này đã tiếp nhận 152 cô gái có hoàn cảnh thiếu thốn.

 

Ở đỉnh cao thành công, song Oprah luôn tâm niệm sẽ đem thành công đó chia sẻ với những người nghèo khó. Bà tìm đến quỹ Nelson Mandela và Christmas Kindness’, chuyên dành cho các em nhỏ bị thiệt thòi. Bà nói rằng, giúp đỡ những đứa trẻ bất hạnh đó giúp bà vơi đi nỗi đau thời thơ ấu. Bà Oprah cũng quyên góp cho nhiều tổ chức từ thiện khác như Moorehouse College, Thư viện Harold Washington, Quỹ United Negro College, Quỹ đại học bang Tennessee cùng nhiều quỹ khác. Đây cũng đánh dấu bước khởi đầu trong các hoạt động từ thiện sau này của Oprah.

 Có thể nói, Oprah Winfrey đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận và làm tấm gương với tất cả những ai từng một lần xem chương trình hay đọc qua về cuộc đời bà. Người phụ nữ này không chỉ tượng trưng cho quyền lực của nữ giới ngành giải trí Mỹ và còn là biểu tượng của sự vươn lên không ngừng nghỉ và nỗ lực phi thường.

Đọc thêm