Phải nói được tiếng Việt mới được làm việc ở Việt Nam?

(PLO) - Ngày 31/12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành. Từ đó, bên cạnh nỗi lo lắng lao động trong nước sẽ bị cạnh tranh mạnh do không đáp ứng được các yêu cầu về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tác phong làm việc… thì một nỗi lo nữa cũng quan trọng không kém, đó là xu hướng lao động có chất lượng cao của Việt Nam dịch chuyển ra nước ngoài do mức lương khá thấp của người Việt, chỉ đứng vị trí thứ 8 trong ASEAN.
Mặc dù nhân viên du lịch là một trong nhóm 8 ngành nghề sẽ tạo ra ngay sự dịch chuyển giữa các quốc gia ASEAN, tuy nhiên khảo sát cho thấy sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu. Ảnh minh họa
Mặc dù nhân viên du lịch là một trong nhóm 8 ngành nghề sẽ tạo ra ngay sự dịch chuyển giữa các quốc gia ASEAN, tuy nhiên khảo sát cho thấy sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu. Ảnh minh họa
Chất lượng và năng suất lao động của Việt Nam “đội sổ” khu vực

Theo thỏa thuận của Cộng đồng AEC, ít nhất trong 8 nhóm lĩnh vực nghề nghiệp hiện nay sẽ tạo ra ngay sự dịch chuyển giữa các quốc gia là: bác sỹ, nha sỹ, hộ lý, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên và nhân viên du lịch. 

Điều này đồng nghĩa với việc lao động Việt hoàn toàn có cơ hội lớn hơn để tìm kiếm các công việc tại Cộng đồng AEC và ngược lại, lao động các nước trong ASEAN cũng có không ít các cơ hội việc làm tại Việt Nam. 

Thông tin tại hội thảo “Hội nhập ASEAN trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp – cơ hội và thách thức” do Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức tháng 1/2016 tại Hà Nội cho biết khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025.

Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá có thể thấy lao động Việt Nam sẽ không có nhiều cơ hội tìm kiếm các công việc tại Cộng đồng AEC, khi về chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Kết quả khảo sát từ các chủ sử dụng lao động tại 10 quốc gia ASEAN do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện cho thấy, cơ cấu nhân lực lao động Việt Nam còn nhiều bất cập và ngày càng gia tăng. 

Tính đến quý II/2015, cơ cấu trình độ của nhân lực lao động Việt Nam là: 1 đại học trở lên – 0,35 cao đẳng – 0,65 trung cấp – 0,4 sơ cấp. Trong khi đó, theo quy luật, những người lao động trực tiếp (trung cấp, sơ cấp) phải lớn hơn rất nhiều so với lao động gián tiếp (đại học). 

Một nghiên cứu khác của ILO công bố năm 2013 cũng cho thấy năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á – Thái Bình Dương (những nơi có thể thu thập số liệu), thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần.

Ngay cả so với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, đó vẫn là một khoảng cách lớn. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. 

Nhân viên du lịch là một trong nhóm 8 ngành nghề sẽ tạo ra ngay sự dịch chuyển giữa các quốc gia ASEAN, tuy nhiên theo một cuộc khảo sát nhu cầu về kỹ năng với hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở khu vực miền Trung Việt Nam, tất cả chủ lao động đều cho rằng sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu. 

TS. Vũ Xuân Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề - Tổng cục Dạy nghề thừa nhận, tuy có số lượng lao động đông thứ 3 trong AEC, nhưng lao động Việt Nam còn rất nhiều hạn chế. Và với nhưng con số và lo ngại thì không ngoa khi nói rằng chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động của Việt Nam đang “đội sổ” khu vực.

“Tôi tin lao động ra nhiều hơn vì mức lương của Việt Nam chỉ đứng mức thấp”

Một nỗi lo nữa cũng quan trọng không kém đó là xu hướng lao động có chất lượng cao của Việt Nam dịch chuyển ra nước ngoài do mức lương khá thấp của người Việt, chỉ đứng vị trí thứ 8 trong ASEAN. 

Tại cuộc họp báo mới đây của Bộ LĐ-TB&XH, bà Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết ngay cả khi Cộng đồng AEC chưa được hình thành thì đã có tình trạng người lao động chuyển dịch trong khối ASEAN, đặc biệt là lao động có kỹ năng, trình độ, chất lượng cao. Cũng theo bà Minh Đức, khi Cộng đồng AEC hình thành thì sức ép về lương diễn ra với lao động có kỹ năng nhiều hơn là với lao động có trình độ thấp. 

“Người lao động trình độ thấp bị chèn ép sẽ nhiều hơn do chất lượng nguồn nhân lực của ta yếu thế. Còn lao động vào nhiều hay ra nhiều, tôi tin lao động ra nhiều hơn vì mức lương của Việt Nam chỉ đứng mức thấp, ở hàng thứ 8 so với ASEAN” – bà Minh Đức nhận định.

Nhận định của bà Hà Thị Minh Đức là hoàn toàn có cơ sở bởi thu nhập của người lao động Việt Nam đang thua xa các nước trong khu vực. Tổng cục Thống kê công bố thu nhập bình quân của người lao động (tương đương năng suất lao động) Việt Nam năm 2015 là 79,3 triệu đồng/người, tương đương 3.657 USD.

Mặc dù năng suất lao động đã tăng khoảng 6,4% so với năm 2014 và khoảng cách so với các nước đã ngày càng thu hẹp, song vẫn ở mức thấp hơn rất nhiều…

Được biết, Cộng đồng AEC mặc dù cho phép 8 nghề được tự do dịch chuyển trong ASEAN song mỗi nước đều quy định về khung trình độ tham chiếu, đưa ra những yêu cầu kỹ thuật riêng nên không phải lao động muốn dịch chuyển là có thể dịch chuyển được. Bên cạnh đó, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh và tiếng nước sở tại (nước mà lao động muốn làm việc) thì sẽ được di chuyển tự do hơn. 

Tại hội thảo “Hội nhập ASEAN trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp – cơ hội và thách thức”, ông Thái Phúc Thành - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, Chính phủ cần phải có chính sách bảo hộ lao động trong nước thông qua hàng rào ngôn ngữ.

“Chính phủ bảo hộ lao động trong nước bằng cách đưa ra các rào cản kỹ thuật. Theo tôi, nên đề ra quy định người nước ngoài làm việc ở Việt Nam phải nói được tiếng Việt” - ông Thành kiến nghị.

Đọc thêm