Phải xét nguyện vọng của trẻ từ đủ 6 tuổi trở lên khi cử giám hộ

(PLVN) - Trong pháp luật dân sự, chế định giám hộ là một trong những chế định nhân văn thể hiện mối tương quan giữa gia đình – xã hội – Nhà nước về trách nhiệm trợ giúp cho những người yếu thế trong xã hội. Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã tiếp thu những quy định tiến bộ về giám hộ của các BLDS trước đó nhưng qua hơn 2 năm thi hành cũng đã phát sinh một số vướng mắc.
Giám hộ là một chế định nhân văn của pháp luật dân sự . (Ảnh minh họa)

Tôn trọng ý chí của người được giám hộ

Thực tế cuộc sống cho thấy có nhiều hoàn cảnh khó khăn rất cần phải được sự giúp đỡ từ những người thân trong gia đình đến xã hội, Nhà nước. Chẳng hạn như trường hợp anh L (Tây Ninh) có 2 đứa cháu là con của vợ chồng em gái anh.

Cách đây một thời gian, vợ chồng em gái anh không may bị tai nạn giao thông, người chồng thì đã qua đời, còn em gái anh thì sống thực vật. Hiện 2 cháu anh (một đứa 12 tuổi và một đứa 7 tuổi) đang ở với ông bà ngoại và anh cho rằng mình có điều kiện chăm lo được cho các cháu thì có thể làm giám hộ cho 2 cháu được không?

Nếu như với BLDS trước đây thì ông bà ngoại của 2 cháu bé sẽ là một trong số những người giám hộ đương nhiên của các cháu. Tuy nhiên, do ông bà tuổi đã cao sức yếu nên việc chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn sẽ gặp rất nhiều vất vả.

Vì vậy, để chế độ giám hộ cho người chưa thành niên (và cả người đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi) được linh hoạt, khả thi hơn và để thực hiện, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích của người được giám hộ, trên cơ sở kế thừa quy định của BLDS năm 2005, đạo đức, truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam và những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật về giám hộ, BLDS năm 2015 đã bổ sung hoặc quy định cụ thể hơn nhiều nội dung về giám hộ.

Nổi bật là tôn trọng ý chí của người được giám hộ trong việc cử, chỉ định người giám hộ. Theo đó, BLDS 2015 quy định: Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý (khoản 2 Điều 48).

Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu (khoản 2 Điều 46). Trường hợp cử, chỉ định người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người này (khoản 1 Điều 54).

Còn chế độ giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phù hợp với năng lực hành vi của họ và nhu cầu cần được giám hộ theo hướng: Tòa án đã ra quyết định tuyên bố một người là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì cũng chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ cho người này.

Trường hợp không có người giám hộ theo diện được người được giám hộ lựa chọn khi còn có đầy đủ năng lực hành vi thì Tòa án chỉ định trong số những người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự, nếu không có người giám hộ theo quy định trên, Tòa án chỉ định người giám hộ hoặc đề nghị một pháp nhân thực hiện việc giám hộ.

Phát sinh thủ tục hành chính rườm rà

BLDS 2015 cũng quy định người thân thích của người được giám hộ có quyền thỏa thuận về việc chọn cá nhân, pháp nhân khác không phải là người thân thích của người được giám hộ làm người giám sát việc giám hộ.

Việc giám hộ, giám sát việc quản lý tài sản phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch (kể cả giám hộ đương nhiên). Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ. Trường hợp có tranh chấp về giám hộ thì được giải quyết theo thủ tục tố tụng tại Tòa án.

Tuy nhiên, ông Dương Tấn Thanh (TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) chỉ ra một số vướng mắc trong quy định về giám hộ của BLDS 2015. Cụ thể, chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục Tòa án chỉ định người giám hộ khi có tranh chấp giữa những người giám hộ quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này về người giám hộ hoặc khi có tranh chấp về việc cử người giám hộ.

Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể Tòa án nơi người được giám hộ đăng ký thường trú hay Tòa án nơi người được giám hộ đang sinh sống có thẩm quyền chỉ định người giám hộ nếu như người được giám hộ đăng ký thường trú một nơi nhưng sinh sống một nơi.

Bên cạnh đó, khi Tòa án chỉ định người giám hộ thì người có tranh chấp về người giám hộ hoặc UBND cấp xã có tranh chấp về cử người giám hộ có phải chịu chi phí gì không, nếu có thì chi phí này tính như thế nào?

Bình luận quy định giám hộ, giám sát việc quản lý tài sản phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch (kể cả giám hộ đương nhiên) từ khi mới chỉ là dự thảo, PGS.TS Bùi Đăng Hiếu (Trường Đại học Luật Hà Nội) thẳng thắn cho rằng như thế làm cho việc giám hộ phải qua những thủ tục hành chính rườm rà mà những người yếu thế khó có thể thực hiện được. Việc xác lập giám hộ trở nên khó khăn hơn, từ đó càng làm cho những người mắc bệnh tâm thần, người chưa thành niên khó có cơ hội được hưởng cơ chế giám hộ.

Đọc thêm