“Chuồng cu” 3 m2
Trên đường Nguyễn Duy Phương, hỏi bà Huỳnh Nga (48 tuổi, ngụ phường 9, quận 5), ai cũng biết, không chỉ vì cuộc đời thiếu phụ này bất hạnh, mà còn vì căn nhà “tí hon” thuộc loại bé nhất Sài Gòn.
Tạm gọi nơi gia đình bà đang ở mấy chục năm qua là nhà, bởi lẽ nó quá nhỏ, như một hộp diêm nằm nép mình trên đường Nguyễn Duy Dương.
Bà bảo, đất người ta cho, dựng cái chòi sống từ đời cha mẹ cho tới đời con cháu. Bà lượm cây về chống, mua xi măng về đắp lên, đường dây điện tự nối, cầu thang cũng lượm được ngoài bãi rác. Sơn thì mỗi năm phết một ít thành ra loang lổ, mấy năm trời rồi cũng nên hình hài cái nhà, dù có chỗ cong vòng lồi lõm.
Không ít lần nhiều người đi ngang qua đây, thấy căn nhà, phải tò mò dừng chân lại ngó nghiêng thắc mắc “đây mà gọi là nhà à, nhỏ thế này thì làm sao ở”. Thế mà căn nhà chống chọi từ đời ba mẹ, rồi làm tài sản duy nhất để lại cho chị em bà.
Bà đưa tay chỉ: “Không có chỗ nằm thì đóng bít lại kê lên, tối nằm đây thọc hai cái giò vô. May sao nó cũng vừa vặn, nhưng cũng chỉ nằm được một chỗ chứ cựa quậy là đụng phải đồ đạc với tường”. Người dân xung quanh đặt cho nó cái tên “chuồng cu”, quen miệng gọi đến bây giờ.
Nhà bà nhỏ, nhưng gọn gàng bởi rất ít đồ đạc. Có thêm một gác nhỏ phía trên dành để thờ cúng. Có điều nhưng tấm ván ghép lại chỗ kín chỗ hở, chỉ trận mưa lớn là nơi thờ cúng đã ướt nhẹp.
Góc tường, có một kệ thuốc nhỏ, thứ bà quý nhất: “Đi nhặt rác, thấy cái tủ còn dùng được, tôi đem về quét tí sơn thế là thành mới. Lúc nào trong tủ cũng phải có thuốc nhức đầu, thuốc khử trùng, và quan trọng nhất là thuốc bôi mỗi khi bị đứt tay”.
Sát bên nhà bà là cái “chuồng cu” thứ 2, nơi con dâu và hai đứa cháu ở. Ngày nào cũng vậy, mẹ chúng đi làm từ sáng sớm, bà Nga cũng đi làm. Chúng tự ở nhà, quanh quẩn chơi với nhau trên căn gác đã khoá trái. Chỉ khi nào có người lớn về mở cửa, hai đứa trẻ mới được ra ngoài nhìn ánh sáng mặt trời rồi chạy nhảy vui đùa.
Chúng có ước mơ thật giản dị,nhỏ nhoi nhưng nghe mà thương xót: “Chờ ba đi tù về, giúp mẹ và bà nội đỡ khổ thì em Đạt sẽ được đi học…”.
|
Ngôi nhà 3m2 |
Vụ tai nạn ám ảnh
Bà kể từ lúc sinh ra, thứ mà bà làm quen đầu tiên là rác, bởi mẹ bà kiếm sống bằng nghề nhặt rác. Cả gia đình, sáng mở mắt đã thấy rác, rồi trải bạt nằm ngủ trên rác.
Năm cô bé 10 tuổi, người cha đi làm mộc xa nhà, bị sốt rét rồi mất. Mấy năm sau, người mẹ cũng đổ bệnh rồi qua đời trong căn lều lụp xụp, bỏ lại hai đứa con nhỏ bơ vơ.
Hai chị em bà Nga không còn người thân nào khác phải bám víu vào nhau mà sống. Năm 19 tuổi, bà Nga lập gia đình rồi sinh được 2 người con. Người chồng không chịu được cảnh khổ cực nên dứt áo ra đi.
Hạnh phúc nhỏ nhoi tìm đến với bà lần thứ 2 nhưng vừa loé lên đã đóng sập ngay trước mắt. Người phụ nữ kết duyên với một người đàn ông thu gom giấy vụn. Bà Nga mang bầu đến tháng thứ 8 vẫn phải vác cái bụng to vượt mặt đi nhặt rác. Một tai nạn thương tâm xảy ra khiến đến tận bây giờ tim bà vẫn đau nhói.
“Năm đó là gần vào dịp tết Nguyên Đán, sắp đến tháng sinh nhưng tôi vẫn phải đi nhặt rác.Lần đó, người ta kêu tôi khênh bỏ cái ghế đá cũ vào thùng rác chở đi rồi sẽ cho thêm ít tiền. Thấy tiền là ham nên tôi cố gắng hết sức để nhấc ghế đá bỏ lên.
Ai ngờ, nặng quá nó đè lên người, trúng cái bụng bầu làm thai tuột ra. Cả xóm hớt hãi, hùn tiền lại đưa tôi đến bệnh viện mới giữ được mạng sống, nhưng đứa con thì…”, bà Nga bỏ lửng câu nói, sụt sùi.
Đau buồn, người phụ nữ thẫn thờ không nói khồng rằng chỉ biết ứa nước mắt. Bà như hoá điên dại mỗi khi nhớ đến cảnh tượng ấy. Dù đau thương đến mấy, nhưng cái đói cứ luẩn quẩn khiến bà phải gắng vực dậy, quay trở lại với công việc nhặt rác.
Đời tưởng thế là đủ khổ, ngờ đâu bà tiếp tục phải gống gánh thêm nỗi đau, trách nhiệm. Hơn 8 năm trước, em trai bà dính vào ma tuý rồi bị nhiễm HIV. Nuốt nước mắt vào lòng, bà lên công an phường trình báo, rồi xin đưa em đi cai nghiện.
Đúng lúc đó, người em dâu trở dạ sinh đôi một trai một gái. Người phụ nữ lại thêm gánh nặng thay em trai nuôi gia đình. Một mình, bà xoay sở với hai đứa cháu cứ khóc thét lên vì khát sữa.
Không trách móc số phận
Những chuỗi ngày sau đó, bà ra vào trại cai nghiện thăm em trai, khóc lóc, rồi nhẹ nhàng khuyên nhủ em tu chí để trở lại làm người tốt. Sau 3 năm, người em trở về và đã tỉnh ngộ, làm lụng nuôi vợ con đỡ đần gánh nặng thay chị.
Chưa yên được bao lâu, đợt Tết vừa rồi, người con trai đầu của bà Nga lại vướng vào vòng lao lý. Bà Nga lại tiếp tục thay con trai gồng gánh gia đình. Người con dâu xin làm rửa chén bát cho quán ăn, tháng cũng chỉ kiếm đủ lo tiền ăn uống cho hai đứa con, còn tiền chi phí học hành phải do bà Nga xoay sở.
Ngày nào cũng vậy, bà bắt đầu công việc từ sáng sớm mãi tới 12h khuya mới trở về nhà. Cơ thể mỏi rã rời, thế mà bà vẫn tiếp tục đem bộ bàn ghế nhựa ra vỉa hè bán cà phê.
Mỗi đêm bà bán được vài ly, nhiều nhất thì cũng gần hai chục ly. Bà bảo tiền lời chỉ được dăm ba chục ngàn, nhưng một ngày như vậy góp lại cả tháng cũng đủ trả tiền điện, nước. Hơn nữa, bà không ngủ được nên phải kiếm việc làm cho khuây khoả.
Trong suốt câu chuyện, bà rất hay cười và còn bảo mình còn sướng hơn nhiều người. “Thay vì đau khổ, khóc lóc, trách móc số phận thì mình phải cố gắng vượt qua. Biết đâu một ngày mình cũng được sướng như người ta.”, người phụ nữ nở nụ cười nhưng vẫn không giấu được ánh mắt buồn vời vợi./.