Lần thứ nhất là cuộc họp báo của người này sau khi bị quân đội sa thải ngày 22/1/2020. Lần thứ hai là việc người ta phát hiện thấy cô gái chết trong căn hộ của mình hồi tháng 3 năm nay. Bây giờ, chính trường và xã hội Hàn Quốc lại sôi động thêm lần nữa sau khi tòa án ở Hàn Quốc phán xử quân đội đã sai với việc sa thải nữ quân nhân này chỉ vì chuyển giới từ nam thành nữ. Câu hỏi được nhiều người đặt ra nhưng không ai trả lời được là nếu không bị quân đội sa thải thì phải chăng người này đã không chết.
Byun Hee-soo gia nhập quân đội vì không có mong muốn gì hơn ngoài được phục vụ quân đội. Khi gia nhập quân đội, người này tự khai là nam giới. Nhưng rồi Byun Hee-soo sang Thái Lan để chuyển giới thành nữ. Phía quân đội Hàn Quốc không công nhận Byun Hee-soo là phụ nữ và cho rằng một người đàn ông không còn lành lặn về thể xác thì không thể đứng trong quân ngũ bất kể thực tế là trong quân đội Hàn Quốc có phụ nữ và tòa án ở Hàn Quốc công nhận Byun Hee-soo là phụ nữ.
Hàn Quốc là đất nước hiện đại và phát triển trên nhiều phương diện nhưng lại vẫn còn khá bảo thủ, nếu như không muốn nói là rất bảo thủ về bình đẳng giới, đặc biệt đối với những người chuyển giới hoặc đa giới tính. Sau khi Byun Hee-soo mất, gia đình khởi kiện quân đội và nhiều tổ chức nhân quyền ở trong cũng như bên ngoài Hàn Quốc ủng hộ vụ kiện này.
Bây giờ, tòa án ở Hàn Quốc phán xử cho rằng phía quân đội đã sai khi sa thải Byun Hee-soo mà bản chất cái sai ở đây là không chịu chấp nhận con người thật sự của Byun Hee-soo trước là nam và sau là nữ, không tôn trọng quyền chính đáng và hợp pháp của từng cá nhân trong xã hội được tự lựa chọn và quyết định mình là ai và thuộc giới tính nào.
Đối với Byun Hee-soo, phán xử này đến quá muộn màng. Công lý muộn màng thường đâu có thay đổi được cái kết cục bi thảm của cuộc đời của con người này. Nhưng phán quyết ấy làm thay đổi nhận thức của phía chính trị và quân sự về đảm bảo bình đẳng giới thật sự.
Đó là chiến thắng của những người đấu tranh cho bình đẳng giới ở Hàn Quốc, đặc biệt đối với những người chuyển giới và đa giới tính. Nó sẽ làm cho cả đất nước Hàn Quốc bớt bảo thủ hơn trên phương diện này, thậm chí còn có thể nói là mở ra một thời kỳ mới. Đất nước này lại thêm một lần nữa sôi động vì chuyện cũ chính vì thế.
Thật ra, mấu chốt trong chuyện này là phía quân đội thành kiến nặng nề với người chuyển giới và trong quân đội không có quy định rõ ràng và cụ thể về việc chấp nhận hay không chấp nhận người chuyển giới hoặc đa giới tính. Sự mập mờ hay bất cập này được phía quân sự tận dụng để lợi dung theo hướng truyền thống bảo thủ lâu nay. Vì vậy mà Byun Hee-soo vẫn bị quân đội sa thải sau khi được toà án xác nhận và công nhận là phụ nữ.
Nếu như không có vụ kiện tụng này và phán quyết như trên của tòa án thì ở Hàn Quốc đâu vẫn đấy đối với quyền của người chuyển giới hoặc đa giới tính trong quân đội. Phán xử này quá muộn mằn đối với cá nhân Byun Hee-soo nhưng chắc chắn không như thế đối với những người có cùng khát vọng ở trong cùng tình cảnh như Byun Hee-soo.