Ngày thứ hai xét xử đại án Phạm Công Danh: VKS công bố cáo trạng

(PLO) - Ngày 9/1, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tiếp tục ngày làm việc thứ hai. Trong ngày làm việc này,  đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh đã dành cả ngày để công bố cáo trạng truy tố các bị cáo.
Dẫn giải bị cáo Trầm Bê
Dẫn giải bị cáo Trầm Bê

Trong khi một số cán bộ tại TPBank được xác định đồng phạm với Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB 1,7 ngàn tỷ đồng; nhóm cán bộ của SacomBank cũng được xác định đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB 1,8 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên với nhóm cán bộ của BIDV cho các công ty của Phạm Công Danh vay số tiền lên tới 4,7 ngàn tỷ đồng và được xác định khiến VNCB thiệt hại lên tới hơn 2,5 ngàn tỷ đồng lại chỉ bị kiến nghị xử lý hành chính.

Theo lời khai của Phạm Công Danh, do có mối quan hệ từ trước nên khoảng tháng 9/2013, khi cần vốn (mục đích là nhằm tăng vốn điều lệ cho VNCB từ 3 ngàn tỷ lên 7,5 ngàn tỷ) nên bị cáo đã lấy pháp nhân 12 công ty do mình lập ra rồi làm hồ sơ vay vốn của BIDV số tiền 4,7 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên vì nhiều lý do nên khi lập hồ sơ vay vốn, Phạm Công Danh chỉ đạo không nói rõ mục đích vay để tăng vốn điều lệ cho VNCB, mà để kinh doanh vật liệu xây dựng theo mô hình liên kết 4 nhà (mô hình này là có thật, được Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo có 8 ngân hàng tham gia, trong đó có cả BIDV và VNCB… nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đang gặp vô vàn khó khăn lúc bấy giờ).

Theo đó, Phạm Công Danh đích thân ra hội sở chính của BIDV tại Hà Nội để gặp ông Đoàn Ánh Sáng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Khách hàng doanh nghiệp, ông Trần Lục Lang - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rủi ro. Sau khi thống nhất với rất nhiều hồ sơ thủ tục, cuối cùng đã được ban lãnh đạo của BIDV, mà đứng đầu là ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT - Trưởng phân ban Quản lý rủi ro của BIDV lúc bấy giờ phê chuẩn chủ trương để các chi nhánh tại TP HCM cho các công ty do Phạm Công Danh chỉ định vay 4,7 ngàn tỷ đồng với tài sản bảo đảm là nhiều lô đất ở sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) hơn 3 ngàn tỷ đồng VNCB gửi tại BIDV…

Mặc dù hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ theo quy định, nhưng không biết vì lý do gì mà phía BIDV đã nhanh chóng giải ngân 4,7 ngàn tỷ đồng cho 12 công ty được phía BIDV lập luận đó là khách hàng của VNCB giới thiệu, chứ không phải các công ty do Phạm Công Danh lập ra.

Sau khi được BIDV giải ngân số tiền khổng lồ đó, Phạm Công Danh đã chỉ đạo những công ty chuyển vào tài khoản VNCB tại Agribank chi nhánh Tân Phú để tăng vốn điều lệ của VNCB từ 3 ngàn lên 7,5 ngàn tỷ đồng. 200 tỷ còn lại, Phạm Công Danh dùng vào một số mục đích khác.

Kết quả sau đó là là phía VNCB đã phải đưa số tiền gửi của mình tại BIDV để trả nợ cho 12 công ty, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2,55 ngàn tỷ đồng.

Về phần sai phạm của BIDV, cơ quan điều tra đánh giá: BIDV không tiến hành kiểm tra, thẩm định đối với khách hàng, không kiểm tra, thẩm định đối với 4 công ty cung cấp vật liệu xây dựng đầu vào cho 12 công ty vay vốn; BIDV không yêu cầu khách hàng cung cấp báo cáo tài chính, chỉ kiểm tra, thẩm định, đánh giá tính khả thi và hiệu quả của phương án kinh doanh trên bộ hồ sơ lập khống. Do vậy, sau khi BIDV chuyển tiền vào 4 công ty này (đều do Phạm Công Danh lập ra) để Phạm Công Danh sử dụng vào mục đích cá nhân (phần lớn dùng cho mục đích tăng vốn điều lệ của VNCB dưới hình thức các cá nhân là người nhà, người thân tín của Phạm Công Danh đứng cổ phần góp vốn), mà không dùng vào kinh doanh vật liệu xây dựng như trong hồ sơ vay vốn.

Thế nhưng cuối cùng nhóm cán bộ của BIDV, đứng đầu là ông Trần Bắc Hà- nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV chỉ bị kiến nghị kiểm điểm, xử lý hành chính. Vụ án hiện đang bước vào ngày xét xử thứ 3 và hứa hẹn trong những ngày tới sẽ có nhiều tình tiết hấp dẫn, bùng nổ trong vụ “đại án” này, bởi những câu hỏi lớn đang chờ những mắt xích quan trọng mở nút thắt trả lời. 

Đọc thêm