VN Pharma nhập thuốc “không sử dụng cho người”: Ai phải chịu trách nhiệm?

(PLVN) - Tại phiên phúc thẩm, HĐXX đã yêu cầu hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại nghị làm rõ trách nhiệm của Cục quản lý Dược (bộ Y tế) khi để “lọt” lô thuốc “không dùng để chữa bệnh cho người”. Đồng thời, tòa phúc thẩm lần 1 cũng đề nghị làm rõ số tiền 7,5 tỷ đồng mà 2 bị cáo đầu vụ khai là tiền chi hoa hồng cho bác sĩ để bán thuốc. Bên cạnh đó, tòa cũng yêu cầu làm rõ số tiền 157 tỷ đồng là tiền các bị cáo nâng khống giá thuốc hiện đang ở đâu, chi cho ai, bởi đây là vật chứng của vụ án.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm lần 1 hồi tháng 10/2017
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm lần 1 hồi tháng 10/2017

Vụ buôn lậu thuốc trị ung thư “không sử dụng cho người”

Cáo trạng truy tố Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty Cổ phần VN Pharma); Võ Mạnh Cường (Giám đốc công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C); Nguyễn Trí Nhật, Ngô Anh Quốc (nguyên Phó Giám đốc VN Pharma); Phan Cẩm Loan (nguyên Phó trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma), Lê Thị Vũ Phương (sinh năm 1982, nguyên Kế toán Trưởng Công ty VN Pharma); Bùi Ngọc Duy (nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển Công ty VN Pharma), Phạm Văn Thông (là dược sĩ, trú tại Phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM); Phạm Anh Kiệt (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn - Sapharco) cùng tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, theo khoản 4 Điều 157 Bộ luật Hình sự 1999 có khung hình phạt lên đến tử hình.

Liên quan đến vụ án, cáo trạng còn xác định 3 bị cáo khác gồm Phan Xuân Thiện (Phó Tổng Giám đốc VN Pharma), Hoàng Trúc Vy (nhân viên phòng Nghiên cứu phát triển công ty VN Pharma) và Phạm Quỳnh Trang (nguyên nhân viên Công ty TNHH thương mại hàng hải Quốc tế H&C) có vai trò đồng phạm, giúp sức. Đây là nhóm 3 bị cáo bị khởi tố, điều tra và truy tố sau khi cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an điều tra bổ sung vụ án nhập thuốc ung thư giả xảy ra tại công ty VN Pharma.

Kết quả điều tra xác định, từ năm 2013 đến 19/9/2014, Hùng thông qua Cường làm giả giấy tờ, con dấu để được bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thuốc và buôn lậu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Do không có hồ sơ kỹ thuật thuốc để nộp cho cục Quản lý dược thẩm định, nên Hùng chỉ đạo 2 nhân viên viết hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita 500mg để hợp thức hồ sơ nộp cho cục Quản lý dược cấp giấy phép nhập khẩu và đăng ký lưu hành thuốc.

Sau khi trình cục Quản lý dược và được thông qua, tháng 4/2014, công ty VN Pharma đã mở tờ khai hải quan nhập khẩu hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita 500mg về Việt Nam. Sau khi số thuốc trên được nhập về, cục Quản lý dược nghi ngờ nên tiến hành niêm phong số thuốc, yêu cầu Hùng, Cường giải trình.

Ngày 8/8/2014, cục Quản lý dược có văn bản gửi các cơ quan điều tra để làm rõ nguồn gốc số thuốc trên. Cơ quan điều tra xác định, Hùng và Cường đặt mua thuốc H-Capita 500mg của người có tên Raymundo ở Philippines (không rõ lai lịch).

Theo kết quả giám định của bộ Y tế, lô thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Với hành vi nói trên, ban đầu Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường chỉ bị truy tố về tội Buôn lậu. 7 bị cáo còn lại bị truy tố về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Xử sơ thẩm lần 1, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Hùng và Cường cùng mức án 12 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt các mức án từ 2 năm tù treo đến 5 năm tù giam.

Sau bản án, một số bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc kêu oan. VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng kháng nghị toàn bộ bản án nên TAND Cấp cao tại TP.HCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Sau nhiều ngày xét xử, sáng 30/10/2017, cấp phúc thẩm tuyên huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra làm rõ nhiều vấn đề liên quan, trong đó có việc giám định lại lô thuốc H-Capita 500mg là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng. Bên cạnh đó, cần thiết phải giám định lại lô thuốc nhập khẩu bằng một hội đồng giám định mới, bởi cục Quản lý Dược giám định chính lô hàng mình cấp phép là không khách quan. 

Ngoài ra, 3 cá nhân khác gồm ông Phan Xuân Thiện (Phó Tổng Giám đốc VN Pharma), bà Hoàng Trúc Vy (nhân viên phòng Nghiên cứu phát triển công ty VN Pharma) và ông Nguyễn Quang Huy có dấu hiệu đồng phạm nên cần phải điều tra, làm rõ để xử lý chung trong một vụ án.

Quyết định trả hồ sơ điều tra lại cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Cục quản lý Dược (bộ Y tế) khi để “lọt” lô thuốc “không dùng để chữa bệnh cho người”. Đồng thời, tòa phúc thẩm lần 1 cũng đề nghị làm rõ số tiền 7,5 tỷ đồng mà 2 bị cáo đầu vụ khai là tiền chi hoa hồng cho bác sĩ để bán thuốc. Bên cạnh đó, tòa cũng yêu cầu làm rõ số tiền 157 tỷ đồng là tiền các bị cáo nâng khống giá thuốc hiện đang ở đâu, chi cho ai, bởi đây là vật chứng của vụ án.

Bị đổi tội danh, nhóm bị cáo đối diện mức án nghiêm khắc

Tiến hành điều tra lại theo quyết định trả hồ sơ của TAND cấp cao tại TP.HCM, cơ quan ANĐT kết luận, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp xảy ra trên lĩnh vực dược phẩm, y tế. Các bị can đã nhập khẩu trót lọt 9.300 hộp thuốc H-Capita về VN. Việc cơ quan điều tra phát hiện kịp thời là nằm ngoài ý muốn của các bị cáo.

Hành vi của các bị can Nguyễn Minh Hùng Nguyễn Trí Nhật, Ngô Anh Quốc Phạm Anh Kiệt; Võ Mạnh Cường và 4 bị cáo khác nguyên là cán bộ của công ty VN Pharma đủ yếu tố cấu thành tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh theo khoản 2 điều 157 Bộ luật Hình sự năm 1999. Từ đó, cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đã đề nghị truy tố tất cả các bị can về tội danh này.

Quá trình điều tra lại, cơ quan điều tra đã khởi tố thêm 3 bị can gồm Phan Xuân Thiện; Hoàng Trúc Vy và Phạm Quỳnh Trang cùng về tội với nhóm 9 bị can cũ nói trên, nâng tổng số bị can trong vụ án này lên 12 người.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, TAND TP.HCM đã triệu tập đến tòa 9 thành viên trong hội đồng giám định của bộ Y tế, đại diện công ty VN Pharma, viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, cục Quản lý được và gần 200 người tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng.

Đáng chú ý, trong số những người được triệu tập, có ông Trương Quốc Cường (thời điểm xảy ra vụ án ông Cường là Cục trưởng cục Quản lý dược và hiện nay, ông Cường là Thứ trưởng bộ Y tế).

Phiên tòa do Thẩm phán Phạm Lương Toản (chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) làm chủ tọa phiên tòa. Dự kiến phiên tòa kéo dài từ ngày 24 – 30/9.

Đọc thêm