Phát biểu gây thiện cảm đặc biệt với dư luận của Phó Thủ tướng

(PLVN) - Phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Quốc hội trước câu hỏi về vấn đề đạo đức xã hội, một lần nữa gây thiện cảm đặc biệt với dư luận xã hội. Lý giải của Phó Thủ tướng được đánh giá không chỉ sát với thực tế, có tầm nhìn, mà còn khích lệ động viên hướng thiện.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đạo đức xã hội là vấn đề bao trùm, bao quát nhưng lại khó cân đong, đo đếm. Vì vậy ông Vũ Đức  Đam đã rất thận trọng khi cho hay đây là vấn đề rất lớn, liên quan đến mọi người dân, mọi tổ chức, nên khi nói về nội dung này trong thời gian ngắn vài phút, Phó Thủ tướng mong các ĐBQH “chia sẻ chỉ bảo thêm”.

Một số ý kiến chất vấn cho rằng thực trạng đạo đức xã hội và ứng xử xuống cấp, biểu hiện ở một số giá trị văn hóa truyền thống mai một. Phó Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận đó là nhận xét đúng, nhưng ông cũng phản bác nhận xét như vậy chưa đủ, mong mọi người đánh giá theo hai mặt.

Ông Vũ Đức Đam nhìn nhận đạo đức xã hội của Việt Nam được tổng hợp lên từ nhân dân. Đơn cử như lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, lãnh đạo Chính phủ cho rằng tinh thần này của người Việt Nam không kém nước khác. “Chúng ta không nói mình hơn thiên hạ, nhưng cũng không kém. Như thành công của đội tuyển U23 Việt Nam, cả dân tộc nao nức, đó là tinh thần yêu nước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức  Đam nói. Hoặc như tinh thần yêu thương đồng loại, thương người. “Có đất nước nào mà lũ lụt, dịch bệnh như vừa rồi, người dân thương nhau, giúp đỡ nhau đến như vậy”.

“Chúng ta thấy hiện tượng xuống cấp là đáng báo động, nhưng không vì thế mà nhìn nhận đạo đức xã hội, con người Việt Nam không công bằng. Chúng ta nhìn thẳng khiếm khuyết mà khắc phục”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng, nếu gần đây để ý, việc khắc phục đã được thực hiện rất tốt.

Về nguyên nhân, khách quan là mặt trái kinh tế của kinh tế trường, thông tin mạng; còn chủ quan là yếu kém về văn hóa, giáo dục. “Điều này không sai, nhưng vẫn còn những nguyên nhân sâu xa khác”, Phó Thủ tướng nói.

Về giải pháp, lãnh đạo Chính phủ cho rằng muốn góp phần cho điều tốt tăng lên và cái xấu giảm đi, quan trọng là toàn dân hiểu cái gì là tốt, cái gì là xấu. Thứ hai là tuyên truyền, vận động để mọi người tự điều chỉnh hành vi. Thứ ba, văn hóa đạo đức trong mọi thời kỳ đều cần sự nêu gương. Thứ tư, chú ý đến các ngành nghệ thuật, các hoạt động tín ngưỡng.

“Mong rằng, chúng ta dù còn nhiều khiếm khuyết nhưng nếu cố gắng, dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục tự hào truyền thống dân tộc văn hiến, xứng đáng với truyền thống của cha ông”, ông Vũ Đức Đam  phát biểu.

Một trong những điều đọng lại quan trọng bậc nhất trong trả lời của lãnh đạo Chính phủ về vấn đề đạo đức xã hội, là quan điểm khích lệ những điều thiện lương tốt đẹp. Để chống suy thoái đạo đức; không chỉ có việc quyết liệt đấu tranh tiêu diệt cái ác; mà còn phải nhân rộng những điển hình, gương sáng, khuyến thiện. Trong thời đại “bão thông tin” trên mạng internet, quan điểm của Chính phủ như nêu trên là điều mà các công dân mạng, các mạng xã hội và cơ quan truyền thông cần luôn ghi nhớ.