Thủ phạm gây tiền ung thư
Hội cấp thoát nước Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2016, hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trên cả nước chỉ mới xử lý được hơn 10% tổng lượng nước thải đô thị. Hiện trong phạm vi cả nước đang có 35 hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung đang hoạt động với tổng công suất thiết kế khoảng 850 ngàn m3/ngày đêm, chỉ chiếm khoảng 12% tổng lượng nước thải phát sinh.
Trong khi đó, theo các nhà khoa học, nước và bùn thải đô thị chứa một lượng lớn chất dinh dưỡng ở dạng hợp chất (vô cơ và hữu cơ) của Ni tơ và Phốt pho. Đây là 2 tác nhân gây ra các hiện tượng tảo nở hoa, phù dưỡng trong nguồn tiếp nhận sông, hồ và nước biển ven bờ.
Phát biểu tại Hội thảo “Xử lý Ni tơ và Phốt pho trong nước thải đô thị ở Việt Nam” do Hội cấp thoát nước Việt Nam, Công ty CP Đầu tư thương mại và xây dựng Phú Điền, Đại học Xây dựng phối hợp tổ chức sáng 30/3 tại Hà Nội, PGS. TS. Trần Thị Việt Nga (Trưởng Khoa Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng) lưu ý: Nước thải chứa nhiều chất bẩn, chất độc có tác động xấu, gây hại cho môi trường và sức khỏe con người là hiển nhiên. Nhưng cần biết các chất Amonia, Nitrit (N02), Nitrat (N03) có trong nước với tỷ lệ đậm đặc trên lưu vực các sông, hồ đang trở thành “sát thủ dấu mặt” gây ra tình trạng thiếu hụt ôxi trong nguồn nước.
“Tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng ở Việt Nam đang dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước ngày càng trầm trọng. Có thể dùng từ báo động để nói về thực trạng ô nhiễm môi trường nước do nước thải độ thị và công nghiệp đang xảy ra hiện nay”- bà Nga nói.
Theo tìm hiểu của PLVN, trong 35 nhà máy XLNT đô thị hiện nay, có 5 nhà máy có công nghệ xử lý sinh học sơ bộ (hồ kỵ khí ), 15 nhà máy có công nghệ xử lý sinh học bậc 2 (CAS, OD, TF), 8 nhà máy xử lý sinh học bậc 2 kết hợp xử lý Ni tơ (OD cải tiến, AO, SBR) và chỉ có 7 nhà máy xử lý sinh học kết hợp xử lý N,P triệt để (A2O, SBR cải tiến)…
“Đa số các Nhà máy XLNT hiện nay chủ yếu chỉ nhằm loại bỏ chất hữu cơ, chưa chú trọng đến vấn đề xử lý Ni tơ, Phốt pho trong nước thải. Nhiều trường hợp các nhà máy XLNT được thiết kế và vận hành không phù hợp với đặc tính nước thải thực tế dẫn tới giảm hiệu quả bảo vệ môi trường, giảm hiệu quả đầu tư”- TS. Nga xác nhận.
Tình trạng phú dưỡng trong nước có nguồn gốc từ Ni tơ, Phốt pho dẫn đến tính trạng tảo nở hoa khiến hàm lượng ô xy trong nước bị sụt giảm |
Không thể chậm trễ!
Việc xử lý nước thải đô thị hiện nay chủ yếu sử dụng công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học. Theo PGS. TS. Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, đặc tính nước đô thị Việt Nam rất đặc thù và khác nhau giữa các đô thị, trong đó hơn 90% lượng nước thải có BOD (chất hữu cơ) nhỏ, TN,P (tổng Ni tơ và phốt pho) tương đối cao dẫn tới việc loại bỏ Ni tơ rất khó khăn.
Ngoài ra, theo TS Hạ lượng nước thải dao động theo giờ trong ngày và các mùa trong năm có tác động lớn đến thành phần các chất ô nhiễm và dinh dưỡng trong nước thải và do đó tác động đến hiệu quả xử lý, loại bỏ N,P.
Tại Nhà máy XLNT Yên Sở, TP Hà Nội, nước thải từ sông Kim Ngưu, Sét, đô thị Yên Sở được đưa về đây để xử lý. Số liệu quan trắc cho thấy, nồng độ BOD thấp nhưng ngược lại tổng Nitơ rất cao – thậm chí cao hơn thiết kế ban đầu của Nhà máy dẫn đến việc xử lý/loại bỏ Nitơ rất khó khăn mà cần phải áp dụng tối đa các công nghệ mới trong quản lý vận hành để có thể xử lý Nitơ đạt quy chuẩn theo quy định với chi phí hợp lý - TS.Nguyễn Phương Quý, Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư Phát triển môi trường SFC Việt Nam cho biết.
Theo ông Quý, do tổng N cao dẫn đến việc loại bỏ N rất khó khăn nên nhà máy này trước đây đã từng có phương án dùng đường làm nguồn bổ sung tăng BOD cho nước thải với chi phí lớn: 4.100 đồng/m3, tương đương 300 tỷ đồng /năm. “Nhưng hiện nay, sau khi áp dụng các công nghệ mới trong quản lý vận hành, tận dụng các nguồn hữu cơ sẵn có nội sinh trong nước thải nên đã không cần phải bổ sung đường để xử lý Ni tơ. Việc cải tiến này giúp tiết kiệm 60-70% chi phí cho nhà máy”-TS. Quý cho biết thêm.
Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm cần phải có nhận thức đúng đắn về tác hại của N, P khi không được xử lý phù hợp thải bỏ vào môi trường gây ô nhiễm và ảnh hưởng sức khỏe. Việc xử lý N, P đạt các Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) là bắt buộc đối với các công trình xử lý nước thải. Nhận thức này phải có từ các cơ quan quản lý nhà nướ đến các chủ đầu tư, tư vấn cùng như nhà thầu khi đầu tư, quản lý vận hành các nhà máy xử lý nước thải;
Đối với các dự án đầu tư nhà máy xử lý nước thải mới: Áp dụng các công nghệ đã thành công trong xử lý N, P đạt QCVN với chi phí đầu tư và vận hành hợp lý. Đối với các nhà máy xử lý nước thải đã xây dựng mà vận hành xử lý N, P chưa đạt QCVN thì cần phải mời các chuyên gia có kinh nghiệm để giúp nghiên cứu, áp dụng các kinh nghiệm thực tiễn để điều chỉnh vận hành, hoặc nâng cấp, cải tạo phù hợp cho xử lý N, P.
Theo nhiều chuyên gia am tường về lĩnh vực này, đã đến lúc việc xử lý N, P trong nước thải đô thị đạt các QCVN về bảo vệ môi trường phải là bắt buộc đối với các công trình xử lý nước thải. Bởi các chất này một khi không được xử lý phù hợp thải bỏ vào môi trường sẽ gây ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái và sức khỏe của cộng đồng trong thời gian gần. Vì thế, nhận thức này phải đến đồng thời từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các chủ đầu tư, tư vấn cũng như nhà thầu khi đầu tư, quản lý vận hành các nhà máy xử lý nước thải.