Khám phá tiểu hành tinh bằng vàng
Nếu bất cứ thứ gì có thể khởi động cuộc đua khai thác kim loại trong vũ trụ, thì đó sẽ là tiểu hành tinh này - Psyche 16, nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc và mang theo đủ lượng vàng để “biếu” cho mỗi người trên Trái đất một nghìn tỷ đô la.
Số lượng lớn vàng, sắt và niken chứa trong tiểu hành tinh này đang gây kinh ngạc cho giới khoa học. Tiểu hành tinh này vừa được tìm ra. Bây giờ, yêu cầu đặt ra là cần tiếp cận với nó.
Các nhà thiên văn học đã nghiên cứu Psyche 16 qua các bước sóng khả kiến và hồng ngoại cũng như hệ thống radar, cho thấy tiểu hành tinh này có hình dạng giống như củ khoai tây.
Các quan sát cũng chỉ ra rằng, kích thước của nó là khoảng 279km x 189km. Psyche quay quanh Mặt trời giữa quỹ đạo của sao Hỏa và sao Mộc, ở khoảng cách dao động từ 378 triệu - 497 triệu km so với Mặt trời.
Khoảng cách đó tương đương 2,5 – 3,3 đơn vị thiên văn (AU), mà 1 AU chính là khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời. Psyche mất khoảng 5 năm (theo thời gian trên Trái đất) để hoàn thành một quỹ đạo quanh Mặt trời, nhưng chỉ mất hơn 4 tiếng một chút để tự quay quanh trục của mình (gọi là một “ngày Psyche”).
|
Công ty hàng không vũ trụ SpaceX của Elon Musk sẽ hợp tác với NASA để phóng một tàu vũ trụ lên Psyche 16 vào đầu năm 2022 nhằm khám phá tiểu hành tinh. |
Dự tính, công ty hàng không vũ trụ SpaceX của Elon Musk sẽ hợp tác với NASA để phóng một tàu vũ trụ lên Psyche 16 vào đầu năm 2022. NASA cho biết trong một tuyên bố: "Đây sẽ là một hành trình đáng nhớ. Psyche 16 được coi là tiểu hành tinh độc nhất vô nhị về thành phần cấu tạo trong Hệ mặt trời".
Theo hợp đồng với NASA, SpaceX sẽ cung cấp dịch vụ phóng tàu vũ trụ cùng một số dịch vụ liên quan khác trị giá 117 triệu USD, mức thấp đáng kể so với sứ mệnh thám hiểm ở quy mô này.
Hành trình của NASA và SpaceX đến Psyche 16 bằng tên lửa Falcon Heavy dự kiến sẽ bắt đầu vào mùa hè năm 2022 tại căn cứ không quân Cape Canaveral ở bang Florida. Dù vậy, hai đơn vị trên tiến hành cuộc thám hiểm cho mục đích khoa học chứ chưa có bất cứ kế hoạch khai thác nào.
Được biết, các nhà khoa học sẽ gắn thiết bị để kiểm tra thành phần của Psyche 16 trong lần khám phá đầu tiên. Một số thiết bị mà đoàn thám hiểm sẽ sử dụng bao gồm từ kế để phát hiện và đo từ trường còn sót lại của tiểu hành tinh, một thiết bị cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao để xác định thành phần nguyên tố của Psyche 16 cũng như công nghệ laser mới được thiết kế để phục vụ mạng vũ trụ sâu của NASA, một trong những hệ thống liên lạc lớn và nhạy nhất trên thế giới.
|
Psyche 16 sở hữu trữ lượng vàng khổng lồ. |
NASA cho rằng tiểu hành tinh này đã "sống sót" sau các vụ va chạm giữa các hành tinh khi Hệ mặt trời hình thành. Điều đó có nghĩa là Psyche 16 có thể cho chúng ta biết lõi Trái Đất và các hành tinh khác cấu tạo ra sao. NASA hy vọng việc thăm dò Psyche 16 sẽ mang lại manh mối về lịch sử phát triển của các hành tinh thông qua việc kiểm tra vật liệu nguyên sinh của Psyche 16.
Ngoài vàng, Psyche 16 còn chứa một lượng lớn bạch kim, sắt và niken. Tuy nhiên, nếu chúng ta khai thác thành công tiểu hành tinh này và đưa số kim loại quý đó về Trái Đất, nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới giá cả hàng hóa và thậm chí có thể khiến nền kinh tế thế giới sụp đổ.
Scott Moore, giám đốc điều hành công ty khai thác không gian EuroSun nhận định rằng lượng vàng khổng lồ trong tiểu hành tinh Psyche 16 có thể khiến ngành công nghiệp vàng rơi vào hỗn loạn.
Ông cho biết thêm đã có ít nhất hai công ty (được hậu thuẫn bởi nhiều nhà đầu tư tên tuổi) đang sẵn sàng cho một cơn sốt khai thác vàng ngoài không gian. Vành đai tiểu hành tinh chỉ là một phần trong thị trường đang rục rịch phát triển. Theo Scott, toàn bộ thị trường không gian toàn cầu hiện đã trị giá hàng trăm tỷ USD.
Sứ mệnh cao cả của Psyche 16
Sau khi công ty hàng không vũ trụ SpaceX của Elon Musk sẽ hợp tác với NASA, công đoạn thi công chế tạo tàu vũ trụ thám hiểm tiểu hành tinh Psyche có thể bắt đầu.
Việc lắp ráp và thử nghiệm tàu vũ trụ hoàn chỉnh sẽ được tiến hành vào tháng 2-2021. Các thiết bị sẽ được chuyển tới phòng vô trùng của Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPK) vào tháng 4-2021. Phần thân chính của tàu vũ trụ gọi là bộ khung Solar Electric Propulsion (SEP) Chassis, đang được chế tạo tại công ty Maxar Technologies ở Palo Alto, California. Theo dự kiến, tàu vũ trụ sẽ cất cánh vào tháng 8-2022 tại Cape Canaveral (bang Florida) trên tên lửa Falcon Heavy, sau đó sử dụng trợ lực từ lực hấp dẫn của sao Hỏa vào tháng 5-2023 và bay tới Psyche 16 vào đầu năm 2026.
Sau khi được phóng đi, tàu vũ trụ Psyche sẽ vượt qua sao Hỏa, tới Vành đai Tiểu hành tinh nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc khổng lồ. Nó sẽ sử dụng từ kế để đo từ trường của tiểu hành tinh và một máy chụp ảnh đa hình sẽ chụp ảnh bề mặt Psyche.
Trong vòng 21 tháng quay quanh quỹ đạo của Psyche, con tàu sẽ lập bản đồ và nghiên cứu các thuộc tính của thiên thạch bằng cách sử dụng một máy chụp ảnh đa hình, một máy bay quang phổ kế và tia neutron, một từ kế và dụng cụ vô tuyến (để đo trọng lực). Một trong những mục tiêu của sứ mạng là xác định xem Psyche có thực sự là phần lõi của một thiên thể ban đầu có kích cỡ hành tinh hay không.
Sứ mạng Psyche sẽ là nhiệm vụ đầu tiên nhằm thám hiểm một thế giới bằng kim loại thay vì bằng đá và băng như những thiên thể thông thường. Sâu bên trong các hành tinh bằng đất đá – như Trái đất, các nhà khoa học suy luận về sự hiện diện của phần lõi kim loại, nhưng điều này không được chứng thực bởi cho tới nay chúng ta vẫn chưa có cách nào tiếp cận được phần lõi của Trái đất.
Cũng bởi vậy, Psyche hứa hẹn sẽ mang đến một cửa sổ độc đáo để nhìn sâu vào lịch sử cực kỳ dữ dội với các vụ va chạm và bồi đắp tạo nên những hành tinh như Trái đất.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất tham gia cuộc đua tìm kiếm vàng trên không gian. Một số cường quốc khác trên thế giới cũng muốn giành phần, điển hình là Trung Quốc khi tuyên bố sẽ thống trị cuộc đua này.
Đây được coi là một cuộc đua dễ dàng hơn cho Trung Quốc khi quốc gia này kiểm soát tất cả các công ty tài nguyên thiên nhiên lớn và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các nhà phát triển công nghệ.
Không phải Mỹ không có tham vọng song sự khác biệt trong nghiên cứu giữa hai bên là quá rõ ràng. Trong khi NASA tập trung vào các nhiệm vụ khoa học và thám hiểm không gian thì Trung Quốc lại tập trung vào gây dựng một nền kinh tế dựa vào không gian, hướng đến mục tiêu tạo ra sự giàu có lâu dài.