Phát huy vai trò thúc đẩy đầu tư, kinh doanh của trọng tài thương mại

 Thực tiễn thương mại quốc tế cho thấy hình thức giải quyết tranh chấp thay thế (Alternative Dispute Resolutions) ở các nước trên thế giới rất phát triển. Những ưu thế trong việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài so với Tòa án rất phù hợp với hoạt động kinh doanh và là một kênh quan trọng để giảm thiểu gánh nặng cho Tòa án.
Hôm qua (6/6), tại Hà Nội, Hội thảo "Việt Nam - Điểm đến của đầu tư thế giới - Quan điểm từ khía cạnh Trọng tài" đã được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) tổ chức. Hội thảo thu hút được sự quan tâm không chỉ của các trọng tài viên, luật sư, chuyên gia pháp luật, mà còn của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Tại diễn đàn này, những thông tin đáng quan tâm về vấn đề phát triển của dịch vụ trọng tài thương mại – một trong những lĩnh vực dịch vụ pháp lý phục vụ yêu cầu hội nhập, đặc biệt là sau hơn 4 năm Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và đang tiến hành đẩy mạnh cải cách tư pháp, đã được các chuyên gia cùng thảo luận. Được biết đến là một trong những nền kinh tế năng động nhất Châu Á và là điểm thu hút đầu tư quốc tế, những lĩnh vực then chốt như dầu và khí đốt, năng lượng và các nguồn tài nguyên đang được rất nhiều công ty nước ngoài quan tâm đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, đi kèm với những thuận lợi này, cũng phát sinh giao dịch và tranh chấp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho biết, cùng với Luật Trọng tài Thương mại, với sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia pháp luật và đội ngũ trọng tài viên, Bộ Tư pháp đã hoàn chỉnh và trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này. Nỗ lực cải cách thể chế, tạo điều kiện cho hoạt động trọng tài thương mại phát triển thông qua việc khuyến khích các bên sử dụng trọng tài trong giải quyết các tranh chấp thương mại, có thể nói, Việt Nam đang rộng mở đón các tổ chức trọng tài quốc tế và trọng tài viên các nước đến Việt Nam.

Thực tiễn thương mại quốc tế cho thấy hình thức giải quyết tranh chấp thay thế (Alternative Dispute Resolutions) ở các nước trên thế giới rất phát triển. Những ưu thế trong việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài so với Tòa án rất phù hợp với hoạt động kinh doanh và là một kênh quan trọng để giảm thiểu gánh nặng cho Tòa án.

Hiện nay, Việt Nam có 7 trung tâm trọng tài, trong đó VIAC là trung tâm lớn và hoạt động hiệu quả nhất trong xét xử trọng tài ở Việt Nam. Tuy nhiên so với Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore thì hầu hết các trung tâm trọng tài ở Việt Nam còn khiêm tốn về quy mô và kinh nghiệm, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính đề nghị, trong thời gian tới để trọng tài thương mại ở Việt Nam thực sự trở thành phương thức giải quyết tranh chấp ưu thế và hiệu quả thì rất cần có yếu tố chủ động, sáng tạo nhằm phát huy tiềm lực của mỗi tổ chức trọng tài và đội ngũ trọng tài viên.

Cùng thảo luận về các vấn đề như lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài với những điều khoản chọn luật và cơ chế giải quyết tranh chấp, các nguyên tắc của trọng tài quốc tế, khái quát về thủ tục của một quá trình trọng tài điển hình, hướng dẫn mang tính chiến thuật cho mỗi giai đoạn trong tố tụng trọng tài…, các chuyên gia nhận định, song hành với các nhà đầu tư và doanh nghiệp, thì dịch vụ trọng tài, dịch vụ pháp lý sẽ góp phần tạo lập môi trường an toàn, tin cậy, phòng ngừa và hạn chế rủi ro, giúp các cá nhân, tổ chức tháo gỡ những vướng mắc pháp lý, giải quyết các tranh chấp phát sinh, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam...

Huy Anh

Đọc thêm