Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Huy động vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài

(PLVN) -  Tuy đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số những năm đã có nhiều khởi sắc nhưng một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Do vậy, phát huy ý chí và khát vọng vươn lên của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp mang tính bền vững.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị lập đề xuất chương trình xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng vốn vay ODA. (Ảnh minh họa)

Phấn đấu không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn

Mới đây, phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình), Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ, Chương trình mục tiêu quốc gia về DTTS và miền núi là một trong ba chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư với tỷ lệ vốn đầu tư phát triển được bố trí từ ngân sách Trung ương.

Chương trình có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, hỗ trợ sinh kế và bảo đảm đời sống cho nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, vốn là vùng “lõi nghèo” của cả nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và Ban Chỉ đạo đề cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch hành động cụ thể để có thể tổ chức thực hiện thành công Chương trình ngay từ quý IV/2021, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phục hồi kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân. Không vì lý do có dịch bệnh mà chậm trễ công việc.

Theo Ủy ban Dân tộc, nội dung chủ yếu của Chương trình gồm 10 dự án thành phần, như giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào; thực hiện bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư tạo sinh kế bền vững…

Mục tiêu của Chương trình là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025, tối thiểu là 147.052 tỷ đồng. Căn cứ kết quả thực hiện giai đoạn 1, Chính phủ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2026-2030.

Nhận thức rõ hơn về trách nhiệm trong tổ chức triển khai

Nhấn mạnh tới các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp tốt với nhau hơn nữa, hoàn thành công tác chuẩn bị để có thể triển khai thực hiện chương trình ngay từ tháng 10/2021. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức tham gia thực hiện chương trình.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của bà con đồng bào các DTTS, tạo ra các phong trào thi đua sôi nổi. Có cơ chế khuyến khích khởi nghiệp, đào tạo nghề phù hợp với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Các ban, ngành vào cuộc quyết liệt để chương trình này thực sự hiệu quả, đời sống đồng bào DTTS và miền núi ngày càng được nâng cao.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia về DTTS và miền núi đóng một vai trò vô cùng lớn, vừa góp phần kích thích cung cầu, tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa mang ý nghĩa quan trọng về an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa.

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các bộ, ngành thành viên BCĐ Trung ương, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan liên quan phải nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân tộc.

Cho rằng, việc thành lập Tổ công tác huy động nguồn vốn ODA là cần thiết, Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc quyết định vấn đề này. Ủy ban Dân tộc, Bộ Giao thông Vận tải theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các Bộ liên quan lập đề xuất chương trình, dự án về phát triển hạ tầng thiết yếu liên xã, phát triển nhân lực và xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài.

Đọc thêm