Phi đội bay mất tích và những bí ẩn chưa lời đáp liên quan đến Tam giác quỷ Bermuda (Kỳ 1)

(PLVN) - Vùng tam giác Bermuda là cụm từ được nghiên cứu viên Wilson Gardi nêu ra vào năm 1964 dùng để hình dung một vùng lãnh hải hình tam giác trên biển Đại Tây Dương mà 3 đỉnh của nó là Puerto Rico, Panama và Miami. Từ thập kỷ 40 đến nay, đã có hàng chục hạm tàu và mấy chục chiếc máy bay bị mất tích ở đây. 
Vùng tam giác quỷ Bermuda.
Vùng tam giác quỷ Bermuda.

Gardi và một số nhà văn đều cho rằng Bermuda trở thành cơn ác mộng đối với những ai dám cả gan xâm phạm vào đó. Họ quy nguyên nhân các vụ mất tích vào vấn đề “lệch lạc về thời gian”, bị vật thể bay chưa xác định bắt cóc hoặc các lý do không bình thường khác. 

Trong các vụ mất tích một cách thần bí trên khu tam giác Bermuda thì đáng kể nhất là vụ cả một biên đội 5 chiếc mảy bay mất hút tại đó. Đằng sau vụ mất tích này có khá nhiều tin giật gân, nhưng kết quả nghiên cứu cuối cùng chứng tỏ rằng giữa các nguồn tin đồn đại và thực tế có một khoảng cách khá xa.

Bi kịch của đội bay 19

14h15 ngày 5/12/1945, 5 chiếc máy bay thả ngư lôi mang tên “Kẻ bảo thù” rời bang Miami bay về hướng Đông. Trong biên đội bay 19 có tất cả 14 thành viên tổ lái, trừ phi công trưởng Charles Taylor còn 13 thành viên khác đều là học viên sắp tốt nghiệp. 

Taylor rất thông thuộc địa hình khu vực quần đảo Florida, đáng tiếc ông không nắm được tình hình có liên quan đến Bermuda. Theo kế hoạch, họ dự định sẽ đến luyện tập thả ngư lôi ở vịnh Siken, cách đó khoảng 90km. Sau đó, phi đội sẽ tiếp tục bay về hướng Đông 108km nữa rồi bay lên phía Bắc 113km. Cuối cùng ngoặt sang hướng Tây Bắc bay 150km để trở về căn cứ, nói cách khác thì tuyến bay của họ chạy dọc theo 3 cạnh của hình tam giác mà sau này được gọi là Tam giác Bermuda. 

15h40, Trung úy dẫn đường Robert Cause chuẩn bị cho hạ cánh thì bỗng nhiên nghe thấy những câu trao đổi vô tuyến giữa các đội viên trong biên đội máy bay thả ngư lôi. Nội dung câu chuyện cho thấy họ đã bay nhầm đường. Sau đó mấy phút anh tìm cách liên lạc với Taylor. Taylor cho biết la bàn của mình mất độ nhạy. Taylor nói thêm ông tin rằng mình đang bay ở phía trên quần đảo Florida, do đó Cause yêu cầu ông bay thẳng lên hướng Bắc để đến Miami.

Vùng biển Bermuda bí ẩn trên bản đồ thế giới.
Vùng biển Bermuda bí ẩn trên bản đồ thế giới.  

Kỳ thực thì Taylor không phải là đang ở trên bầu trời quần đảo Florida mà là đang bay ở trên trời Panama, nếu bay lên hướng Bắc có nghĩa là ngày càng rời xa lục địa. Trung úy Cause cùng với đội chi viện tàu bè ở căn cứ cố gắng xác định vị trí của biên đội 19, nhưng do liên lạc vô tuyến chập chờn nên đã không mang lại kết quả. Họ thôi thúc Taylor hãy trao quyền chỉ huy bay lại cho một học viên khác, nhưng bị Taylor từ chối. 

Qua mạng lưới vô tuyến, người ta nghe thấy Taylor và các đội viên khác tranh luận với nhau. Những người kia cho rằng biên đội phải bay về hướng Tây mới đúng, nếu họ hành động như vậy thì đã không xảy ra chuyện gì.

Đến 16h40, những nhân viên mặt đất đã tỏ ra vô cùng lo lắng. Họ cố gắng liên lạc tiếp và phát hiện ra rằng đến lúc này Taylor và đồng đội không còn xác định được là mình đang ở đâu. Khi hoàng hôn sắp sửa ập xuống thì tín hiệu liên lạc vô tuyến càng yếu dần. 

17h15, Taylor báo cáo với căn cứ là cuối cùng họ đã chọn hướng bay về phía Tây, nhưng đến lúc này thì xảy ra vấn đề về mặt nhiên liệu. Taylor nói với đồng đội, nếu như có một chiếc máy bay hết nhiên liệu thì những chiếc máy bay khác cũng sẽ bị rơi theo.

Hôm đó mặt trời lặn vào lúc 17h29, vì khí hậu xấu đang tràn từ phía Bắc xuống phía Nam. Tình hình ngày càng xấu đi trông thấy, nhưng nhân viên mặt đất đến lúc này vẫn chưa xác định được vị trí của biên đội 19 ở đâu. 

Có một thời điểm mặt đất đề nghị Taylor chuyển sang chế độ liên lạc khẩn cấp với mặt đất, nhưng Taylor từ chối với lý do nếu làm như vậy ông sẽ không giữ vđược liên lạc với đồng đội.

 

17h50, trung tâm quan trắc trên biển của Bộ chỉ huy vùng vịnh cho rằng mình đã xác định được vị trí của biên đội 19. Họ đang ở phía trên bãi biển New Smyrna phía đông bang Florida (cách Bermuda về hướng Bắc khá xa). 

Chỉ một lát sau, căn cứ nghe được Taylor ra lệnh cho phi đội quay đầu bay về hướng Đông và giải thích rằng “làm như vậy thì khả năng chúng ta được cứu thoát sẽ lớn hơn”. Taylor vẫn nghĩ phi đội của mình đang bay ở phía trên vịnh Mexico.

Do trước đó không hề xác định được vị trí của biên đội 19, nên cũng không thể cứ máy bay đi cứu viện được. Tuy nhiên đến 18h20, một chiếc máy bay cứu hộ đậu trên mặt nước đã cất cánh từ Miami bay về hướng Đông Bắc, với hy vọng nối lại liên lạc với biên đội đang bay lạc đường.

Nhưng chẳng bao lâu chính chiếc máy bay cứu hộ đó cũng mất liên lạc với căn cứ, mọi người lo sợ rằng nó đã mất tích. Về sau người ta phát hiện ra nguyên do là ăng-ten vô tuyến bị đóng băng. Chiếc máy bay cứu hộ trên mặt nước vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm vô vọng.

Trong vòng 1 giờ đồng hồ, thêm mấy chiếc máy bay nữa lao vào cuộc tìm kiếm, trong đó có 2 chiếc máy bay mang tên “Thủy thủ” do hãng Martin sản xuất. 

Chiếc máy bay huấn luyện “Thủy thủ” số 32 cất cánh vào khoảng 19h tối tại New Smyrna, còn chiếc máy bay huấn luyện “Thủy thủ” số 49 thì rời khỏi căn cứ bộ đội đường không của Hải quân tại Sandor lúc 19h20, gia nhập đội tìm kiếm. Sau đó phi công lái chiếc mảy bay số 32 là Trung úy Jelat Pamulin nói với nhân viên điều tra: “Vào lúc 20h15, chúng tôi mới đến được nơi mà lúc 17h50 phi đội 19 đã ở đó... Thời điểm đó, dòng xoáy không khí thổi rất mạnh, trên mặt biển sóng xô dữ dội, suốt đêm hôm đó chúng tôi đã bay ở chế độ lái bằng tay”.

Chiếc máy bay huấn luyện số 49 không thể nhập cuộc với chiếc máy bay số 32 theo đúng kế hoạch. Vào lúc 19h50, thủy thủ trên hạm tàu “Cối xay Gainer” nhìn thấy nhũng đám lửa bùng lên trên mặt biển do máy bay bị nổ. 

Sau đó ít phút, khi con tàu này kịp đến nơi vừa xảy ra tai họa, họ chỉ còn thấy một ít váng dầu lênh láng trên mặt nước và không hề vớt được phi công nào may mắn sống sót hoặc tìm thấy thi thể. Tuy họ lờ mờ nhìn thấy xác máy bay nhưng vì sóng to gió lớn, các thủy thủ không có cách nào trục vớt được, trong khi đó thời tiết ngày càng xấu hơn.

Lúc đó đã có thể khẳng định rằng phi đội 19 đã rơi xuống biển vì dùng hết nhiên liệu. Lần liên lạc vô tuyến cuối cùng của Taylor là vào lúc 19h04. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, sóng to gió dữ, nhưng cuộc tìm kiểm vẫn tiến hành suốt đêm. 

Ngày hôm sau, căn cứ Hải quân tiếp tục huy động hạm tàu và mấy trăm chiếc máy bay đi tìm kiếm 6 chiếc máy bay thả ngư lôi “Kẻ báo thù” và chiếc máy bay huấn luyện số 49 “Thủy thủ” nhưng chẳng mang lại chút kết quả nào.

Kết quả mờ mịt

Ngày 3/4/1946, sau một thời gian điều tra với quy mô lớn về vụ tai nạn hàng không này, phía hải quân đổ tội cho Taylor. Nhân viên điều tra cho rằng: “Chỉ huy phi đội nhầm tưởng những hòn đảo nhìn thấy là quần đảo Florida vì thế đã ra mệnh lệnh sai lầm mất hết lý trí. Chẳng còn phải nghi ngờ, phi đội đã bay đến phía Đông Florida thế mà anh ta lại ra lệnh cho phi đội tiếp tục bay về hướng Đông”. 

Khi bà mẹ và gia đình Taylor phủ nhận kết luận này thì hải quân thành lập một nhóm xem xét lại kết luận điều tra. Tháng 8/1986, nhóm này tuyên bố đồng ý với kết luận điều tra ban đầu. 

Trong cơn tức giận, gia đình Taylor đã mời luật sư, yêu cầu mở phiên tòa xét xử vào tháng 10. Ngày 19/12/1986, Ủy ban thanh tra của Hải quân hủy bỏ kết luận ban đầu và tuyên bố nguyên nhân của tai nạn là “chưa được biết rõ”.

Tuy nhiên, nguyên nhân gặp nạn của chiếc máy bay huấn luyện “Thủy thủ” số 49 lại tương đối rõ ràng. Máy bay “Thủy thủ” được mang biệt danh là “Bom xăng bay” vì nó thường phun ra ngọn lửa hết sức nguy hiểm. Chỉ cần một mẩu tàn thuốc chưa tắt hoặc một tia lửa điện đều có thể gây ra tai họa.

Còn máy bay thả thủy lôi “Kẻ báo thù” thì rất dễ bị nuốt chửng xuống biển khi biển nổi sóng cao 2m, chỉ sau vài giây mọi dấu tích sẽ bị chôn vùi dưới đáy biển sâu.

Kể từ những năm 50 đến những năm 70 thế kỷ XX, không riêng trường hợp lâm nạn của phi đội 19 mà tất cả những gì liên quan đến Tam giác Bermuda đều hết sức nhạy cảm. Vì vậy sau này các nhà văn đã đi sâu điều tra các sự kiện này. Có thể nói mức độ điều tra của họ còn sâu sát, tỉ mỉ hơn phía hải quân rất nhiều. 

Năm 1980, Larry Cook cho xuất bản cuốn sách mang tựa đề “Ký sự phi đội 19 mất tích”. Qua xem xét tỉ mỉ, cuối cùng ông đã khám phá ra sự thật của hiện tượng Tam giác quỷ Bermuda. 

Theo Cook, Ủy ban thanh tra không nên giải thoát cho Taylor, mặc dù đó là một quyết định xuất phát từ lòng thiện chí... Bởi vì kết luận đó thiếu chính xác, còn kết luận của Ủy ban điều tra mới đúng đắn, có nghĩa là Taylor phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ tai nạn này.

Will Stone là người chỉ huy phi đội 18 cất cánh trước phi đội 19 nửa giờ. Năm 1985, khi Stone hồi tưởng lại số phận của phi đội 19 đã phát biểu: “Không rõ Charles đã gặp phải chuyện gì, máy bay “Kẻ bảo thù” còn được mệnh danh là “Chim sắt”, nó có trọng lượng không tải là 7.000kg, vì vậy khi nó rơi xuống thì tốc độ sẽ rất lớn. Người ta đã tìm được con tàu Titanic” thì chắc chắn cũng sẽ có ngày tìm được Taylor và đồng đội của anh, bất kể họ ở nơi nào”.

(Còn nữa) 

Đọc thêm