Chợ mỗi tháng họp chỉ vào một ngày Chủ nhật, vào 10h - 17h, tại phường Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội).
“Trút hết tình này…”
Chúng ta hầu như đều biết tới chợ tình Khâu Vai, nơi một năm có một ngày hò hẹn vào tháng 3 âm lịch của đồng bào Mông để những người cũ lỡ hẹn trong cuộc đời trong một năm có một ngày gặp lại để tâm tình, để trở lại những tháng ngày yêu thương cũ. Cũng như chợ tình Sapa, vào tối thứ 7 hàng tuần, là nơi tiếng khèn Mông dìu dặt lời yêu, lời hẹn, những khắc khoải. Chợ phiên gợi nhớ tới một điều gì đó vô cùng xưa cũ, thân thuộc…
Và ngay giữa lòng Hà Nội có một phiên chợ lạ lùng, nơi có những món hàng dán nhãn “người cũ còn thương” và cuộc gặp gỡ giữa những người… đồng cảm. Trong một ngày thu tháng 10 không thể đẹp hơn, trong không gian nhỏ hẹp của ngôi nhà sàn ven hồ, những gian hàng nhỏ xinh, gọn nhẹ nhưng đủ để bày bán hoặc cho tặng những gì liên quan đến các câu chuyện đằng sau mối tình đã qua, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Đây là cách để những đồ vật lẽ ra bị “lãng quên” có thể đem lại niềm vui cho người dùng sau như một điều thú vị, về một câu chuyện tình. Mỗi phiên chợ có sự tham gia từ 10- 20 gian hàng với vô vàn câu chuyện buồn vui, được tổ chức tại địa chỉ 58/52 Tô Ngọc Vân (Tây Hồ, Hà Nội).
Người tổ chức phiên chợ độc đáo này là Đinh Thắng, sống và làm việc tại Hà Nội. Vốn là một người theo chủ nghĩa tự do, từng đi nhiều nơi trên thế giới nên Thắng có vô số những ý tưởng xã hội độc đáo. Ý tưởng về một phiên chợ, nơi mọi người thanh lý hết “kỷ vật tình yêu” và những gì gợi nhớ đến người yêu cũ đã có từ một lần Thắng ngồi cùng bạn bè nói về những món đồ của người đã từng thương. Nhưng mãi đến đầu năm 2017, nhóm của Thắng mới thực hiện được. Tính đến nay, phiên chợ đã được tổ chức trong suốt 7 tháng với thời gian là một ngày cuối của mỗi tháng.
Ban đầu chỉ là những buổi họp phiên nhỏ, nhưng càng ngày lại được đông đảo bạn trẻ tham gia. Họ quan niệm: “Những kỉ vật xưa cũ, mình không dùng, lại không nỡ vứt bỏ, chẳng thà mang đến đây trao đổi để chúng lại có một cuộc sống mới, với người chủ mới yêu thương và trân trọng chúng”. Hai lần đầu chợ phiên chỉ có vài chục người đến tham gia, những những lần sau lên tới vài trăm người. Chia sẻ về những gian hàng đáng nhớ nhất từng có, người quản lý phiên chợ này cho biết, có bạn từng tham gia bán quần áo tại phiên chợ vì từng mở cửa hàng quần áo cùng người yêu cũ nhưng cửa hàng chưa mở được bao lâu thì chia tay, đồ chưa bán được còn rất nhiều nên cũng mang đến đây bán. Thiếp, tranh, ảnh,... của người yêu cũ làm cho thì các bạn thường mang đến đây để chia sẻ, tâm sự, chứ những đồ đó mang tính cá nhân nhiều nên các bạn cũng không bán.
Những phiên chợ đầu, mọi người hầu như chỉ mang câu chuyện của mình đến để chia sẻ, hiện chợ cũng mang tính thương mại hơn. Được biết, có gian hàng bán được mấy trăm đồ gốm với mức giá 30.000-110.000/món chỉ trong một ngày, thu lại lợi nhuận khá cao. Nhưng cũng có những người bán hàng thỉnh thoảng còn tặng đồ cho khách chứ không bán.
Có những món hàng… không bán
Gọi là chợ nhưng không gian khá nhẹ nhàng và yên tĩnh, mặt hàng chủ yếu được bày bán là những cuốn sổ tay, những cuốn sách, khăn, phụ kiện thời trang và quần áo... Bạn Nguyễn Liên, chủ gian hàng bán sổ tay chia sẻ: “Những cuốn sổ này đều do mình và người yêu cũ cùng nhau làm, lấy ý tưởng từ một loạt sổ của Nhật Bản. Cả hai đều có ước mơ kiếm tiền từ mặt hàng này rồi đi du lịch khám phá những miền đất mới... Thế nhưng, chưa kịp thực hiện điều đó thì chúng mình chia tay. Bạn ấy lập gia đình đã được 1 năm rồi…”.
Còn chị Trang, 38 tuổi, chủ một gian hàng bán đồ trang sức, phụ kiện tại chợ chia sẻ, có người hiểu phiên chợ này để bán những món quà, đồ vật gắn liền với những kỉ niệm về người yêu cũ của mình, nhưng cũng có thể hiểu rằng những món đồ này chính là người yêu cũ của mình, là những món mình đã từng yêu thích, và bây giờ mình không dùng đến nữa thì mình tặng hay bán đi. “Này cuốn sổ đen kia là của bạn người yêu cũ, cái tháp Eiffel này là của anh suýt là người yêu. Những bức ảnh chụp máy phim anh ấy khen đẹp quá nên in ra làm postcard thế là mình in luôn. Chiếc đồng hồ nhỏ này có cái ổ khóa nhưng anh ấy có khóa được tình yêu của mình đâu. Còn đôi nhẫn này nữa, giờ cũng hoen gỉ mất rồi”…
Đinh Thắng thì chia sẻ câu chuyện của mình: “Đã có 1 lần vào lúc trai trẻ, tôi đi theo tiếng gọi của trái tim, đi về Seoul sống (quê của cô ấy). Tám tháng đầy ắp những kỉ niệm mà đến giờ sau 10 năm tôi vẫn chưa thể bình thản mà quay lại Seoul. Từng góc phố, từng con đường, từng bài hát đều là hình ảnh, rõ ràng, hiển hiện...Tôi đã ước một ngày tôi có thể bán đi tất cả, như một phiên chợ quê vui vẻ, nơi mà tất cả mọi người đều vui”.
Có những người chọn cách vứt bỏ hết đồ đạc, hòng tự ru mình quên đi mọi thứ. Nhưng cũng có những người lại cực “bình tĩnh”, cẩn thận lưu giữ từng chút một, gói ghém kỹ càng và cất vào một góc, lúc nào thấy nhớ lại... mang ra ngắm nghía. Bởi thế, tại phiên chợ người yêu cũ, có những món hàng dù có nhiều tiền bạn cũng không thể mua được. Là những bức thư tình thời còn yêu nhau, là câu chuyện tình được minh họa qua cuốn sổ nhỏ mang tên “Hà Nội”, là bức tranh người ấy vẽ tặng,... “Đó là những thứ quan trọng mà mình không bao giờ bán, mọi người vẫn có thể thoải mái ngắm nghía và đọc”, anh Thắng tâm sự.
Đã 7 tháng “phiên chợ người yêu cũ” được tổ chức, anh Thắng cũng đã được chứng kiến biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc của những trái tim tan vỡ đau khổ của mình và cả những người đã bước tiếp một cách thành công. Họ đến với phiên chợ không phải để bán hết kỷ vật, để xóa sạch kỷ niệm mà để mở lòng với nhau, học cách đối diện với nỗi buồn nhưng biết cách đứng dậy và tiếp tục cuộc sống của mình.
“Mình đã từng chứng kiến những bạn mang kỷ vật của người yêu cũ đến bán nhưng không bán được món nào. Ai hỏi đến cái gì lại vừa khóc vừa kể lại nguồn gốc của món đồ. Có bạn mang đồ đến phiên chợ này mà thế nào lại gặp ngay người yêu cũ, mà không chỉ một người mà đến hai người...” - anh Thắng kể lại.
Có bạn còn mang đồ gốm đến bày bán ở đây, toàn là hàng mới tinh chứ không phải là kỷ vật tình yêu đã qua sử dụng. Hóa ra bạn và người yêu cùng nhau hùn vốn để mở một cửa hàng gốm nhưng cuối cùng chuyện tình không thành, bạn ôm một đồng đồ gốm về nhà không biết phải làm gì, đành mang đến phiên chợ vừa bán vừa cho. Hay có anh chàng nọ, đến phiên chợ với chiếc vòng tay, khi có người hỏi mua, anh bảo đó là quà bạn gái tặng, người khách lặng lẽ để lại, bởi với món đồ đó, họ biết chẳng có cái giá nào mua được đoạn đường tình đã đứt…
Dù có nhiều ý kiến cho rằng, mang bán hay chia sẻ những câu chuyện, những món quà của người thương cũ là không trân trọng quá khứ nhưng dường như đã có một cách nhìn khác, rằng họ đã có một tình yêu như thế, những tháng ngày đẹp đẽ và mơ mộng, nhưng tất cả đã qua rồi. Họ nhìn thẳng vào đó, đối diện, để mở lòng và tiếp tục bước về phía trước…