Phim trường Thiệu Thị và những câu chuyện kinh dị cùng cảnh hoang tàn đau lòng

(PLVN) - Với nhiều người, Hong Kong (Trung Quốc) được xem là ống kính vạn hoa với sự pha trộn tuyệt vời giữa nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên, nơi đây không chỉ có những địa điểm mang tính lịch sử ấn tượng mà còn là nơi gây ám ảnh với những truyền thuyết sởn gai ốc, trong đó có phim trường Thiệu Thị.

Với tâm trạng hoài niệm cổ xưa, một nhiếp ảnh gia người Hong Kong Trương Nhất Phương gần đây đã làm một chuyến thăm lại phim trường TVB ngày xưa (hay còn gọi là phim trường Thiệu Thị), nơi từng được xem là “Hollywood châu Á” do Thiệu Dật Phu sáng lập. 

Rực rỡ một thời 

Khu phức hợp khổng lồ sở hữu bởi Công ty TNHH Thiệu Thị Huynh Đệ (Shaw Brothers Studio) được xây dựng vào năm 1961 và nằm dưới sự điều hành và quản lý của hai anh em Thiệu Dật Phu và Thiệu Nhân Mai. Phim trường Thiệu Thị được mô phỏng theo các xưởng phim lớn của Hollywood thời bấy giờ, Movietown là khu phức hợp điện ảnh đầu tiên ở Hong Kong cho phép Shaw Brothers làm việc suốt ngày đêm, đảm bảo nguồn cung cấp phim và doanh thu ổn định.

Còn Thiệu Dật Phu được xem là một huyền thoại, là người có công lớn nhất xây dựng nên đế chế điện ảnh, truyền hình châu Á. Cũng một tay ông đã đưa nền điện ảnh Hong Kong bước sang một trang mới với những ảnh hưởng sâu rộng và để lại nhiều dấu ấn văn hóa quan trọng trong khu vực châu Á và cả thế giới.

Nằm ở vịnh Thanh Thủy - bờ Đông Hong Kong, khu phức hợp của hãng phim Thiệu Thị Huynh Đệ, với tổng diện tích lên đến hơn 186.000m2, đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự hình thành và phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh Hong Kong. Trong thời kỳ hoàng kim, phim trường Thiệu Thị được xem là studio sản xuất phim tư nhân thuộc hàng “khủng” nhất trên thế giới với tổng cộng 23 tòa nhà nằm trong khu phức hợp với nhiều phòng như phòng lồng tiếng, phòng hậu kỳ, phòng in màu, phòng thí nghiệm... 

Bên cạnh là phim trường, nơi đây còn có những tòa chung cư, thậm chí là nhà riêng dành cho diễn viên và nhân viên của công ty cư trú. Điều này đã biến phim trường Thiệu Thị trở thành một công xưởng làm việc khép kín ngày đêm bào mòn sức lao động của những người làm việc tại đây. Khu phức hợp Thiệu Thị còn được biết đến với cái tên Movietown.

Cổng vào phim trường "thời hoàng kim".  

Có người nói rằng hãng phim Thiệu Thị đã một tay tạo nên ngành công nghiệp điện ảnh Hong Kong bởi cơ sở khổng lồ này được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại nhất thời bấy giờ, đủ khả năng để sản xuất tất cả các loại phim. Thời kỳ hưng thịnh, đây là nơi làm việc của hơn 1.300 nhân viên, sản xuất đến hàng ngàn bộ phim. 

Năm 1967, Thiệu Dật Phu thành lập Đài Phát thanh Truyền hình Hong Kong (TVB) với mong muốn mở rộng thêm trong lĩnh vực truyền hình. Đến năm 1971, ông mở lớp đào tạo nghệ sĩ đầu tiên, sau này đây chính là nơi đưa nhiều tên tuổi lớn của xứ Hương Cảng vươn ra thế giới và thành công vang dội đến ngày hôm nay. Những thiên vương, thiên hậu của TVB thời ấy từng là thanh xuân tươi đẹp giờ trở thành ký ức khó quên của nhiều thế hệ  như Lưu Đức Hoa, Lương Triều Vỹ, Châu Tinh Trì, Trương Mạn Ngọc... 

Năm 1972, Shaw Brothers cho ra đời Five Fingers of Death (Đệ nhất quyền vương) bộ phim kung-fu đầu tiên được phát hành bởi một nhà phân phối chính thống của Mỹ. Tác phẩm đứng đầu bảng xếp hạng phòng vé khi được phát hành ở Mỹ một năm sau đó. 

Thập niên 80-90 là thời kỳ phát triển và thăng hoa rực rỡ của TVB với làn sóng ảnh hưởng lan tỏa khắp Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và nhiều nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam. Vì vậy, có thể nói, phim trường Thiệu Thị chính là nhân chứng cho một thời hoàng kim của điện ảnh và truyền hình Hong Kong.

Hoang tàn đau lòng

Sau giai đoạn kỷ nguyên vàng, việc kinh doanh của Thiệu Thị bắt đầu có sự suy giảm đáng kể, Movietown không còn giữ được vị thế như trước đây. Một phần lý do dẫn tới điều này là quyết định tập trung vào sản xuất phim truyền hình của Shaw Brothers.

Vào năm 1995, kho đạo cụ bất ngờ bị hỏa hoạn khiến toàn bộ đạo cụ bị thiêu rụi và sau đó cũng được tu sửa lại nhưng không giữ được sự nguyên vẹn như xưa. Bộ phim duy nhất và cuối cùng mà phim trường sản xuất là vào năm 2003. Vào năm này, phim trường TVB lúc bấy giờ phải di dời, chuyển đến Tseung Kwan O và tồn tại đến ngày nay.

Thời đại internet phát triển, nền văn hóa của các nước Nhật, Hàn, Thái Lan... ngày càng phát triển mạnh hơn thì những chương trình truyền hình của TVB không còn thịnh như ngày xưa. Ngay cả những người dân sống ở Hong Kong cũng phải công nhận rằng TVB đã thật sự là dĩ vãng.

Phim trường Thiệu Thị giờ đây chỉ là cảnh hoang tàn rùng rợn. Trong ấn tượng của nhiếp ảnh gia Trương Nhất Phương, thứ xuất hiện trước mặt ông khi đến đây là một phim trường tồi tàn. Các bức tường phủ đầy rêu xanh cùng những dây leo. Chỉ có biển hiệu ở ngay cổng vào mới nhắc lại cho người ta biết nơi đây từng lừng lẫy thế nào. 

Bước vào cổng chính của phim trường Thiệu Thị có thể thấy được một con dốc cao và kéo dài đến cuối đường. Đó là Tòa nhà Phát thanh Truyền hình TVB HOUSE. Đội ngũ nhiếp ảnh gia đã cố gắng tiến vào sâu hơn nhưng lại vô tình bước vào nơi kích hoạt báo động cảm ứng nên họ đành nhanh chóng rút lui. 

Khung cảnh phim trường hoang tàn ngày nay... 

Từ năm 2007, toàn bộ khu phức hợp đã bị bỏ hoang nhưng hầu như tất cả mọi đồ vật cũ vẫn còn được để nguyên và cứ thế mục nát dần theo thời gian. Phim trường Thiệu Thị cũ bắt đầu rơi vào cuộc chiến giữa chủ đất và Hội đồng Quy hoạch Thành phố để quyết định xem khu đất này sẽ được xử lý như thế nào. Cuối năm 2014, Hội đồng Tư vấn Cổ vật Thành phố ban hành quyết định công nhận Movietown là di tích lịch sử cấp 1 cần được bảo tồn. Cũng trong năm 2014, huyền thoại Thiệu Dật Phu đã qua đời ở độ tuổi 107.

Nhiếp ảnh gia họ Trương cho hay, sau khi từ phim trường Thiệu Thị quay về ông mới biết rằng tại đây có rất nhiều vụ tự tử, đặc biệt là khu nhà nghỉ dành cho nhân viên. Có người nói rằng, vào những năm 60, ở phim trường Thiệu Thị xuất hiện nhiều câu chuyện kinh dị không khác gì phim. 

Năm 1966, một nữ diễn viên trực thuộc hãng phim Thiệu Thị tên Lý Đình đã treo cổ tự vẫn tại phòng tắm trong phòng 102, nằm ở tầng 3 của khu nhà dành cho nhân viên cũ. Đến năm 1969, một đạo diễn tên Tần Kiếm, người thất bại trong hôn nhân, từng cờ bạc thiếu nợ và ngoại tình với Lý Đình cũng đã treo cổ cùng một vị trí với nhân tình. 

Ngoài ra, còn rất nhiều diễn viên khác cũng quyết định quyên sinh tại đây khiến phim trường ngày càng trở nên u ám không gì có thể diễn tả được. Vì thế nên không có gì lạ khi phim trường Thiệu Thị được người dân Hong Kong đưa vào danh sách những nơi đáng sợ nhất xứ Cảng thơm. Cho đến nay, các nghệ sĩ TVB khi nhắc đến phim trường Thiệu Thị còn có một hành động bất thành văn chính là khi quay phim không nên nhìn trần nhà vì có thể nhìn thấy những điều không nên thấy. 

Rời khỏi khu vực nhà nghỉ, đội ngũ nhiếp ảnh gia tiếp tục bước vào trường quay của tòa nhà. Họ nói rằng để tìm kiếm một ánh sáng rõ ràng thật sự rất khó khăn, may mắn thay mọi người đều có đèn pin mạnh nên cũng có thể nhìn được một vài thứ. Đó là những tạp chí rải rác, áp phích phim cũ, đĩa mềm và nhiều vật phẩm khác.

Đọc thêm