Phim Việt lại luẩn quẩn với đồng tính

(PLO) - Mới đây, đoàn làm phim “Xóm trọ 3D” đã có buổi ra mắt khán giả. Như vậy, sẽ có thêm một bộ phim đề tài đồng tính xuất hiện trong làng điện ảnh Việt. Chỉ từ vài tháng đầu năm 2017, đã có 3 bộ phim về đề tài này được công chiếu.
Một cảnh trong phim Lạc giới
Một cảnh trong phim Lạc giới

“Xóm trọ 3D” được dựng phim từ vở kịch cùng tên được diễn ở sân khấu kịch Phú Nhuận của nghệ sĩ Hồng Vân. Đây là một vở kịch khá ăn khách, nội dung xoay quanh cuộc sống nơi một xóm trọ có nhiều người đồng tính sinh sống. Theo đánh giá chung, vở kịch có tính chất hài hước, nhẹ nhàng, khá cảm động, nhưng kịch bản chỉ ở mức tầm tầm, không mới mẻ, nên kì vọng ở bộ phim cũng không quá cao.

Điều đáng nói là, bộ phim công chiếu ở thời điểm ngay sau thành công tương đối của phim “Lô Tô”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, một bộ phim cùng đề tài và có nội dung khá tương đồng về một đoàn hát hội chợ gồm những người đồng tính. Trước đó không lâu, phim “Hot boy nổi loạn” phần 2 của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng về đề tài đồng tính đã được công chiếu tại các cụm rạp.

Điện ảnh Việt trong vài năm gần đây đã xuất hiện khá nhiều phim điện ảnh đề tài này. Nếu như nhiều năm về trước, các bộ phim về đồng tính thường mang nội dung phê phán thì những phim trong 3 năm trở lại đây đã có sự đổi mới trong tư duy khi khai thác sâu hơn ở khía cạnh tâm lý, về thân phận nhưng con người “lạc giới”.

Những sản phẩm điện ảnh ăn khách như “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Cầu vồng không sắc”, “Yêu”, “Lô Tô”... đã giúp khán giả hiểu và cảm thông cho những người sinh ra đã mang hình hài khác với giới tính thật của mình. Không ít phim trong số đó lấy được nước mắt khán giả. Cũng chính vì thế, phim về đề tài đồng tính mỗi khi ra mắt đều tạo ra sức hút nhất định đối với công chúng.

Song, cái gì nhiều quá cũng đâm ra nhàm. Đến phim “Lô Tô”, không ít khán giả đã nhận ra yếu tố “bi kịch hoá” thân phận người đồng tính trong các tình tiết của phim. Cụm từ “trôi sông lạc chợ” được lặp đi lặp lại  vài chục lần trong phim để nhấn mạnh sự khốn khổ của những người đồng tính của gánh hội chợ, nhưng cũng chính sự nhấn mạnh quá mức ấy đã tạo ra sự khiên cưỡng, cảm giác “nhai sạn” cho người xem.

Với “Xóm trọ 3D”, khán giả hy vọng sẽ không bắt gặp những tình tiết cường điệu, biến người đồng tính thành những người đáng thương hại trong con mắt xã hội. Giờ đây, khi đời sống phát triển, quan niệm xã hội đã cởi mở hơn nhiều thì đồng tính  đã trở thành một chuyện hết sức bình thường trong đời sống đa dạng. Xã hội, số đông đã tiếp nhận họ như bao điều thường nhật, không có gì lạ lẫm. Chính vì thế, điện ảnh “thương vay khóc mướn” cho phận người đồng tính nhiều quá sẽ trở nên quá lố, phi thực tế. 

3 bộ phim đề tài đồng tính trong vòng vài tháng ngắn ngủi có lẽ là đã đủ cho thị trường Việt. Còn rất nhiều mảng đề tài hay, nhân văn, mới mẻ mà các nhà làm phim có thể khai thác để thị trường phim Việt phong phú và chất lượng hơn. Luẩn quẩn trong mảng đề tài về người đồng tính, điện ảnh sẽ dễ trở nên cùn mòn, dễ dãi, thậm chí bị khán giả từ chối, bởi sự “bội thực” trước một món ăn đã nếm quá nhiều lần.

Đọc thêm