Phòng, chống mại dâm đang... “tát nước theo mưa”

(PLO) - Không phải bây giờ mà từ rất lâu rồi, các nhà quản lý lĩnh vực này đã thừa nhận chúng ta vẫn chưa thực sự kiểm soát được hoạt động mại dâm. Và đó đây, tệ nạn này vẫn lẩn khuất trong bóng tối, âm thầm bào mòn và làm băng hoại đạo đức xã hội. 
Mại dâm truyền thống liên quan đến các tụ điểm có chiều hướng giảm nhưng lại xuất hiện nhiều loại hình mới đòi hỏi phải có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Ảnh minh họa
Mại dâm truyền thống liên quan đến các tụ điểm có chiều hướng giảm nhưng lại xuất hiện nhiều loại hình mới đòi hỏi phải có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Ảnh minh họa
Vậy phải làm gì để hoạt động phòng, chống tệ nạn trên không “tát nước theo mưa” như một số nhà chuyên môn và quản lý lĩnh vực này đã nhận xét?
Có mại dâm thì mới có phòng chống?
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động phòng chống mại dâm (MD) giai đoạn 2011-2015 vừa được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tổ chức sáng 23/10 tại Hà Nội, đại diện Bộ Công an cho hay, loại hình MD có tính chất truyền thống, liên quan đến các tụ điểm, lợi dụng các dịch vụ ăn nghỉ, vũ trường, karaoke, café, tẩm quất, mát xa… có chiều hướng giảm, nhưng lại xuất hiện các loại hình mới như công ty tổ chức sự kiện; MD “sex tour”; công ty cho thuê người trá hình; MD đồng tính... 
Đặc biệt, nhiều đối tượng còn lợi dụng mạng xã hội để môi giới mua bán dâm. Qua công tác đấu tranh xử lý, trong giai đoạn 2011-2015, cơ quan chức năng đã phát hiện và triệt phá hơn 578 vụ, xử lý hàng trăm chủ chứa và đối tượng môi giới MD. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy còn nhiều tồn tại, khó khăn trong hoạt động phòng chống, đấu tranh với loại tội phạm này. 
Cụ thể, việc nghiên cứu dự báo tình hình vẫn chưa kịp thời, khoa học, nhất là với đối tượng MD mới; các văn bản pháp luật chưa mang tính răn đe; chế tài còn thiếu; việc cấp giấy chứng nhận kinh doanh các loại hình có MD hoạt động chưa chặt chẽ; MD qua mạng ngày càng phổ biến nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn…
Đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nam Định cũng cho biết, hiện tình hình MD ở “điểm nóng” Quất Lâm đã tạm lắng dịu. Nhưng, khó khăn vẫn còn rất nhiều mà điển hình phải kể đến những vướng mắc về quy định pháp luật không đủ sức răn đe. Mặt khác, người bán dâm chủ yếu đến từ các tỉnh, thành khác nên cơ quan chức năng địa phương chỉ quản lý được về vấn đề cư trú, các vấn đề khác vẫn không kiểm soát được. 
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng chưa xử lý được các chủ chứa, mà chỉ xử lý được đối tượng môi giới. Cùng với đó là những khó khăn về nhân lực, vật lực cho hoạt động phòng chống MD… Vì những lý do trên, hoạt động phòng chống MD trên địa bàn Nam Định vẫn chưa thực sự có hiệu quả. 
“Thực tế, công tác phòng chống MD của chúng ta đang “đi theo” hoạt động MD, vì thế phải tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát, quản lý tệ nạn này” – ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định.
Đến lúc phải có luật
Trước thực trạng trên, đa số các đại biểu đều cho rằng, Bộ LĐ,TB&XH cần thiết phải phối hợp các bộ, ban ngành xem xét sửa đổi các hình thức xử phạt theo hướng nghiêm khắc hơn để mang tính răn đe, giáo dục người vi phạm, làm gương cho kẻ khác; đồng thời bổ sung các hình thức xử phạt trong trường hợp các đối tượng bán dâm thực hiện hành vi như kích dục… 
Tán thành quan điểm này, đại diện Bộ Tư pháp có ý kiến đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách MD phải thay đổi tư duy làm luật, nghĩa là không “chữa” bằng các biện pháp tình thế mà phải tìm ra các nguyên nhân để phòng, chống. Cụ thể, nguyên nhân chính của hoạt động MD là vì đói nghèo, không có công ăn việc làm nên họ phải bán dâm, vì thế phải tập trung giải quyết vấn đề đói nghèo, giúp họ thoát nghèo… 
Ngoài ra, vấn đề MD đồng tính, xử lý các hành vi kích dục cũng nên quy định trong Bộ luật Hình sự sửa đổi vì thực tế, các hành vi tình dục hiện nay rất phong phú, không chỉ duy nhất hành vi giao cấu và giao cấu giữa nam với nữ với nhau... Đặc biệt, theo quan điểm của vị đại diện Bộ Tư pháp, đã đến lúc chúng ta phải nâng Pháp lệnh Phòng chống MD lên thành luật.
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành, hiện số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, tập trung nhiều ở một số khu vực như: Đồng bằng sông Hồng (3.673 người), Đông Bắc (913 người), Bắc Trung bộ (887 người)… Người mua dâm thuộc nhiều đối tượng, thành phần, trong đó đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, làm ăn tự do chiếm 75,7%, doanh nghiệp 20%, cán bộ, công nhân viên chức 3%…

Đọc thêm