Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 11): Ý nghĩa của những phương thức ma thuật trong tín ngưỡng phồn thực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc thờ thủy thần và thần rắn tại các tứ trấn Việt Nam là biểu hiện của tín ngưỡng nông nghiệp bao gồm: Tín ngưỡng phồn thực, Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và Tín ngưỡng thờ Lúa... Tín ngưỡng phồn thực được thể hiện qua sự tôn sùng sinh thực khí nam nữ và hoạt động tính giao với những phương thức ma thuật.
Tái hiện nghi lễ phồn thực trong Lễ hội Trò Trám ở Phú Thọ.
Tái hiện nghi lễ phồn thực trong Lễ hội Trò Trám ở Phú Thọ.

Khám phá tín ngưỡng phồn thực

Tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng bản địa khá phổ biến ở các quốc gia lấy nông nghiệp làm phương thức sống. Làng xã Việt trong lịch sử hàng nghìn năm gắn với nông nghiệp lúa nước nên bảo lưu những tập tục nguyên sơ, phản ánh ước vọng phồn thực và an bình qua nhiều lễ thức thấm đẫm văn hóa Việt cổ. Trong đó có tục thờ sinh thực khí và các dâm thần, thờ hành vi giao phối hoặc tái hiện hành vi tính giao qua một số nghi lễ hàng năm.

Phồn thực là từ Hán Việt với nghĩa phồn: nhiều, thực: nảy nở. Còn sinh thực khí có nghĩa là sinh là đẻ, thực là nảy nở, khí là công cụ. Vào thời xa xưa, để phát triển sự sống, để cho con người sinh sôi cần hình thức sản xuất lúa gạo (để duy trì cuộc sống) và sản xuất con người (để kế tục dòng giống). Hai hình thức này có bản chất giống nhau, đó là sự kết hợp của hai yếu tố khác loại (đất và trời, mẹ và cha).

Từ thực tiễn đó, tư duy cư dân nông nghiệp Đông Nam Á đã phát triển theo 2 hướng: Một là những nhà triết học đi tìm quy luật khách quan để lí giải hiện thực và tìm được triết lí âm dương. Còn những người có trình độ hạn chế chỉ thấy trực quan sinh động thì thấy ở hiện thực một sức mạnh siêu nhiên, bởi vậy mà sùng bái nó như thần thánh, kết quả là xuất hiện tín ngưỡng phồn thực.

Với cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, các biểu tượng âm - dương, đất - trời, non - nước là những nhân tố chính tạo nên sự sinh sôi nảy nở của vạn vật, tất cả quyện hòa giữa sinh khí tự nhiên để tồn tại và phát triển. Theo các nhà nghiên cứu, dù ở bất kỳ dạng thức nào, dù mang tính thiêng hay tính trần tục thì tín ngưỡng phồn thực cũng in dấu đậm nét trong đời sống của người dân Việt.

Tượng đá, hình nam nữ với bộ phận sinh dục phóng to có niên đại hàng nghìn năm trước Công nguyên được tìm thấy ở Văn Điển (Hà Nội), ở thung lũng Sa Pa (Lào Cai), ở nhà mồ Tây Nguyên. Tại Phú Thọ, Hà Tĩnh và nhiều nơi khác có tục thờ cúng mõ (nõ) nường (nõ là cái nêm, tượng trưng cho sinh thực khí nam; nường lá cái nang, mo nang, tượng trưng cho sinh thực khí nữ). Ở hội làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) có tục rước sinh thực khí (bằng gỗ), tan hội chúng được đem đốt và tro chia cho mọi người mang rắc ra ngoài ruộng - hành động này như một ma thuật truyền sinh cho mùa màng...

Hình ảnh bầu vú người phụ nữ xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm điêu khắc Chăm, thể hiện ảnh hưởng của tín ngưỡng phồn thực và xã hội mẫu hệ. Hình ảnh bầu vú người phụ nữ xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm điêu khắc Chăm, thể hiện ảnh hưởng của tín ngưỡng phồn thực và xã hội mẫu hệ.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, từ thời xa xưa, chày và cối - bộ công cụ thiết thân của người nông nghiệp Đông Nam Á - đã là những vật tượng trưng cho sinh thực khí nam và nữ, còn việc giã gạo là tượng trưng cho hành động giao tiếp. Không phải ngẫu nhiên mà trong vô vàn cách tách vỏ trấu khỏi hạt gạo, người Đông Nam Á đã chọn cách này, trên các trống đồng khắc rất nhiều những hình nam nữ giã gạo từng đôi.

Không thấy mối liên hệ giữa việc giã gạo với tín ngưỡng phồn thực, sẽ không hiểu được tục “giã cối đón dâu”: nhà trai bày chày cối trước cổng, khi dâu về đến nơi thì người nhà trai cầm chày mà giã không vào cối mấy tiếng - đó là nghi lễ cầu chúc cho đôi vợ chồng trẻ được đông con nhiều cháu.

Phát hiện của các nhà nghiên cứu văn hóa cho thấy vai trò của tín ngưỡng phồn thực trong đời sống của người Việt cổ lớn tới mức chiếc trống đồng - biểu tượng sức mạnh và quyền lực của người xưa - đồng thời cũng là biểu tượng toàn diện của tín ngưỡng phồn thực: Trước hết, hình dáng trống đồng được phát triển từ cối giã gạo.

Thứ hai, cách đánh trống dạng theo lối cầm chày dài mà đâm lên mặt trống được khắc trên chính các trống đồng và còn được bảo lưu ở ngươi Mường hiện nay là mô phỏng động tác giã gạo - động tác giao phối. Thứ ba, trên tâm mặt trống là hình mặt trời với những tia sáng hiểu trưng cho sinh thực khí nam, và giữa các tia sáng là một hình lá với khe ở giữa hiểu trưng cho sinh thực khí nữ.

Thứ tư, xung quanh mặt trống thường gắn tượng cóc - con cóc trong ý thức của người Việt là “cậu ông trời”, mang theo mưa, khiến cho mùa màng tốt tươi, cũng là một dạng biểu trưng của tín ngưỡng phồn thực. Cuối cùng, tiếng trống đồng rền vang mô phỏng âm thanh của tiếng sấm - cùng mang ý nghĩa trên.

Ngay cả những hiện tượng tưởng chừng rất xa xôi như chùa Một Cột vuông (âm) đặt trên một cột tròn (dương), cột tròn lại đặt trong cái hồ vuông (âm), hồ vuông này xưa nằm trên đảo trong hồ Linh Chiểu hình tròn (dương): tháp Bơi (dương) bên cạnh đài Nghiên (âm) ở cổng đền Ngọc Sơn; cửa sổ tròn (dương) trên gác Khuê Văn soi mình xuống hồ vuông Thiên Quang Tỉnh (âm) trong Văn Miếu... tất cả đều liên quan tới tín ngưỡng phồn thực.

Dấu ấn tín ngưỡng phồn thực trên nắp thạp đồng tìm được ở Đào Thịnh (Yên Bái).

Dấu ấn tín ngưỡng phồn thực trên nắp thạp đồng tìm được ở Đào Thịnh (Yên Bái).

Mô-típ hoang đường về các nữ thần hoang dâm

Về ý nghĩa của tín ngưỡng phồn thực của người Việt xưa, GS.Hà Văn Tấn viết: “Một trong những tín ngưỡng nguyên thủy còn tàn dư rõ nét ở người Việt là tín ngưỡng phồn thực. Các bộ phận sinh dục nam nữ ở một đôi nơi cũng được thờ làm thần, tất nhiên dưới hình thức kín đáo, vì dưới mắt của nhà nho, đó là các ‘dâm thần’”.

Tín ngưỡng phồn thực luôn phổ biến trong dân gian từ thời xa xưa cho tới tận ngày nay. Nó tồn tại ở khắp mọi nơi, từ vùng núi đến đồng bằng và cả vùng biển, đảo... Các vị thần của tín ngưỡng phồn thực chính là các dâm thần. Do ảnh hưởng của tín ngưỡng phồn thực, nhiều làng đã thờ các dâm thần làm Thành hoàng làng.

Qua khảo sát về thần thoại và truyền thuyết các dân tộc Việt Nam, có thể thấy câu chuyện về các nữ thần hoang dâm của các dân tộc đều có cùng mô-típ (cùng cốt truyện). Các nhân vật chính trong cốt truyện đều nổi bật về năng lực sinh dục hay sự sinh thành, có thể nghĩ rằng họ là nữ thần sinh dục hay nữ thần mẹ từ thời nguyên thuỷ; rồi theo thời gian trở thành vị chúa tể của các loài muông thú ở thời kỳ săn bắn; nữ thần phồn thực của xã hội nông nghiệp và anh hùng văn hoá của xã hội nông nghiệp mà ở đó thủ công nghiệp đã ra đời…

Kho tàng văn hóa dân gian thời Hùng Vương đã để lại nhiều dấu ấn của tín ngưỡng này, trong đó có câu chuyện về Bà Nàng. Xóm Ðồng Than, làng Mường Thu Cúc (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) thờ một dâm thần là nữ giới tên là Bà Nàng. Tương truyền Bà Nàng là con gái nhà Lang (con quan thổ lang). Vì khỏe ăn nằm với bao nhiêu anh con trai cũng không thỏa, Nàng phải dùng con ngựa đực thay thế đàn ông nên bị chết.

Dân làng lập miếu thờ để cầu Bà Nàng phù hộ cho đàn bà khỏe mạnh đẻ nhiều. Các buồng con dâu ở Ðồng Than đều lập bàn thờ để thờ Nàng. Lễ hội cầu mùa hàng năm người ta dựng lán lớn ở giữa đồng làng, rước chân nhang từ miếu thờ Nàng về để cúng tế cầu cho mùa màng tươi tốt. Tính dâm của Bà Nàng được thiêng hóa thờ lễ cho cả con người và cây trồng đều sinh sôi phát triển.

Người Ba Na cũng có thần thoại tương tự. Theo đó, đầu tiên vũ trụ là hồng hoang. Tự nhiên sinh ra hai vị thần Bok Kdơl (nam thần) và Ya Konkeh (nữ thần), hai vị thần này đã lập ra vũ trụ rồi lấy nhau và sinh ra được 3 người con, một là nữ thần Ya Pôm ở trên trời, Hai người còn lại một trai, một gái xuống đất làm người và được gọi là Ya, Bok (bà, ông). Họ là tổ tiên của loài người... Trong số con cháu của hai vị tổ có một người hoang dâm vô độ gọi là Bơnăl.

Một hôm gã dùng bùa mê để ngủ với Bia Phu, con gái của vua Roh, làm vua tức giận giết chết Bơnăl. Bia Phu không chọn được ai vừa ý, bèn lấy ngựa, rồi thủng bụng mà chết. Vua Rơh giết ngựa lấy lòng ăn còn đem da bịt trống đánh chơi, nào ngờ nghe tiếng trống, mọi người từ già chí trẻ đều nổi máu dâm. Vua bèn ném trống xuống sông cho trôi mất tích, nhưng trống trôi đến đâu, hễ ai vớt lên đánh là mọi người nghe được lại lao vào những chuyện tình bậy bạ.

Vì tiếng trống mà con người ngày càng trở nên “xấu xa”, thần Kơidơi tức giận gây nạn hồng thuỷ cho chết hết, chỉ còn hai anh em nhờ thần cho biết trước và khuyên chui vào một cái trống lớn mà thoát chết, sau đó lấy nhau tái sinh ra loài người. Vì vậy mà tổ tiên loài người sau nạn hồng thuỷ được gọi là Ya và Bok Sơgơr (ông và bà trống). Ngày nay trong lễ bỏ mả của người Ba Na cứ khi tiếng trống nổi là có một số người đàn ông trang điểm kỳ dị nhảy múa làm các động tác tình dục ngay trước mặt những người phụ nữ tham gia lễ hội.

Sinh thực khí Yoni ở Tháp Chàm.

Sinh thực khí Yoni ở Tháp Chàm.

Theo TS.Ngô Văn Doanh, nữ dâm thầm được người Gia Rai kính trọng và tôn thờ là Kroih. Huyền thoại của tộc người này kể rằng: không ai biết cha mẹ của nàng là ai, từ buôn nào tới, chỉ biết người ta thường gọi nàng là Hơ Kroih. Hơ Kroih không đẹp, xấu là đằng khác. Nhưng khi còn là con gái, nàng nổi tiếng khắp vùng vì cặp đùi thon tròn lẳn như bắp chuối, trắng ngần như nõn chuối.

Hơ Kroih không chỉ xấu mà còn sống rất buông thả, nên các chàng trai đều sợ không dám làm chồng nàng. Chỉ thỉnh thoảng vì mê cặp đùi mà các tù trưởng mới lấy nàng làm vợ. Nhưng Hơ Kroih chỉ sống với các ông chồng của mình một thời gian rất ngắn, rồi lại bỏ đi sống lang thang nay đây mai đó. Chán sống với người, Hơ Kroih bỏ vào rừng sống và làm vợ muông thú. Lúc thì nàng làm vợ chó lúc thì làm vợ hổ, báo, ngựa... Vì vậy, mà nàng được coi là nữ chúa của muông thú. Tuy xấu và sống buông thả nhưng Hơ Kroih lại rất tốt với con người và đã từng làm nhiều điều tốt cho con người.

Dâm thần không chỉ là nữ giới mà còn là nam giới. Xóm Quẽ ở làng Thu Cúc thờ dâm thần là nam giới. Miếu thờ làm trước bến tắm của đàn bà con gái với ý niệm cầu mong thần phù hộ cho họ được sinh năm đẻ mười. Dân gian giải thích miếu thờ dựng ở đấy cho thần ngày ngày được xem đàn bà tắm.

Kỳ bí Dâm thần làm Thành hoàng làng

Qua khảo sát, có thể thấy, các cặp dâm thần được thờ tương đối phổ biến là ông Khiu - bà Khiu; ông Cồ - bà Cộc; ông Đùng - bà Đà, hay ông Dằng - bà Dõi (người dân làng Xuân Sơn, phú Thọ gọi là ông Dằng - bà Dí). Các cặp dâm thần này được nhiều làng thờ làm Thành hoàng làng. Như làng An Xá (xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) thờ ông Đùng - bà Đà làm Thành hoàng làng. Hàng năm, người dân nơi đây còn tổ chức lễ hội với các trò diễn diễn lại các hành động mang tính giao phối rõ rệt vào các ngày 4-12/4 Âm lịch.

Theo thần thoại, tương truyền, lâu lắm rồi, ở một ngôi làng nọ có 2 chị em sinh đôi, sinh ra đã có vóc dáng to lớn khác người. Không chịu được những lời chê bai của làng xóm nên bố mẹ đã bỏ hai chị em ra ngoài bìa rừng. Càng lớn, hai chị em càng có thân hình to dị thường, bị dân làng xa cách nên không thể kết hôn với người trong làng được. Hai chị em quyết định bỏ làng ra đi và hẹn nhau trên đường nếu gặp người nào hợp duyên thì kết hôn với người đó. Họ chia tay mỗi người theo một hướng, đi vòng quanh một quả núi.

Sau bao ngày tìm kiếm vất vả mà chẳng gặp một ai, cuối cùng họ gặp lại nhau. Cho đó là định mệnh, hai người sống với nhau như vợ chồng. Sau đêm tân hôn, họ đều cảm thấy tội lỗi. Vì thế, nhiều lần người vợ đã bỏ trốn, người chồng phải đi tìm về. Và cứ thế họ sống với nhau trong mặc cảm tội lỗi và sự chê bai của xóm làng.

Tin đồn hai chị em ruột lấy nhau đến tai nhà vua. Biết chuyện, nhà Vua đã xử họ tội loạn luân và đem ra chém để răn đe mọi người. Sau khi chết, dân làng lập đền thờ phụng và coi họ là Thành hoàng làng.

Lễ hội phồn thực của người Chăm.

Lễ hội phồn thực của người Chăm.

Trong tín niệm của người Chàm có một vị nữ dâm thần gọi là Yang Tàrỉ, thường sống lang thang ở những nơi hang sâu cùng cốc, những người đàn ông đi rừng hay bị vị này chòng ghẹo. Vị thần này hay nương mình trong các hòn đá, ngày nay nếu chúng ta có dịp đi vào rừng sâu thấy những hòn đá trên đó được đánh 3 vạch vôi theo hình tam giác (hai mắt một mũi) thì đấy là biểu tượng của vị thần này.

Muốn cho bà không trêu ghẹo thì phải mang rượu, trứng đến cúng, nhỡ lúc chưa có lễ vật thì có thể nhặt một số hòn sỏi (tương trưng cho lễ vật) đặt lên trước biểu tượng của bà (hòn đá có 3 vạch vôi) mà khấn vái. Lần khác nếu còn quay trở lại đây, muốn được yên thân thì phải nhớ mang rượu trứng đến cúng bà.

Ngoài các “dâm thần” có tên tuổi, được thờ làm Thành hoàng. Nhiều làng quê Việt vẫn thờ những “dâm thần” không rõ tên tuổi như việc thờ “dâm thần” ở làng Chảy (Hà Nam), thần đa tình ở Hoài Bão (Bắc Ninh), hay việc thờ một cặp “dâm thần” ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh), thờ Chúa trai, Chúa gái ở nhiều làng thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ...

Tục tắt đèn ở làng La Khê Nam, tục gọi là làng La, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, (nay là huyện Hoài Đức, Hà Nội) bắt nguồn từ việc làng thờ một thần đạo chích lại dâm bôn làm Thành hoàng. Do thần làng sinh thời làm nghề ăn trộm lại dâm bôn nên sau lễ tế vào đêm rã đám thì tất cả đèn đuốc trong làng được tắt hết.

Trong khoảng một giờ, tất cả dân làng, già trẻ lớn bé tha hồ sờ soạng trong bóng tối, tha hồ ăn trộm lẫn nhau, cho đến khi đèn đuốc được thắp sáng trở lại như không có chuyện gì xảy ra. Lệ làng như thế cho nên ca dao có câu: “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy / Vui thì vui vậy, chẳng tày rã đám làng La”.

GS.Hà Văn Tấn kể rằng, trong hội làng ở xã Dị Nậu (huyện Tam Thanh, Phú Thọ) có tục “cướp kén”. Có 36 bộ kén (cũng còn được gọi là nõ nường), tức 36 cặp sinh thực khí nam và nữ, sinh thực khí nam làm bằng gỗ, sinh thực khí nữ làm bằng mo cau. Sau khi tế lễ xong những sinh thực khí này để cho dân làng cướp. Người ta tin rằng ai cướp được “kén” năm đó sẽ được may mắn, sinh con đẻ cái, được mùa.

Xóm Trào làng Mường Mỹ Thuận (Phú Thọ) có tục đóng cọc dài chắc khỏe từ trên sàn gian buồng cô dâu xuống đất trong ngày cưới để vợ chồng lúc hợp hôn ôm cọc lấy khước. Cái cọc ở đây tượng trưng cho vật giống nam, đóng xuống cái lỗ là vật giống nữ. Hai thứ Linga và Yoni ấy đã được thần linh tác hợp nên vợ chồng ôm vào đấy khi động phòng sẽ được phù hộ sinh năm đẻ mười.

Từ việc thờ cúng các dâm thần, các hoạt động tính giao với những phương thức ma thuật được các làng tổ chức hàng năm. Trong lễ hội ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) vào dịp đầu xuân, trong phần hội có múa Nỏ Nường. Khi các “nam thanh” kẹp những cái “nõ” giống như linga (dương vật) “chọc” thì các “nữ tú” tung cái “nường” làm bằng mo cau tượng trưng cho yoni (âm hộ) lên hứng.

Còn ở Tứ Xã (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), trong lễ hội đầu xuân, cũng có điệu múa “Linh tinh tình phộc” được thực hành “rầm rộ” và gợi cảm hơn nhiều... Tại các tộc người ở miền núi phía Bắc dạng sinh hoạt tín ngưỡng này cũng khá phổ biến.

Người dân cho rằng, tôn thờ hành vi giao phối và thực hành, phô diễn lại những hành vi hợp thân của nam nữ trong lễ hội cúng thần linh mang ý nghĩa “ma thuật”, làm mẫu để kích động cây cối, nhắc nhở trời đất. Từ đó, hạt giống, cây trồng cũng như các sinh vật khác “bắt chước” mà sinh sôi, nảy nở để người dân có được vụ mùa bội thu, cuộc sống no đủ. Đó cũng chính là lý do, người dân không thể bỏ qua những động tác giao hoan thể hiện sự hòa hợp âm-dương trong lễ hội.

(Còn nữa)

Đọc thêm