Phỏng vấn kết hôn: Thủ tục loại bỏ hôn nhân trá hình?

(PLO) - Phỏng vấn trước khi kết hôn với người nước ngoài là thủ tục bắt buộc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Cục hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực cho biết, nhiều địa phương phản ánh thủ tục này đang là rào cản mang tính hình thức, vì qua phỏng vấn cũng chưa phát hiện nhiều trường hợp nào kết hôn trục lợi để từ chối...
Làm thủ tục phỏng vấn để kết hôn với người nước ngoài.
Phỏng vấn giúp hiểu nhau hơn
Thời gian qua, nhiều vụ việc cô dâu Việt bị hành hung, thậm chí bỏ mạng ở xứ người gây rúng động dư luận. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm kịch chính là sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, phong tục tập quán... của những “người trong cuộc”. 
Thực tế, với nhiều trường hợp, việc kết hôn không dựa trên sự tự nguyện và xuất phát từ tình yêu mà qua người giới thiệu, môi giới bất hợp pháp hoặc với mong muốn xuất ngoại để “đổi đời”. Để tránh những cuộc hôn nhân trá hình, trước đây Nghị định 68, 69/CP đã có những quy định về phỏng vấn trước khi kết hôn, tuy nhiên việc thực hiện quy định này còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng phỏng vấn chỉ là hình thức. 
Khắc phục tình trạng nói trên, Thông tư 22 hướng dẫn Nghị định 24/CP đã quy định rõ những trường hợp bắt buộc phải đến Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để được tư vấn, hỗ trợ (ví dụ hai bên chênh lệch nhau từ 20 tuổi trở lên; người nước ngoài kết hôn lần thứ ba hoặc đã kết hôn và ly hôn với vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam; hai bên chưa hiểu biết về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của nhau; không hiểu biết về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình của mỗi nước).Tuy nhiên, thủ tục cấp Giấy xác nhận này cũng gây nhiều phiền toái khi cả nước chỉ có khoảng trên 20 Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành đang hoạt động.
Nghị định 126/CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình (có hiệu lực từ 15/2/2015) tiếp tục quy định bắt buộc phải phỏng vấn tại Sở Tư pháp nhằm “kiểm tra, làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn, mục đích kết hôn và mức độ hiểu biết của hai bên nam, nữ về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của nhau; về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình của mỗi nước”. 
Trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời, kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, kết hôn vì mục đích trục lợi khác hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của bên nam, bên nữ hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn thì Sở Tư pháp xác minh làm rõ.
Để phỏng vấn không phải là hình thức
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều địa phương, thủ tục phỏng vấn vẫn đang rất hình thức. Bởi lẽ các cuộc phỏng vấn hầu hết qua phiên dịch (cán bộ phỏng vấn của Sở Tư pháp không đủ ngoại ngữ để thực hiện phỏng vấn bằng tiếng nước ngoài). Các cuộc phỏng vấn thông thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nên cũng không thể qua đó biết được cuộc hôn nhân đó có xuất phát từ tình yêu, hay trục lợi gì không. Vấn đề này, chính Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực cũng thừa nhận:  “Qua phỏng vấn chưa phát hiện nhiều trường hợp kết hôn trục lợi để từ chối”.
Hiện nay, việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thành phố. Từ 1/1/2016 khi Luật hộ tịch có hiệu lực, thẩm quyền này sẽ phân cấp về cho cấp huyện. Với tính chất công việc mới, trình độ ngoại ngữ, hiểu biết của các cán bộ Phòng Tư pháp có hạn, trong khi lại phải đảm đương quá nhiều công việc... khiến nhiều người tỏ ra nghi ngại thủ tục phỏng vấn sẽ hình thức hơn nữa khi thực hiện luật mới.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 38 Luật Hộ tịch: “Chính phủ quy định bổ sung giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, việc phỏng vấn, xác minh mục đích kết hôn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn; thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam để kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên”. 
Như vậy, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết các vấn đề được coi là rào cản, tuy nhiên việc có quy định các thủ tục (trong đó có phỏng vấn kết hôn) hay không cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, để có cái nhìn đầy đủ về vấn đề này cần có đánh giá tổng thể hiệu quả của việc phỏng vấn kết hôn tại các Sở Tư pháp hiện nay, trong đó qua phỏng vấn đã từ chối bao nhiêu vụ, qua đó tham vấn rộng rãi ý kiến nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học để phỏng vấn kết hôn thực sự là một thủ tục cần thiết mà không phải là hình thức./.

Đọc thêm