Nguồn gốc của tội ác
Mặc dù bạch tạng xảy ra trên khắp thế giới, tuy nhiên căn bệnh này phổ biến nhất ở châu Phi với tỷ lệ 1/5.000 đến 1/15.000 người. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết có hàng chục ngàn người bạch tạng ở châu Phi. Không có cách chữa trị nào cho căn bệnh này.
Truyền thống lâu đời ở nhiều quốc gia châu Phi như Malawi, Tazania, Zambia... cho rằng người bạch tạng là những con ma bị nguyền rủa. Nhiều thầy phù thủy ở đây tuyên truyền việc những bộ phận cơ thể của người bạch tạng có thể giúp tránh vận đen, mang lại giàu có và thành công. Một bộ phận lớn người châu Phi tin rằng người bạch sẽ có ma thuật.
Các nghi lễ châu Phi và ý tưởng tâm linh về bệnh bạch tạng đã dẫn đến hàng loạt vụ giết người và tấn công dã man. Những ý tưởng này đã có từ nhiều thế hệ, nhưng trong nhiều năm gần đây, các phù thủy đã tuyên truyền thêm quan niệm sai lầm về lời hứa giàu có, thành công và quyền lực khi tóc hoặc tay chân của người bạch tạng được sử dụng trong một lọ thuốc. Nhiều kẻ thậm chí còn tin việc quan hệ tình dục với người bạch tạng có thể chữa trị được những căn bệnh thế kỷ như HIV/AIDS.
|
Một bé trai bạch tạng người Malawi luôn được cha mẹ trông coi từng bước vì sợ con bị phù thủy giết. |
Chính vì những lý do này mà người bạch tạng bị truy đuổi để giết lấy các bộ phận cơ thể, thậm chí cả đào trộm xác chết người bạch tạng để bán cho các phù thủy. Kẻ gây ra những tội ác này có thể là một kẻ cuồng tín, khát tiền, băng đảng tội phạm hay chính người thân trong gia đình của người bạch tạng.
Chính trị gia người Mỹ Gerry Connolly vào năm 2010 đã nhận định rằng: “Rõ ràng động lực chính gây ra những tội ác này là sự thiếu hiểu biết, hoang đường và mê tín dị đoan. Vì vậy chúng ta cần đưa ra những đạo luật bảo vệ những người bạch tạng”.
Sống trong sợ hãi
Vào ngày 9/7/2017, ở Owode Onirin (Nigeria), một nhóm tội phạm đã giết 4 người bạch tạng (2 phụ nữ và 2 đứa trẻ, trong đó có một đứa trẻ 9 tháng tuổi) để lấy máu bán cho các phù thủy làm “pháp thuật” với giá 35 triệu đồng đồng/ khăn. 4 nạn nhân bị giết khi cầu nguyện trong nhà thờ ở Owode Onirin.
“Các vụ giết người vì mê tín” không phải là hiện tượng mới ở Nigeria. Tuy nhiên, các vụ giết người của băng đảng Badoo khiến người ta khiếp sợ vì tần suất ngày càng tăng và cách thức tiến hành tội ác một cách man rợn của chúng. Băng đảng Badoo bắt đầu hành động vào năm 2016 khi một nữ giáo viên bị hãm hiếp và giết chết trong khu vực Ibeshe của Ikorodu. Sọ của cô bị đập bằng đá. Trước khi rời hiện trường, băng nhóm thậm chí còn viết chữ “Badoo” trên tường. Kể từ đó, đã có nhiều vụ giết người tương tự trên khắp thành phố.
Thành viên của băng đảng được cho là có sức mạnh ma thuật để xuất hiện và biến mất bí ẩn trong các cuộc tấn công. Băng đảng lấy máu của nạn nhân đựng trong quả bầu, sau đó nhúng khăn tay trắng vào để ngấm máu.
Babatunde Ogunyemi (một trưởng làng) kể: “Tin đồn là Badoo bán khăn tay ngấm máu cho những người làm phép thuật. Họ sử dụng chúng để kiếm tiền và chế bùa sức mạnh. Mỗi khăn tay máu trị giá 500.000 naira (khoảng 36 triệu đồng). Điều này giải thích tại sao băng đảng thường lấy toàn bộ máu của gia đình xấu số để kiếm được nhiều tiền hơn”.
Daily Mail dẫn lời một số nhà hoạt động vì quyền lợi của người bạch tạng cho hay nhiều người sẵn sàng bỏ ra 3.000-4.000 USD để mua một cánh tay, chân; hoặc 75.000 USD cho toàn bộ cơ thể người bạch tạng rồi đưa cho các phù thủy để chế tạo “bùa”. Những khoản tiền này cao gấp nhiều lần so với mức lương tối thiểu ở quốc gia nghèo thứ 15 thế giới và đang đe dọa nghiêm trọng cộng đồng người bạch tạng.
|
Băng đảng Badoo được cho là lấy máu của nạn nhân đem bán. |
Edna Cedrick (30 tuổi) sống cùng chồng và 2 đứa con song sinh bị bạch tạng tại một ngôi làng nghèo khó ở Malawi. Không chỉ đối mặt với nghèo đói, các gia đình có người bị bạch tạng như Edna còn phải mất ăn mất ngủ vì nạn bắt cóc, chặt các phần thi thể của người bạch tạng để bán cho các phù thủy.
Không may mắn đối với Edna, cô có 2 đứa con song sinh đều bị bạch tạng. Căn bệnh đáng sợ khiến da, tóc, màu mắt của 2 đứa trẻ trắng toát không thể nào giấu nổi giữa một bầy trẻ da màu. Chính vì thế, hiểm nguy luôn rình rập bất cứ lúc nào.
Bi kịch bắt đầu xảy ra vào một đêm chồng cô vắng nhà, một nhóm người lạ mặt đã ném đá vào căn nhà tồi tàn. Chúng đột nhập vào nhà, xé tan tấm màn chống muỗi và cướp 1 đứa bé từ vòng tay của cô.
“Trước khi tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra, chúng xé màn, túm lấy con trai của tôi. Tôi cố giành lại đứa bé bằng cách ôm chặt con và che chắn cho đứa còn lại nhưng không thể. Tôi hét lên nhưng khi họ hàng chạy đến, chúng đã mang đứa con của tôi chạy mất”, Edna kinh hoàng nhớ lại.
Vài ngày sau, Edna được gọi đến đồn cảnh sát địa phương, cô dường như điên loạn khi nhìn thấy thi thể không đầu của con trai, tứ chi cũng bị cắt. Đau đớn tưởng chừng đến chết nhưng cảnh sát Malawi vẫn chưa thể tìm ra được bọn ác nhân và trả lại công bằng cho gia đình Edna. Cách duy nhất bây giờ bà mẹ trẻ này có thể làm là bảo vệ đứa con còn lại của mình khỏi nguy hiểm.
Ác mộng bao giờ mới chấm dứt?
Theo số liệu của tổ chức Amnesty International, tính từ tháng 11/2014 đến 6/2016 đã có ít nhất 18 người bạch tạng ở Malawi bị giết hại. Tuy nhiên, trong thực tế các vụ giết người bạch tạng có thể cao hơn nhiều vì một số vụ xảy ra không được báo cáo. Cảnh sát Malawi cũng từng nhiều lần phát hiện các hố chôn chứa thi thể không nguyên vẹn của người bạch tạng ở khắp nơi.
Giới chức Malawi lý giải rằng bạo lực với người bạch tạng càng tăng khi nước láng giềng Tanzania - một quốc gia nổi tiếng với các phù thủy chuyên mua bán chân tay người bạch tạng làm bùa may mắn, áp đặt các biện pháp cứng rắn với hành động tàn bạo này.
Chính phủ Tanzania hiện đang nỗ lực xây dựng các khu trung tâm nhân đạo để bảo vệ những người bạch tạng. Tuy còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, nhưng ít nhất thì những người bạch tạng sống trong các trung tâm này có thể tránh được những cái chết thảm khốc do sự mê tín và thiếu hiểu biết của cộng đồng.
|
Một đứa trẻ bạch tạng may mắn sống sót sau khi bị "phù thủy" chặt đứt mất một cánh tay. |
Còn về phần mình, Chính phủ Malawi đã cấm các phù thủy hành nghề trong đất nước. Một tòa án cũng đưa ra lệnh cấm chữa bệnh bằng các hình thức mê tín tương tự để ngăn chặn các vụ tấn công giết hại.
Dù vậy, ông Deprose Muchena (Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế khu vực châu Phi) cho biết: “Làn sóng chưa từng có của các cuộc tấn công tàn bạo vào người bạch tạng đã tạo ra bầu không khí hoảng loạn, khiến họ phải sống trong lo sợ. Họ là người, không phải là động vật để sắn bắn hoặc buôn bán”.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, người bạch tạng bị phân biệt đối xử ở 23 quốc gia châu Phi, có nguy cơ bị sát hại, thậm chí chôn sống hay giết chết ngay khi chào đời. Trong đó, Malawi, Tanzani và Mozambique là 3 điểm nóng về các vụ tấn công tàn bạo vào những người bạch tạng. Nhóm người này thường xuyên bị săn đuổi, sát hại để lấy các bộ phận cơ thể và bán phục vụ hoạt động mê tín.