Quan niệm việc nên làm và không nên làm trong đêm giao thừa

(PLVN) - Theo quan niệm của người xưa, lễ cúng giao thừa hay còn gọi là lễ Trừ Tịch là để gạt đi những muộn phiền năm cũ và đón một năm mới với một tâm trạng mới hân hoan, lạc quan hơn. Bởi vậy trong thời khắc giao thừa dân gian cũng quan niệm những việc nên và không nên làm để đón năm mới nhiều may mắn.
Mâm cơm cúng đêm giao thừa
Mâm cơm cúng đêm giao thừa

Theo đó, nghi thức chuẩn bị giao thừa gồm có mâm lễ được sửa soạn cúng ở giữa sân. Nếu không có sân thì cúng giữa nhà, có thể làm lễ trên sân thượng, nơi thoáng mát, sạch sẽ trong phạm vi đất ở nhà mình. 

Những điều nên tránh 

Thứ nhất, không nói lời xui

Trong ngày cuối năm, người xưa rất kỵ những từ thể hiện sự thiếu hụt như "hết", "thiếu" hay những từ phủ định như "không cần". Cho nên vào bữa ăn ngày cuối năm nếu người nhà gắp thức ăn cho bạn và bạn không muốn ăn thì có thể bảo là "con có rồi" hay "con có nhiều quá rồi". Thêm vào đó là tránh nói những điềm xui như bệnh tật, mất mát, thua lỗ,...

Thứ hai, không cãi nhau

Trong lúc cúng giao thừa, các thành viên trong gia đình cũng không nên cãi nhau hay to tiếng với nhau vì theo người xưa điều đó thể hiện không có thành ý, như vậy tổ tiên sẽ không phù hộ gia đình mình nữa. Tết là một ngày vui vì vậy đừng biến không khí Tết trở nên buồn hơn bởi những hiểu lầm, xích mích nhau trong gia đình.

Thứ ba, không làm vỡ vật dụng

Theo quan niệm dân gian, nếu trong đêm giao thừa làm vỡ vật dụng hay gây tiếng động lớn sẽ dễ đánh thức ma quỷ khiến cả năm rạng nứt, không suôn sẻ.

Thứ tư, không làm đổ dầu

Dầu của đèn hay dầu máy có mùi hôi không nên làm đổ ra vì mùi hôi của dầu nếu lấn át mùi thơm của hương, rượu sẽ dễ đánh thức ma quỷ, khiến tai họa lũ lượt kéo đến.

Việc nên làm trong đêm giao thừa

Kèm theo những việc không nên làm, quan niệm dân gian cho rằng một số việc nên ghi nhớ để thực hiện trong đêm giao thừa. Đó là luôn giữ tiền trong túi vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới điều này mang ý nghĩa rằng bạn luôn duy trì dòng chảy của tiền trong suốt cả năm.

Bữa cơm tất niên ấm cúng: Đây là bữa cơm có sự tham dự của tất cả các thành viên trong gia đình sau một năm mỗi người mỗi ngả đi học, làm ăn... nay được quây quần lại bên nhau. Trước khi ăn, mọi nhà còn thực hiện một nghi lễ quan trọng: dâng cúng mâm cơm, mời ông bà, tổ tiên về sum họp với gia đình trong 3 ngày Tết.

Nhiều người cũng quan niệm rằng vào thời khắc giao thừa nên dùng bút đỏ viết 4 chữ "mã đáo thành công" vào lòng bàn tay mình rồi nắm chặt lại. Nếu là đàn ông hãy viết vào tay trái hai chữ "mã đáo", tay phải viết chữ "thành công", còn nữ giới thì đổi tay ngược lại.

Một lưu ý nữa theo người xưa đó là trong những ngày Tết, tất cả các cửa đều phải được mở để ánh sáng tràn ngập vào nhà với ý nghĩa là dương khí sẽ luôn ở trong nhà suốt cả năm. Điều này nhằm tống khứ khí vận không may và những điều xui xẻo trong năm cũ ra khỏi nhà để sẵn sàng mắt đầu năm mới.

Đọc thêm