Quảng Nam chạy đua bão số 10 tìm người mất tích

(PLVN) - Liên quan đến vụ sạt lở làm hàng chục người chết và mất tích ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) và xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam), ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, các lực lượng chức năng đang nỗ lực hết sức tìm kiếm các nạn nhân cả trên đất liền và dưới sông.
Quảng Nam chạy đua bão số 10 tìm người mất tích

Tận cùng tang thương

Chiều 3/11, UBND huyện Phước Sơn công bố danh sách 13  nạn nhân thiệt mạng và mất tích sau vụ sạt lở núi tại xã Phước Lộc. Những người còn mất tích gồm Hồ Thị Dế (58 tuổi, ngụ thôn 3); Hồ Thị Hôi (40 tuổi, ngụ thôn 3); Hồ Văn Sợ (25 tuổi, ngụ thôn 1, Phó ban Dân vận xã); Hồ Thị Giấy (51 tuổi, ngụ thôn 3).

Trong số 9 thi thể đã được tìm thấy, điều đau lòng có đến 6 nạn nhân từ 6 đến 9 tuổi khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Ngoài thiệt hại khiến 13 người bị vùi lấp, mưa bão sạt lở núi cũng làm cho 3.000 hộ dân các xã Phước Lộc, Phước Thành cũng bị cô lập nhiều ngày.

Cùng ngày, PV quay lại xã Trà Leng để ghi nhận quá trình tìm kiếm 14 người còn mất tích của các lực lượng chức năng và người dân địa phương. Cảnh tượng ập vào mắt lúc này là hơn 20 con người chen chúc nhau ở trong túp lều tạm bên hiện trường vụ sạt lở. Cạnh đó vài bước chân, hai ngôi mộ mới đắp của anh Hồ Văn Hùng (SN 1996) và Hồ Văn Công (SN 1977) khói hương nghi ngút.

5 ngày qua, bà Hồ Thị Hồng (SN 1950) không còn nước mắt để khóc cho 8 người con, cháu, dâu, rể của mình. Những người trên gồm Hồ Văn Hùng (con trai), Hồ Văn Công (con rể), Lê Hoàng Việt (con rể, Bí thư xã Trà Leng), Hồ Thị Thắm (con gái, vợ anh Công). A rất Thị Hà (con dâu, vợ anh Hùng), Hồ A rất Thái Hữu (cháu nội, con trai anh Hùng), Hồ Quang Tuyền (cháu) và Hồ Thị Lan Anh (cháu), trong đó, 6 người mất tích hiện vẫn chưa tìm thấy. 

“Vợ chồng tôi ở chung nhà với gia đình Hùng. Hôm đó vợ chồng tôi đang trên rẫy tuốt lúa. Chúng nó thấy mưa gió quá nên gọi vợ chồng tôi về. Nhưng quan niệm của người dân ở đây lúa chưa thu hoạch xong không được về nhà, nên vợ chồng tôi ở luôn trên rẫy. Ai ngờ hôm sau chúng tôi về, mọi thứ đã cuốn đi hết. 8 đứa con, cháu cùng bỏ vợ chồng già này đi một lần. Rồi đây vợ chồng già này biết sống ra sao”, bà Hồng nghẹn ngào.

Từ hôm nhận được hung tin con gái A rất Thị Hà và con rể Hồ Văn Hùng bị lũ cuốn trôi, vợ chồng bà Hồ Thị Nghi (SN 1970, trú xã A Rooi, H Đông Giang, Quảng Nam) lặn lội hàng trăm cây số để qua Trà Leng. Khi đến nơi, vợ chồng bà Nghi không còn nhìn thấy ngôi nhà nhỏ của gia đình con gái mình ở đâu nữa.

Mọi thứ đều bị san bằng bởi đất, đá. Hôm bà Nghi đến, thi thể người con rể Hồ Văn Hùng đã được tìm thấy và chôn cất ngay trên mảnh vườn của gia đình. Còn người con gái A rất Thị Hà sau 6 ngày tìm kiếm đến nay vẫn không phát hiện dấu vết.

Vợ chồng bà Nghi hết xuống hiện trường xem lực lượng chức năng tìm kiếm, lại lên túp lều bên ngôi mộ người con rể để trông đợi một phép mầu nào đó. Đôi mắt vô hồn của bà cứ nhìn xa xăm vào hư không mỗi khi chúng tôi hỏi thăm.

Lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích.
 Lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích.

Điều đáng nói, khi 15 ngôi nhà của các hộ dân nơi đây đã bị vùi lấp tất cả, ngoài những người sống và mất tích, hàng chục người dân còn lại những ngày qua không có nơi ăn, ở tử tế. Mọi sinh hoạt của hàng chục con người đều chung trong căn lều tạm tầm 10 mét vuông. Mỗi ngày họ thay phiên nhau xuống hiện trường lực lượng chức năng đang tìm kiếm để trông ngóng tin tức người mất tích. Cả ngày lẫn đêm, khi người này kiệt sức về túp lều trên để nghỉ, người khác xuống thay thế.

Mở rộng phạm vi tìm kiếm

Thượng úy Lê Minh Phước, trưởng Công an xã Trà Leng cho biết, ngoài tìm kiếm người mất tích, hiện đơn vị đang khảo sát những nơi cao ráo, kiên cố để đưa những người dân bị mất nhà cửa đến ở tạm. Việc làm trên đang được thực hiện khẩn trương vì cơn bão số 10 sắp đổ bộ. Đáng nói, trong vụ sạt lở đất trên, mẹ vợ của Thượng úy Phước là bà Hồ Thị Mai cũng bị vùi lấp tử vong.

Với nhận định nhiều khả năng các nạn nhân trong vụ sạt lở đã bị cuốn ra sông nên 3 ngày qua, các lực lượng chức năng đã mở rộng khu vực tìm kiếm bằng cách đưa máy móc ra khu vực bãi bồi ven sông Leng, cách ngôi làng bị vùi lấp khoảng 500 mét. Song song với đó, các đơn vị liên quan đang triển khai các biện pháp trên lòng hồ sông Tranh bằng canô của quân đội, công an và biên phòng. 

Trước đó, báo cáo với Thủ tướng về công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở ở Trà Leng, Trung tướng Trịnh Đình Thạch, Chính ủy Quân khu 5 cho biết, tại hiện trường, trên 1ha đất sạt lở đã được các đơn vị chức năng tìm kiếm rất kỹ, nhưng chưa có kết quả mới.

Các lực lượng tìm kiếm cũng huy động 32 ghe và canô để tìm kiếm dọc trên lòng hồ Sông Leng và Sông Tranh cũng như ven khu vực sạt lở. Tuy nhiên, diện tích mặt nước hơn 200ha cùng với lượng củi gỗ, rác dày đặc mặt nước nên gây khó khăn cho công tác tìm kiếm. Việc tìm kiếm đang tiến hành khẩn trương trước khi cơn bão số 10 ảnh hưởng.

Đối với vụ sạt lở tại huyện Phước Sơn, chiều 3/11, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Mạnh Hà cho biết, vừa họp bàn với các lực lượng chức năng huyện Phước Sơn và cơ quan chức năng lên phương án tiếp cận và tiếp tế các xã Phước Lộc và Phước Thành (thuộc huyện Phước Sơn). Việc tìm kiếm những người mất tích tiếp tục huy động lực lượng tại chỗ và khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở nhanh chóng tiếp cận các xã này.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 10, ngày Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, đặc biệt những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, hoàn thành trước 11 giờ ngày 4/11.

Thông tin tại cuộc họp đánh giá thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả do bão số 9 tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, tổ chức ngày 3/11, Phó Chánh văn phòng  Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Đức Quang cho biết, mưa lũ do hoàn lưu bão số 9 đến nay đã khiến 36 người chết, vẫn còn 46 người đang bị mất tích. Trong đó, riêng Quảng Nam 21 trường hợp.

Đọc thêm