Quảng Ngãi: Một bản án có quá nhiều “sạn”

(PLO) - Đại diện của bị đơn vắng mặt tại phiên xử nhưng bản án sơ thẩm vẫn ghi phần phát biểu của người này. Rồi tiền chi phí mai táng do phía nguyên đơn bỏ ra nhưng Tòa lại tính cho bị đơn được hưởng… Đây chỉ là hai trong nhiều sai sót trong quá trình xét xử vụ án “Tranh chấp di sản thừa kế” của TAND tỉnh Quảng Ngãi.
Ảnh minh họa.
Đòi nhà đất là di sản thừa kế
Ngày 31/3/2015, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện “Tranh chấp di sản thừa kế” đối với nhà đất tại 30 Lê Ngung, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Nhà đất này vốn là của bà Nguyễn Thị Ánh cho vợ chồng anh Nguyễn Quang Sang (con của em trai) ở nhờ. Bà Ánh mất năm 2006, không để lại di chúc và không có chồng con nên các em của bà Ánh là các ông Nguyễn Bảy, Nguyễn Hưởng, Nguyễn Năm, Nguyễn Sáu đã khởi kiện yêu cầu vợ chồng anh Sang trả lại ngôi nhà cho các đồng thừa kế.
Trong khi đó, anh Sang có yêu cầu phải được trích trả 397 triệu đồng mà vợ chồng anh đã chi phí sửa chữa, xây mới ngôi nhà vào năm 2008. Ngoài ra, còn khoản công sức phụng dưỡng chăm sóc, tiền ma chay, thờ cúng cho bà Ánh là 104 triệu đồng và 50 triệu đồng để  thờ cúng sau này.
Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm nhận định, những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà Ánh không còn ai. Các nguyên đơn là các anh em ruột của bà Ánh thuộc hàng thừa kế thứ 2, có yêu cầu chia di sản thừa kế là phù hợp, được chấp nhận. Tổng cộng giá trị nhà và đất tranh chấp là 796 triệu đồng (giá trị đất 600 triệu đồng và nhà 196 triệu đồng).
HĐXX cho rằng vợ chồng anh Sang không nằm trong hàng thừa kế thứ 2 nhưng có công chăm sóc, phụng dưỡng, lo mai táng và người thờ cúng bà Ánh từ năm 2006 đến nay. Mặt khác, vợ chồng anh Sang trực tiếp quản lý, sử dụng ngôi nhà, có công sức bảo quản duy trì và xây sửa lại ngôi nhà, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đất nên được hưởng một phần di sản. Giá trị phần di sản còn lại là 466 triệu đồng.
Với nhận định các nguyên đơn đều có nhà cửa riêng và cuộc sống ổn định, HĐXX cho rằng nguyện vọng của vợ chồng anh Sang được tiếp tục ở lại ngôi nhà trên và thờ cúng bà Ánh là phù hợp với đạo lý và pháp luật. Đổi lại, vợ chồng anh phải trả tiền cho những người thừa kế của bà Ánh, mỗi người hơn 93 triệu đồng. Tuy nhiên tại phiên tòa, người ủy quyền của 3 nguyên đơn đã vắng mặt lần thứ 2 nên HĐXX xem như họ đã từ bỏ việc khởi kiện. Do vậy tổng số tiền hơn 279 triệu mà ba nguyên đơn được hưởng sẽ tạm thời giao cho vợ chồng anh Nguyễn Quang Sang quản lý. Ba nguyên đơn có quyền yêu cầu để nhận được giá trị phần thừa kế của mình nếu thời hiệu vẫn còn.
Nhiều sai sót
Vụ kiện dân sự trên tưởng như rất đơn giản nhưng đáng tiếc, Tòa cấp sơ thẩm lại có nhiều sai sót không đáng có. Đơn cử như việc ngày 04/3/2015, TAND tỉnh Quảng Ngãi có “Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm” mặc dù đây là cấp xét xử đầu tiên. Sau khi có khiếu nại của nguyên đơn, TAND tỉnh Quảng Ngãi mới ra thông báo đính chính sửa thành “Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm”.
Trong bản án ngày 31/3/2015 cũng có rất nhiều lỗi sai sót: Phần “xét thấy” có nêu số tiền 30 triệu đồng do ông Nguyễn Bảy (nguyên đơn) “chi phí mai táng” nhưng trong phần quyết định, HĐXX lại cộng số tiền này vào cho bị đơn được hưởng (134 triệu). Ngoài ra, biên lai thu tiền tạm ứng án phí của bị đơn được nêu trong bản án không khớp với biên lai thu tiền họ đóng tạm ứng án phí.
Và sai sót nghiêm trọng hơn cả là việc HĐXX xác định người đại diện của 4 bị đơn (ông Vũ Thanh Lâm) “vắng mặt” nhưng bản án vẫn ghi nhận ý kiến của người này tại phiên tòa. Ngoài ra, bản án cũng không có một lời văn nào và cả điều luật để viện dẫn cho việc giải quyết tranh chấp “đòi lại tài sản” của nguyên đơn dù nguyên đơn đã nộp tạm ứng án phí cho yêu cầu này. 
Ngày 7/5/2015, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã có thông báo đính chính phần ghi phát biểu của ông Vũ Thanh Lâm. Tuy nhiên, theo Điều 240 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì phần sửa lại bản án như trên không thuộc phạm vi được “đính chính” hay “sửa chữa, bổ sung bản án”.
Cho rằng phán quyết của HĐXX thiếu công bằng, phía nguyên đơn đã kháng cáo toàn bộ bản án nói trên. Dư luận đang mong chờ một bản án “chính xác” hơn của phiên xử phúc thẩm trong thời gian tới./.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com