Muôn vàn nguyên nhân gây tai nạn hầm lò
Hầu hết các mỏ than trên địa bàn Quảng Ninh đều có địa chất kiến tạo phức tạp, cùng với công nghệ khai thác còn khá lạc hậu và điều kiện lao động khắc nghiệt, phải làm việc dưới hầm sâu, chật hẹp, tối tăm đã khiến cho người thợ mỏ luôn phải đối mặt với tai nạn do áp suất lớn, lở đất đá, sập hầm, bục nước, cháy nổ, nhiễm độc khí. Bên cạnh đó, nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp rất cao do thường xuyên phải tiếp xúc với bụi than, đá, kim loại, bùn nước ứ đọng, tiếng ồn, rung lắc và phóng xạ.
Theo thống kê từ Sở LĐ,TB&XH Quảng Ninh, năm 2010 tổng số vụ tai nạn lao động ngành than là 35 vụ làm chết 42 người, con số này giảm dần còn 17 vụ, làm chết 20 người vào năm 2015. Tuy nhiên, sau 9 tháng năm 2016, tai nạn hầm lò khai thác than có chiều hướng gia tăng, toàn ngành than đã xảy ra 18 vụ, làm chết 21 người, riêng trong tháng 8/2016 để xảy ra 5 vụ, làm chết 6 người.
Thống kê cũng cho thấy, trong số các nguyên nhân gây tai nạn hầm lò khai thác than, nguy hiểm và nghiêm trọng nhất là do sập hầm và bục túi nước kéo theo than, đất đá vùi lấp gây tai nạn. Hai nguyên nhân này chiếm tới 45% tổng số tai nạn hầm lò và xảy ra thường xuyên mỗi năm. Điển hình là vụ tai nạn ngày 31/3/2006 tại đường lò dọc vỉa, khu vực Vũ Môn, thuộc Cty Than Mông Dương làm 4 người chết. Tiếp đến, vụ sập hầm kinh hoàng ngày 20/8/2015 tại mỏ than Thành Công, thuộc Cty Than Hòn Gai (TP Hạ Long) làm 12 thợ mỏ thương vong và mất tích, sau 3 ngày cứu nạn mới tìm được xác nạn nhân cuối cùng.
|
Thợ mỏ vẫn chủ yếu khai thác than bằng phương pháp thủ công |
Thời gian gần đây, tai nạn do cháy nổ và nhiễm các loại khí độc xảy ra ngày càng nhiều, nguyên nhân do thợ mỏ phải làm việc ngày càng sâu, khả năng tích tụ càng nhiều khí độc hại và chịu áp suất càng cao, hiện tại nhiều mỏ đang khai thác ở độ sâu từ âm 200 đến 300 m so với mực nước biển. Tuy có thể cảnh báo và phòng tránh được nguyên nhân tai nạn này nhưng do sự chủ quan, ý thức tuân thủ an toàn lao động của người thợ chưa cao nên vẫn liên tiếp xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Phần lớn số vụ tai nạn xảy ra đều ở mức độ thương vong cao vì diễn ra rất nhanh, khó khăn trong quá trình cứu nạn.
Một trong số vụ tai nạn điển hình mà những người thợ lò làm việc tại vỉa 1C, mỏ than Đồng Vông, Cty Than Đồng Vông (TX Đông Triều) khó có thể quên vào ngày 16/01/2014, khiến 6 người tử vong trong chốc lát và 1 người bị thương nhẹ. Nguyên nhân được xác định do cháy khí mê tan CH4 lan rộng và nhanh trong đường hầm, nên 6 công nhân đang làm việc trong hầm lò không kịp thoát ra ngoài và bị ngạt khí dẫn đến tử vong. Gần đây nhất, vụ cháy đường hầm ở vỉa 14, khu 5, than Hà Ráng thuộc Cty Than Hạ Long ngày 3/4/2016 khiến 6 công nhân bị bỏng nặng, từ 34-55% diện tích cơ thể, rất may mắn không ai bị tử vong nhưng để lại dị tật suốt đời cho các nạn nhân.
Thực tế cho thấy, rất nhiều vụ tai nạn do chủ quan từ phía người lao động và cán bộ chỉ huy sản xuất, họ chưa chấp hành nghiêm túc nội quy kỷ luật lao động, vi phạm quy trình sử dụng vận hành thiết bị khi làm việc, tổ chức sản xuất chưa hợp lý. Tuy số thương vong không lớn nhưng loại tai nạn này thường xuyên xảy ra, hầu như tháng nào cũng có, riêng đầu tháng 8/2016 đã xảy ra 2 vụ tai nạn làm 3 người tử vong, nhiều người bị thương.
|
Lực lượng cứu hộ đưa 1 công nhân gặp nạn ra hầm lò thuộc Cty Than Mông Dương (TX Cẩm Phả) |
Hiện Quảng Ninh có hơn 30 đơn vị khai thác than hầm lò, với hàng trăm lò chợ và khoảng 40 nghìn thợ mỏ làm việc dưới hầm sâu trong lòng đất. Cùng với sản lượng khai thác hầm lò ngày càng tăng (tổng khối lượng khai thác toàn ngành hiện tại đạt 45 triệu tấn/năm), số lượng mét lò của các đơn vị cũng ngày một lớn (toàn ngành dự kiến khai thác trên 350 km hầm lò trong năm 2016), điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, khắc nghiệt. Điều đó, khiến cho công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được đặt ra như một thách thức với ngành than.
Kết luận qua các cuộc thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thấy, phần lớn các đơn vị chưa kiểm soát chặt chẽ các thông số an toàn, thậm chí một số nơi hệ thống cảnh báo mất an toàn không còn tác dụng, quy trình lao động trong môi trường đặc biệt dưới lòng đất chưa được đảm bảo, nhất là độ âm so với mặt nước biển quá lớn đã gây ra nhiều sự cố kỹ thuật.
Thống kê của Ban ATVSLĐ thuộc TKV cho thấy, mất an toàn kỹ thuật thường xảy ra ở một số lỗi như: một số bộ phận truyền động băng tải không có rào chắn và không có công tắc dừng băng khẩn cấp; việc kiểm định, thí nghiệm một số thiết bị điện chưa đảm bảo theo quy định, còn để thiếu hoặc hư hỏng thiết bị cảm biến kiểm tra; một số máy, thiết bị ngoài của mỏ chưa được nối trung tính vỏ máy để đề phòng điện chạm vỏ; việc kiểm tra, bơm bổ sung áp lực cột chống chưa thường xuyên; một số áp kế bình chịu áp lực hỏng, thiếu áp kế, thiếu van điều chỉnh lưu lượng khí đầu vòi bơm…
Bên cạnh đó, mất ATVSLĐ còn có nguyên nhân từ người sử dụng lao động và người lao động, tập trung chủ yếu do lỗi trình độ, kinh nghiệm, tác phong công nghiệp của công nhân còn hạn chế, thiếu thận trọng trong thao tác; chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; sự phối hợp công việc trong nhóm thợ chưa tốt; công tác tổ chức sản xuất, chỉ đạo thi công của cán bộ chỉ đạo chưa sâu sát, chưa đảm bảo; công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện an toàn lao động cho công nhân chưa hiệu quả.
|
Một vụ tai nạn hầm lò than tại Quảng Ninh |
Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh Lê Văn Sử cho biết, tai nạn lao động ngành than lại xảy ra không có một nguyên lý hay quy luật nào cả, có thể có nhiều vụ tai nạn trong ngành than xảy ra liên tiếp trong 1 tháng, thậm chí trong vài ngày cũng xảy ra vài vụ. Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động chết người hầu hết vẫn do người lao động và cán bộ chỉ huy sản xuất chưa chấp hành nghiêm túc nội quy kỷ luật lao động; vi phạm quy định, quy trình sử dụng vận hành thiết bị khi làm việc; chưa thực hiện tự chủ an toàn khi đi lại, làm việc trong hầm lò.
Trước thực trạng trên, mặc dù ngành than đã đề ra 10 biện pháp nâng cao mức độ an toàn cho thợ mỏ, kiện toàn bộ máy chuyên trách, chuyên nghiệp để giám sát về an toàn lao động, có chế tài xử lý nghiêm người đứng đầu doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động. Tuy nhiên, khắc phục kịp thời và triệt tiêu các nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn lao động vẫn được coi đó là thách thức rất lớn của ngành than trong thời gian tới.