Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số được phát hành năm 2009 dưới dạng phần mềm mã nguồn mở bởi một nhân vật bí ẩn có biệt danh Satoshi Nakamoto. Đồng tiền ảo này có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào. Với những đặc tính quan trọng như ẩn danh, giao dịch không cần lệ phí, càng ngày, nó càng được nhiều người tin tưởng và chấp nhận.
“Bóng trăng dưới nước”
Theo Coindesk, hôm 14/1 vừa qua, giá Bitcoin tăng vọt 10,82% so với một ngày trước đó lên 38.400 USD/đồng. Bitcoin đã trải qua nhiều đợt biến động giá bất thường, giúp rất nhiều người nắm giữ nó trở nên giàu có trong thời gian ngắn. Nhưng trớ trêu là nhiều người không thể tiếp cận số Bitcoin của mình vì bị mất hoặc quên mật khẩu. Họ buộc phải đứng nhìn giá tiền ảo này tăng và giảm mạnh mà không thể kiếm chác gì từ chúng.
Stefan Thomas - một lập trình viên người Đức sống ở San Francisco là ví dụ. Năm 2011, anh đã được một người tặng 7.002 Bitcoin khi làm giúp một video. Nhưng năm đó, anh đã đánh mất tờ giấy ghi mật khẩu. Mật khẩu đó cho phép anh ta mở khóa một ổ cứng nhỏ được gọi là IronKey, bên trong chứa các khóa riêng tư (private key) mở ra 7.002 Bitcoin (trị giá khoảng 220 triệu USD). Đau đớn thay thời điểm đó giá trị của Bitcoin đang tăng vọt.
Loại ổ cứng IronKey cho phép người dùng đoán mật khẩu 10 lần trước khi nó mã hóa nội dung bên trong mãi mãi, Thomas đã thử 8 lần mật khẩu nhưng không có kết quả, giờ anh chỉ còn 2 lần thử nữa.
Những đồng tiền “vô chủ”
Theo công ty dữ liệu tiền điện tử Chainalysis, trong số 18,5 triệu Bitcoin hiện có, khoảng 20% (trị giá khoảng 140 tỷ USD) dường như nằm trong các ví bị mất hoặc bị mắc kẹt không thể mở. Wallet Recovery Services - một doanh nghiệp giúp tìm lại mật khẩu cho biết đã nhận được 70 yêu cầu mỗi ngày từ những người muốn giúp lấy lại tài sản của mình.
Các chủ sở hữu Bitcoin bị khóa ví cảm thấy một sự thất vọng vô tận khi cố gắng tiếp cận tài sản của chính mình. Nhiều người đã sở hữu Bitcoin từ những ngày đầu cách đây cả thập kỷ trước khi không ai tin rằng chúng sẽ có giá trị.
“Trong nhiều năm, tôi đã dành hàng trăm giờ để cố gắng lấy lại các ví tiền điện tử đó”, Brad Yasar - một doanh nhân ở Los Angeles, người có vài máy tính để bàn chứa hàng ngàn Bitcoin cho biết. Số Bitcoin đó hiện có giá trị hàng trăm triệu USD, nhưng anh đã đánh mất mật khẩu nhiều năm trước và chiếc ổ cứng chứa chúng hiện giờ đang được đặt trong túi hút chân không và cất kỹ, để tránh chủ nhân của nó “lòng đau như cắt” mỗi lần nhìn thấy.
Tình trạng tiến thoái lưỡng nan này là một lời nhắc nhở rõ ràng về những nền tảng công nghệ như Bitcoin, giúp nó khác biệt nhưng cũng đầy rủi ro. Với tài khoản ngân hàng truyền thống và ví điện tử của các công ty như PayPal, họ có thể cấp lại mật khẩu cho người dùng nếu bị mất.
Nhưng Bitcoin không có công ty cung cấp hoặc lưu trữ mật khẩu. Người tạo ra tiền ảo là Satoshi Nakamoto - một nhân vật bí ẩn đã nói rằng ý tưởng trung tâm của Bitcoin là cho phép bất kỳ ai trên thế giới sở hữu chúng theo cách mà không chính phủ nào có thể ngăn cản hoặc quản lý.
Điều này có thể thực hiện được nhờ cấu trúc của Bitcoin, được quản lý bởi một mạng lưới các máy tính đồng ý tuân theo một phần mềm chứa tất cả các quy tắc cho tiền điện tử. Phần mềm này bao gồm một thuật toán phức tạp giúp bạn có thể tạo một địa chỉ và một loại mật khẩu (hay gọi là khóa riêng tư) mà chỉ mình bạn biết.
Nói tóm lại, hệ thống này giúp mọi người có thể tạo ví Bitcoin mà không cần phải đăng ký với một tổ chức tài chính hoặc trải qua bất kỳ loại kiểm tra danh tính nào. Điều đó đã khiến Bitcoin trở nên phổ biến với giới tội phạm, những người có thể sử dụng tiền mà muốn ẩn danh.
Nhưng cấu trúc của hệ thống này không tính đến việc có những người khá tệ trong việc ghi nhớ và bảo mật mật khẩu của họ. Diogo Monica - đồng sáng lập của công ty Anchorage chuyên giúp các công ty xử lý bảo mật tiền điện tử cho biết, ngay cả những nhà đầu tư sành sỏi cũng không có năng lực quản lý các khóa riêng tư. Ông Monica thành lập công ty vào năm 2017 sau khi giúp một quỹ đầu cơ lấy lại quyền truy cập vào một trong các ví Bitcoin của họ.
Những tín đồ Bitcoin khác cũng đã nhận ra những khó khăn khi trở thành ngân hàng của chính họ. Vì vậy, một số đã thuê ngoài việc nắm giữ Bitcoin để bảo đảm an ninh cho khóa riêng tư và số tiền đó, thay vì tự trông coi.
Tuy nhiên, một số dịch vụ này cũng gặp nhiều khó khăn trong việc bảo mật. Nhiều sàn giao dịch Bitcoin nổi tiếng một thời như Mt. Gox cũng từng bị mất hoặc bị đánh cắp khóa riêng tư.
Rủi ro và cơ hội
Gabriel Abed (34 tuổi, một doanh nhân đến từ Barbados) đã mất khoảng 800 Bitcoin (trị giá khoảng 25 triệu USD) khi một đồng nghiệp định dạng lại (format) chiếc laptop có chứa khóa riêng tư ví Bitcoin vào năm 2011. Tuy nhiên, Abed nói rằng điều này không làm giảm hào hứng của bản thân. Trước Bitcoin, anh nói mình và những người dân trên đảo không thể tiếp cận các sản phẩm tài chính kỹ thuật số giá cả phải chăng như thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng mà người Mỹ dễ dàng sử dụng.
Ở Barbados, thậm chí có được một tài khoản PayPal gần như là không thể. Bản chất mở của Bitcoin, giúp anh lần đầu tiên có toàn quyền tiếp cận vào thế giới tài chính kỹ thuật số. “Rủi ro trở thành ngân hàng của chính mình đi kèm với phần thưởng là có thể tự do truy cập tiền của mình và trở thành công dân của thế giới, điều đó thật xứng đáng”, Abed nói.
Đối với Abed và Thomas, bất kỳ tổn thất nào do mất khóa riêng tư một phần đã được đảm bảo bởi lợi nhuận khổng lồ mà họ đã kiếm được từ Bitcoin thời gian qua. 800 Bitcoin mà Abed bị mất vào năm 2011 chỉ là một phần nhỏ của số Bitcoin mà anh đã giao dịch kể từ đó, giúp anh gần đây mua một khu đất rộng 40 hecta ở Barbados với giá hơn 25 triệu USD.
Hoặc như Thomas, dù có nguy cơ vuột mất hàng ngàn Bitcoin nhưng nhờ đó mà anh đã chú ý hơn tới đặc thù Bitcoin bởi nó nằm ngoài tầm kiểm soát của một quốc gia hoặc công ty. Từ kinh nghiệm đó, năm 2012 Thomas tham gia một công ty khởi nghiệp tiền điện tử Ripple. Đồng tiền Ripple đó đến nay cũng đã tăng giá trị và anh cũng được hưởng lợi nhiều từ đó.
Còn với mật khẩu bị mất và số Bitcoin không thể tiếp cận trong IronKey, anh đã cất ổ cứng đó ở một nơi an toàn, chờ các nhà mật mã nghĩ ra cách để bẻ khóa mật khẩu phức tạp của ổ cứng. “Tôi đã nhận ra rằng hãy để nó ở lại quá khứ, vì sức khỏe tinh thần của chính mình”, anh cho biết.