Quyền và nghĩa vụ thi hành án khi tổ chức bị giải thể: Đề xuất đình chỉ thi hành án

(PLO) - Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã quy định khá chi tiết về chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án trong dân sự. Tuy nhiên, hiện nay phát sinh một vướng mắc khi giải quyết việc chuyển giao trong trường hợp người phải thi hành án là tổ chức giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCN).
Một buổi trao đổi nghiệp vụ của cán bộ thi hành án địa phương. Ảnh minh họa.
Một buổi trao đổi nghiệp vụ của cán bộ thi hành án địa phương. Ảnh minh họa.

Quy định khá rõ về các trường hợp chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án

Cụ thể, Điều 54 của Luật quy định việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án đối với tổ chức được thực hiện như sau: Trường hợp hợp nhất thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trường hợp sáp nhập thì tổ chức sáp nhập tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Điều 54 cũng quy định hướng giải quyết với các trường hợp chia, tách; phá sản; doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần mà trước đó chưa thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của mình.

Riêng về trường hợp giải thể, theo điểm d khoản 1 Điều 54 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể phải thông báo cho cơ quan THADS biết trước khi ra quyết định. Trường hợp quyền, nghĩa vụ thi hành án của tổ chức bị giải thể được chuyển giao cho tổ chức khác thì tổ chức mới tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án. Trường hợp doanh nghiệp giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Cơ quan THADS, người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định giải thể theo quy định của pháp luật. Trường hợp tài sản để thi hành án không còn do thực hiện quyết định giải thể trái pháp luật thì cơ quan ra quyết định giải thể phải chịu trách nhiệm thi hành phần nghĩa vụ của tổ chức bị giải thể tương ứng với tài sản đó.

“Vướng” với Luật Doanh nghiệp

Tuy nhiên, vướng mắc phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Bởi Điều 201, Điều 203 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã quy định rõ ràng về các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp và giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi GCN hoặc theo quyết định của Tòa án. 

Theo đó, trường hợp doanh nghiệp giải thể do bị bị thu hồi GCN thì “Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp”. Như vậy, nếu theo quy định của pháp luật tại các điều luật trên thì có thể hiểu một doanh nghiệp phải thi hành án nhưng đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi GCN, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì cơ quan thi hành án phải thực hiện nghĩa vụ chuyển giao các khoản nợ của doanh nghiệp cho người quản lý có liên quan để cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điểm đ khoản 1 Điều 50 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 lại quy định thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp “đ) Người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác”. Theo đó, khi một tổ chức bị giải thể mà nghĩa vụ không được chuyển giao cho tổ chức khác thì cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc chứ không thực hiện được việc chuyển giao nghĩa vụ cho cá nhân người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Điều 54 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014. 

Do 2 điều luật hiện nay cùng quy định về hướng giải quyết trong trường hợp doanh nghiệp phải thi hành án giải thể do bị thu hồi GCN trong Luật THADS, không tránh khỏi gây ra những cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng luật. Vì thế, địa phương đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo để thống nhất áp dụng chung.

Đề xuất hướng giải quyết, có ý kiến cho rằng nên đình chỉ thi hành án trong trường hợp này. Đây là hướng hoàn toàn hợp lý, phù hợp với bản chất về tính chịu trách nhiệm của mỗi loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành. Đối với trách nhiệm cá nhân của chủ doanh nghiệp, cán bộ ngân hàng có sai sót trong khâu thẩm định cho vay vốn… cần xem xét về mặt hình sự nếu có dấu hiệu của việc cố tình gây thất thoát hoặc lừa đảo, tạo dự án giả để rút tiền nhằm mục đích vụ lợi… Như vậy mới có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung, đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật.

Đọc thêm