Ra đi sau lập kỷ lục

(PLVN) - Chỉ ít ngày sau khi lập kỷ lục mới về thời gian cầm quyền ở Nhật Bản, ông Abe Shinzo - Thủ tướng nước này quyết định từ chức. Lý do được ông Abe đưa ra là sức khoẻ. Trước đấy, ở Nhật Bản đưa tin về việc ông Abe vào bệnh viện kiểm tra sức khoẻ, khám bệnh hay chữa bệnh gì đấy.
Người dân Tokyo xem họp báo từ chức của Thủ tướng Shinzo Abe.

Năm 2006, ông Shinzo Abe trở thành thủ tướng trẻ tuổi nhất ở Nhật Bản. Nhưng lần cầm quyền đầu tiên này của ông Abe không lâu dài gì khi không đầy 1 năm sau đấy người này từ chức với lý do sức khoẻ. 

6 năm sau, ông Abe trở lại cầm quyền, lập nên kỷ lục mới ở xứ Phù Tang về thời gian cầm quyền liên tục là biểu hiện rõ nét nhất về việc ông Abe đến được đỉnh cao của quyền lực trên mọi phương diện. Lần từ chức này của ông Abe tuy trên danh nghĩa cũng vì lý do sức khoẻ đấy nhưng rõ ràng lại khác biệt rất cơ bản so với lần trước.

Ai sẽ kế nhiệm ông Abe hiện là câu hỏi lớn ở Nhật Bản. Quy định trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đang cầm quyền của ông Abe là Chủ tịch đảng này sẽ đảm trách cương vị Thủ tướng chính phủ Nhật Bản mỗi khi đảng này cầm quyền.

Vì thế, muốn trở thành Thủ tướng chính phủ thì phải được bầu làm Chủ tịch đảng và muốn phế truất Thủ tướng đương nhiệm thì phải lật đổ vị thế Chủ tịch đảng của người này. Quy định này đưa đến tình trạng là gần như hầu hết các vị Thủ tướng thuộc đảng này trong lịch sử từ trước đến nay nếu không phải là từ chức thì cũng bị lật đổ từ trong đảng trước chứ không phải mất quyền trong các cuộc bầu cử quốc hội. 

Đảng LDP phải xử lý ổn thoả chuyện nhân sự này trong những ngày tới, nhanh chóng chứ không thể chậm trễ. Ứng cử viên cho chức vụ Chủ tịch đảng và Thủ tướng không thiếu, nhưng quy trình bầu chọn khá phức tạp, đặc biệt là lại còn có sự tham gia cùng quyết định của các vị dân biểu của đảng này trong quốc hội hiện tại.

Dù ai rồi đây kế nhiệm ông Abe đi chăng nữa thì cũng sẽ không dễ dàng gì với việc kế thừa di sản cầm quyền của ông Abe. Năm 2012, ông Abe trở lại cầm quyền trong bối cảnh nước Nhật Bản sa lầy vào tình trạng rất khó khăn về kinh tế và xã hội. Bây giờ, đất nước này đã khá hơn rất nhiều so với ở vào thời điểm năm 2012 về kinh tế và xã hội, nhưng lại bị tác động rất tiêu cực và tai hại bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. 

Ông Abe đưa ra và thực hiện những biện pháp chính sách tăng vay nợ của nhà nước và lãi suất cơ bản rất thấp để kích cầu tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm. Ông Abe tiến hành những cuộc cải cách về xã hội, về cơ cấu kinh tế, về lương hưu.

Những biện pháp chính sách này được thực hiện nhằm mục tiêu chấm dứt tình trạng giảm phát dai dẳng ở Nhật Bản, khôi phục tăng trưởng kinh tế và giải quyết ổn thoả lâu bền những vấn đề xã hội. Chúng được bên ngoài Nhật Bản khái quát chung lại thành một chủ thuyết của ông Abe và được đặt tên là Abenomics. Người kế nhiệm ông Abe bây giờ phải lựa chọn giữa tiếp tục thực hiện Abenomics, sửa đổi nó hay từ bỏ nó để thực thi đường lối chính sách khác.

Từ thời cầm quyền trước đấy, ông Abe đã theo đuổi ước vọng sửa đổi hoặc thậm chí còn cả thay thế hiến pháp hiện hành. Hiến pháp này trên thực tế Nhật Bản bị Mỹ áp đặt từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 trong thế kỷ trước.

Ông Abe cho rằng hiện đã đến lúc Nhật Bản phải được nhìn nhận là quốc gia bình thường như mọi quốc gia khác trên thế giới và vì thế cần phải có hiến pháp khác. Hơn nữa, phải sửa đổi hoặc thay thế hiến pháp hiện hành thì Nhật Bản mới có thể gây dựng nên vai trò chính trị thế giới, đặc biệt về chính trị an ninh thế giới. Ông Abe ở lần cầm quyền thứ hai đã đi những bước đi đầu tiên theo hướng ấy. Người kế nhiệm có đi tiếp hay không, sẽ đi đến đâu là câu hỏi hiện bỏ ngỏ.

Ông Abe đã mở cửa đất nước cho du khách và người lao động nước ngoài, đã định hình lại các mối quan hệ đối ngoại của Nhật Bản, đặc biệt với Mỹ, Trung Quốc, Nga và ASEAN. Người kế nhiệm ông Abe rồi đây có tiếp tục định hướng chính sách này hay không hiện cũng là câu hỏi chưa thể có được câu trả lời. Tất cả phụ thuộc vào giải pháp nhân sự nào được đảng LDP quyết định trong những ngày tới.

Đọc thêm