Rà soát Luật Thương mại, phát hiện nhiều lỗ hổng

 Nằm trong dự án rà soát 16 luật liên quan đến môi trường kinh doanh, hôm qua (6/9), Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức hội thảo hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Thương mại năm 2005.
Nằm trong dự án rà soát 16 luật liên quan đến môi trường kinh doanh, hôm qua (6/9), Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức hội thảo hoàn thiện báo cáo rà soát Luật Thương mại năm 2005.

Liên quan đến về nghĩa vụ bảo hành, Điều 49 Luật Thương mại (LTM) không quy định cụ thể về quyền yêu cầu bảo hành của người mua và nghĩa vụ, trách nhiệm bảo hành của người bán trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về bảo hành trong hợp đồng.

Ảnh minh họa nguồn Internet

Trong trường hợp như vậy, các bên mua và bán cần áp dụng quy định liên quan của pháp luật dân sự và pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực từ ngày 1/7/2011) chỉ có thể được áp dụng đối với trường hợp bảo hành hàng hóa liên quan đến người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức (theo đó, bên bán sẽ sửa chữa tối đa 3 lần trong thời hạn bảo hành, nếu không sửa chữa khắc phục được thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa phải đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa và trả lại tiền).

Tại hội thảo nhiều ý kiến đề nghị, Điều 49 LTM cần được sửa đổi bổ sung để làm rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong việc bảo hành hàng hóa, các biện pháp bảo hành và thứ tự thực hiện các biện pháp bảo hành.

Vấn đề vi phạm cơ bản hợp đồng cũng được PGS.TS Trần Văn Nam, Khoa luật trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra. Cụ thể, LTM quy định: “vi phạm cơ bản hợp đồng là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích giao kết hợp đồng”. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng khái niệm “vi phạm cơ bản” gặp nhiều khó khăn vì không có hướng dẫn, giải thích cụ thể.

Đơn cử, nếu một giao dịch mua bán hàng hóa, sau khi nhận được hàng hóa, người mua tuyên bố rằng hàng hóa không phù hợp, khiến người mua không đạt mục đích cụ thể. Tuy nhiên, trước đó, người mua không thông báo cho người bán biết rõ mục đích mua hàng của mình. Và việc “không đạt được mục đích giao kết hợp đồng” là tất nhiên. Vậy trong trường hợp này, xác định hành vi vi phạm của các bên như thế nào?

Phát biểu tại hội thảo, bà Đinh Kim Anh, Trưởng phòng Tư vấn pháp luật, Maritime Bank đề nghị bỏ Điều 293 LTM về “áp dụng chế tài trong thương mại đối với vi phạm cơ bản” vì quy định này không cần thiết và không phù hợp, bởi lĩnh vực thương mại chủ yếu dựa trên nguyên tắc sự thỏa thuận của các bên. Hay Điều 301 LTM, theo bà Anh cũng là lỗi thời. “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm” - quy định mức phạt này theo bà Anh là chưa đủ để phòng, chống việc vi phạm.

Các ý kiến cũng cho rằng thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng có cá nhân hoạt động thương mại là chưa thống nhất. Theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự, tranh chấp này thuộc thẩm quyền của Tòa Kinh tế. Song  khoản 1, 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 lại cho phép tranh chấp này được giải quyết bằng trọng tài. Theo khuyến nghị, những tranh chấp có ít nhất một bên là cá nhân hoạt động thương mại hoặc tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án Kinh tế, nhằm đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.

Mai Hoa

Đọc thêm