Thải nhiều, xử lý ít
Theo Sở Y tế tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có trên 41 đơn vị có chất thải y tế; có 9 bệnh viện tuyến huyện được trang bị lò đốt từ năm 2005, tuy nhiên hầu như đã hư hỏng; 9 bệnh viện được trang bị lò đốt từ năm 2010 với lò đốt 2 buồng vẫn đang hoạt động. Tại tuyến tỉnh có duy nhất một bệnh viện có lò đốt được Bộ Y tế cấp hơn 10 năm nay, công suất từ 400-500kg/ngày đêm cũng trong tình trạng xuống cấp. Một số bệnh viện được trang bị lò đốt công suất nhỏ như Bệnh viện TP.Vinh, Bệnh viện huyện Hưng Nguyên, Bệnh viện TX.Cửa Lò…
Có hai bệnh viện khu vực chưa có lò đốt là Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc và Bệnh viện Đa khoa Tây Nam cùng 20 trung tâm y tế huyện dùng phương pháp… chôn lấp. Về chất thải lỏng y tế tại tuyến tỉnh này, có 28 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải… (!).
Theo Bác sĩ Phan Văn Cư, Bệnh viện Giao thông Vận tải, mỗi ngày có 200-250 bệnh nhân đến thăm khám, bệnh viện đã có hệ thống nước thải được đầu tư xây dựng từ năm 2001. Tuy nhiên, phóng viên không khỏi giật mình khi thị sát khu xử lý nước thải bệnh viện. Bể nước được chia làm 4 ngăn, quan sát kỹ, nước trong bể chứa màu sẫm đen, có mùi khó chịu bốc lên…
Đây là nơi xử lý chất thải lỏng (thu gom toàn bộ nước thải sinh hoạt và nước rửa dụng cụ tại phòng mổ, phòng đẻ, nhà vệ sinh của tất cả các phòng bệnh trong các khoa). Điều ngạc nhiên là với một bể xử lý nước thải như thế nhưng lại không được che đậy mà chỉ làm mái tôn che phía trên tránh nắng mưa, mặc ruồi muỗi hay các con vật vô tư bò ra, vào.
Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị - nơi có hệ thống xử lý rác thải y tế được cho là lớn và hiện đại nhất trong cả tỉnh Nghệ An - thì mọi thứ đều xuống cấp, công nghệ lạc hậu. Tuy nhiên, hệ thống lò đốt rác thải y tế ngoài việc phục vụ cho bệnh viện, còn hợp đồng để xử lý cho 3 cơ sở y tế và bệnh viện khác.
Bác sỹ Đặng Văn Duyên – Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An cho biết: “Hệ thống xử lý rác thải được xây dựng từ năm 2001, với lượng bệnh nhân lớn nên lò đốt của bệnh viện ngày nào cũng hoạt động liên tục để có thể xử lý hết được số rác thải. Vì đã xây dựng hơn chục năm nên hệ thống đã xuống cấp, và công nghệ xử lý cũng đã lạc hậu so với hiện nay. Trong quá trình xử lý rác thải trong lò đốt, cũng có những lần gặp sự cố khiến người dân sống xung quanh bị ảnh hưởng…”. Việc hoạt động hết công suất trong một thời gian dài khiến lò đốt bị “mất sức”, chỉ còn có thể đốt được mức “cầm chừng” là 400kg/ngày đêm so với công suất ban đầu 500kg/ngày đêm.
Bể nước xử lý nước thải y tế của Bệnh GTVT không che đậy, nước có màu đen và bốc mùi |
Việc hệ thống xử lý rác thải y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh hàng ngày phải “gồng mình” xử lý khối lượng lớn rác thải là điều đáng phải suy nghĩ và lo ngại. Bởi có thể, nếu vào một ngày nào đó, toàn bộ hệ thống này gặp sự cố và ngừng hoạt động thì không biết lượng lớn chất thải y tế sẽ giải quyết ra sao (?). Hàng năm ngành Y tế và các cơ quan chức năng có các đợt kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất các bệnh viện, các phòng khám. Tuy nhiên, cũng chỉ ở mức nhắc nhở.
Theo ông Hoàng Văn Hảo – Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An - thì vấn đề chất thải rắn y tế nguy hại, ngành Y tế cùng các ngành khác tham mưu và UBND đã phê duyệt đề án xây dựng hệ thống xử lý rác thải rắn y tế trên toàn địa bàn. Đề án chia làm 2 lộ trình: 2013-2015, tỉnh cấp 12 lò đốt chất thải rắn cho 12 đơn vị chưa có lò đốt hoặc các đơn vị đã có mà hư hỏng; giai đoạn 2015 về sau tỉnh sẽ xây dựng lò đốt chất thải rắn tập trung. Tuy nhiên, vấn đề thực hiện đề án triển khai dự án xây dựng đang phải chờ vì chưa có kinh phí. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn chưa có hệ thống xử lý chất thải rắn nào nên đều phải hợp đồng với Cty TNHH Môi Trường Xanh ở Hải Dương vận chuyển ra Hải Dương xử lý.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cũng thừa nhận: “Đối với các phòng khám tư nhân hoạt động trong thành phố đang là một bài toán khó đối với việc giám sát xử lý rác thải; về mặt quản lý nhà nước chưa bao trùm được toàn bộ, một mặt là do ý thức của một số cán bộ phòng khám và một phần liên quan đến kinh tế nên chưa xử lý được. Đây là một cuộc chiến cam go của ngành Y tế nói chung và của toàn xã hội…”.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An xây dựng mới sắp đưa vào hoạt động nhưng vẫn chưa có hệ thống xử lý rác thải y tế. Câu chuyện trên khiến chúng ta phải suy nghĩ, với cả hệ thống các cơ sở y tế đang phục vụ cho nhu cầu, lợi ích, sức khỏe của cả cộng đồng nhưng chính nó lại sinh ra rác thải y tế nếu không được xử lý thì sẽ có tác hại ngược lại đối với sức khỏe con người. Đây là bài toán cần có sự tính toán hợp lý và câu trả lời xin gửi đến UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan chức năng.
“Chủ trương của tỉnh cho các bệnh viện tư hoạt động để giảm tải cho bệnh viện tỉnh là chủ trương đúng, nhưng lại đối mặt với vấn đề nước thải và rác thải. Hơn ai hết, tỉnh đã có chủ trương rồi, vấn đề nước thải và rác thải cần phải xã hội hóa, vì bệnh viện đã mọc lên thì phải bỏ tiền ra để xử lý, đó là điều kiện tiên quyết cho hoạt động y tế. Việc bệnh viện tư mọc lên nhiều trong thành phố, trong khu dân cư là không đảm bảo môi trường sống. Quan điểm của tôi trình bày trước các cuộc họp của UBND tỉnh là phải xây dựng khu xử lý rác thải tập trung và xã hội hóa, phải đưa ra khỏi khu dân cư, để tái chế, tái sử dụng. Không thể xây dựng 20 bệnh viện lại xây dựng 20 lò xử lý rác thải y tế, sẽ gây ô nhiễm thêm nữa, vì thế cần xây dựng một lò xử lý rác thải tập trung cho cả tỉnh và nằm xa khu dân cư”.
Giám đốc BV Đa khoa tỉnh – ông Nguyễn Danh Linh