Khi Milan khủng hoảng lối ra
Năm 2011 là lần cuối cùng người ta thấy các cầu thủ Milan nâng cao một chiếc cúp danh giá, đó là Scudetto lần thứ 18 của câu lạc bộ. Kể từ đó đến nay, tất cả những gì họ có được chỉ là 2 siêu cúp Italia, những chiếc cúp chủ yếu chỉ mang giá trị tinh thần.
Tại đấu trường UEFA Champions League, một giải đấu mà Milan đã lên ngôi đến 7 lần (chỉ sau Real Madrid), lần gần nhất họ vô địch diễn ra từ năm 2007. Sau đó, thành tích tốt nhất của họ cũng chỉ là lọt đến tứ kết.
Tệ hơn, từ mùa giải 2014/2015 đến nay tức là 5 mùa bóng liên tiếp trôi qua, Milan thậm chí không được một lần dự UEFA Champions League. Mùa bóng năm nay, trước khi Serie A tạm hoãn vì dịch bệnh, Milan xếp thứ 7 qua 26 vòng đấu và kém vị trí thứ 4 đến 12 điểm. Điều đó đồng nghĩa dù có lạc quan đến mấy cũng chẳng ai dám mơ về một suất dự giải đấu danh giá nhất châu Âu của đội bóng này.
Vậy tại sao Milan thất bại trong những thời gian qua? Có nhiều nguyên nhân. Nhiều người cho rằng câu lạc bộ sa sút bởi lý do tài chính, và không có tiền để mua về những ngôi sao sáng giá. Tuy nhiên, điều đó không hẳn đúng bởi 5 mùa giải gần đây, Milan đã chi ra đến 400 triệu bảng để mua cầu thủ, một số tiền không hề nhỏ. Đã có nhiều ngôi sao đến với sân San Siro, như Bonucci, Higuain, Piatek… nhưng rồi họ cũng sớm phải khăn gói ra đi. Lò đào tạo của câu lạc bộ cũng đã có những sao mai “ra tấm ra món” và phần nào thể hiện được đẳng cấp như El Shaarawy, De Sciglio và gần đây là Patrick Cutrone.
Người hâm mộ kỳ vọng sẽ đến bục vinh quang chiến thắng khi Ralf Rangnick dẫn dắt Milan |
Tuy nhiên, tất cả họ đều có một kết cục buồn giống nhau là chỉ vụt sáng một vài mùa bóng rồi sớm lụi tàn và bị bán đi với giá rẻ mạt. Milan không phải không có tiền đầu tư. Cả ông chủ cũ Li Yong-hong hay chủ mới là tập đoàn Elliott đã mang về không ít ngôi sao.
Tuy nhiên, phần lớn các thương vụ đều thất bại. 37 triệu bảng mang Bonucci từ Juve rồi cầu thủ này chỉ ở San Siro đúng một mùa giải và không tạo ấn tượng. Mang Bonucci đổi Caldara, một bệnh binh với số lần ra sân của 2 mùa giải chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn 32 triệu bảng cho Andre Silva, nhưng phải cho mượn vì phong độ tệ hại. Piatek đến San Siro với giá gần 30 triệu bảng, rời khỏi câu lạc bộ không kèn không trống với giá chưa đầy 23 triệu. Gần 35 triệu bảng cho Paqueta và giờ anh chủ yếu đánh bóng băng ghế dự bị.
Rồi các hợp đồng với Ricardo Roriguez, Suso, Biglia… đều bị đánh giá là không thành công khi thiếu sự ổn định và đã phải khăn gói ra đi. Chuyển nhượng thất bại một phần bởi đã từ rất lâu rồi họ không có một huấn luyện viên nào có tầm cỡ. Sau khi Allegri ra đi, Filippo Inzaghi đến thay thế và cũng chỉ tồn tại được ở đây một mùa bóng. Sinisa Mihajlovic được đưa về thay Inzaghi, Montella được đưa về thay Mihajlovic nhưng đều có kết cục tương tự người tiền nhiệm.
Gattuso khá khẩm hơn, khi trụ lại được ở Milan đến hai mùa bóng thì người thay thế là Marco Giampaolo lại có kết cục hết sức tồi tệ khi khăn gói ra đi sau khi nắm quyền được 5 tháng. Bây giờ, Pioli, một huấn luyện viên với lý lịch không có gì nổi bật đang dẫn dắt Milan và con đường trước mắt cũng chẳng có gì sáng sủa hơn. Hãy nhìn vào việc cả đội bóng đang sống bằng hơi thở của Ibrahimovich, một chân sút đã xấp xỉ tứ tuần để hiểu đội bóng sẽ đi về đâu.
Đã bao mùa bóng, đội bóng lận đận trong việc tuyển mộ cầu thủ, phát huy tiềm lực các ngôi sao và đặc biệt là chưa định hình được lối chơi. Vì thế, một huấn luyện viên giỏi, với các thương vụ chuyển nhượng hợp lý cùng khả năng chiến thuật là điều mà cổ động viên Milan thèm khát đã bao lâu.
Kỳ vọng ở Ralf Rangnick
Để nói về tài năng của Rangnick, hãy lùi thời gian về những năm 2006, khi ông đang là huấn luyện viên của Hoffenheim. Lúc đó, đội bóng này thi đấu tận giải hạng 3 của nước Đức. Ấy vậy mà, chỉ mất 2 mùa bóng, đội bóng này đã lên chơi tại Bundesliga và trở thành hiện tượng của giải khi vô địch lượt đi và luôn là đối thủ cạnh tranh cho chiếc đĩa bạc trong suốt mùa bóng. Sau 6 năm dẫn dắt Hoffenheim, Rangnick nói lời chia tay và tất cả những gì sau đó, với các đội bóng tiếp theo đều là những sự thành công ngoài mong đợi.
Tại Schalke, ông đưa đội bóng này lọt vào bán kết UEFA Champions League và giành cúp quốc gia. 8 năm qua, ông được nhắc đến như là kiến trúc sư thiên tài của RB Leipzig, đội bóng được thành lập năm 2009 nhưng đã nhanh chóng trở thành thế lực của bóng đá Đức và châu Âu. Trước khi Bundesliga mùa này bị hoãn vì đại dịch Covid-19, RB Leipzig đang đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng Bundesliga và vượt qua đương kim á quân Tottenham tại vòng 1/8 Champions League.
Một huấn luyện viên giỏi về chiến thuật là điều mà Milan đang thèm khát sau khi không định hình được lối chơi với những chiến lược gia chỉ ở mức làng nhàng. Chưa kể, nhiều tài liệu cho thấy Rangnick cũng đã có nhiều thời gian nghiên cứu bóng đá Italia, nhất là chiến thuật của HLV Arrigo Sacchi, một chiến lược gia kỳ tài, người đã mang đến giai đoạn thành công nhất trong lịch sử cho Milan. Giám đốc điều hành (CEO) của Milan hiện tại, Ivan Gazidis là một người rất ủng hộ Rangnick.
Thời còn nắm quyền tại Arsenal, Gazidis đã từng muốn đưa chiến lược gia người Đức về sân Emirates để khỏa lấp chỗ trống sau sự ra đi của Arsene Wenger. Với vị trí hiện tại ở Milan, Gazidis lại muốn đưa Rangnick về San Siro để tạo nên những điều mới mẻ, nhất là trong phườn diện quản lý khi Rangnick giỏi cả việc lựa chọn nhân sự cũng như cách vận hành lối chơi. Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt của nó.
Người ta không lạ gì cách điều hành của Rangnick, bởi nó gắn chặt với hai chữ “toàn quyền” vốn đã thành thương hiệu. Các câu lạc bộ đã kinh qua, ông luôn đòi hỏi phải được trao toàn quyền quản lý, đồng nghĩa các ông chủ của đội bóng sẽ không có quyền nhúng tay vào những quyết định liên quan đến chiến thuật, nhân sự. Điều đó lý giải cho việc ông rời Hoffenheim sau những năm tháng thành công bởi vì chủ tịch Dietmar Hopp can thiệp vào chuyên môn.
Tuy nhiên, ở Milan, người ta quá quen thuộc với hình ảnh các ông chủ can thiệp thái quá vào chuyên môn. Kể cả một trong những chiến lược gia tài ba nhất lịch sử là Ancelotti cũng đã từng phải làm theo những chiến thuật mà cựu chủ tịch Berlusconi yêu cầu. Chính điều đó sẽ khiến sự cá tính của các huấn luyện viên bị triệt tiêu dần. Lần gần đây nhất, Rossoneri có được sự dẫn dắt bởi một huấn luyện viên biết gầm gừ, đó là Gattuso.
Tuy nhiên, Gattuso có phần hạn chế bởi kinh nghiệm và chuyên môn. Chưa kể, dù giỏi úy lạo tinh thần các cầu thủ, nhưng Gattuso lại thường tỏ ra nhu nhược đối với các cấp lãnh đạo đội bóng. Chính vì thế rất khó để Rangnick có thể toàn quyền ở Milan để mặc sức vẫy vùng, nhất là khi các ông chủ ở nơi đây nổi tiếng là thiếu kiên nhẫn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tài năng của Rangnick không đáng để chờ đợi, bởi một chiến lược gia giỏi là điều Milan thiếu từ rất lâu rồi.